Một dự án sản xuất thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Văn Nam. |
Dự án thép vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bộc lộ nhiều bất cập như việc cấp phép thiếu thẩm định kỹ lưỡng, không theo quy hoạch, sản phẩm trùng lắp dẫn đến cung vượt cầu, cạnh tranh khốc liệt hơn và cuối cùng phần thiệt rơi vào doanh nghiệp trong nước.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết sau 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp FDI đã có các đóng góp tích cực cũng như những bất cập xoay quanh việc phát triển ồ ạt các dự án thép vừa qua.
Bất cập phía sau các siêu dự án thép
Theo ông Phạm Chí Cường, phải thừa nhận các dự án nước ngoài đã đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp thép Việt Nam.
Sau 20 năm kể từ khi các nhà đầu tư tham gia vào ngành thép, Việt Nam đã có những nhà máy thép quy mô lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành sản phẩm thép cạnh tranh hơn vì năng suất lao động tăng, tiêu hao nguyên liệu giảm. Những năm gần đây đã xuất khẩu sản phẩm thép mỗi năm đạt khoảng 2 tỉ đô la Mỹ.
Đến nay, cả nước mỗi năm tiêu thụ 10-11 triệu tấn thép các loại. Để trở thành nước công nghiệp, ngành thép chắc chắn phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên cũng đã có nhiều bất cập khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài vào ngành thép tại Việt Nam thời gian qua.
Ông chủ tịch VSA điểm lại các dự án thép vốn FDI tại Việt Nam sau năm 2000 đến nay tăng dần từ 20-30 ngàn tấn/năm lên công suất hàng triệu tấn/năm.
Dự án FDI lớn nhất ngành thép đang xây dựng tại khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) có tổng công suất 2 giai đoạn lên đến 22 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư hàng chục tỉ đô la Mỹ, dự kiến năm 2015 vận hành giai đoạn 1.
Điều đáng nói là bên cạnh những đóng góp, việc thu hút các dự án thép vốn FDI vào Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều bất cập.
Trước tiên, ông Cường cho rằng bất cập lớn nhất chính là việc lựa chọn đối tác đầu tư vào ngành thép Việt Nam chưa cân nhắc kỹ lưỡng, dẫn đến nhiều nhà đầu tư không có khả năng tài chính, thậm chí không có kinh nghiệm về sản xuất thép.
Ông Cường nêu trường hợp dự án thép Guang Lian ở Quảng Ngãi kéo dài gần 7 năm trời không động tĩnh gì. Khó hiểu hơn là mặc dù dự án này triển khai rất ì ạch do năng lực chủ đầu tư yếu thấy rõ, đã đổi chủ đầu tư 5 lần, nhưng gần đây vẫn được cơ quan chức năng đồng ý cho tăng công suất, tăng vốn đầu tư từ 3 tỉ đô la Mỹ lên 4,5 tỉ đô la Mỹ.
Theo nhận định của ông Cường, cũng do thẩm định dự án không kỹ, cấp phép đầu tư không chặt nên có những dự án thép nước ngoài không có công nghệ mới, thiết bị công suất nhỏ (doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư được) không cần vốn và kỹ thuật nước ngoài vẫn cho đầu tư, dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm trùng lặp, cạnh tranh với sản phẩm sản xuất trong nước rất khốc liệt mà phần thua thiệt thường rơi về phía doanh nghiệp trong nước.
Theo kinh nghiệm ở các nước Đông Nam Á, khi tiếp nhận các dự án thép lớn, nhà máy liên hợp thép 5-10 triệu tấn/năm, đầu tiên là kêu gọi đối tác đầu tư, chọn trong số các công ty thép có tên tuổi, tiềm lực vốn, công nghệ (như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc …), sau đó đấu thầu để chọn nhà đầu tư tốt nhất.
Trong khi đó ở Việt Nam, thường các đối tác tự tìm đến làm việc với địa phương, rồi địa phương báo cáo các bộ, Chính phủ xin xét duyệt chấp nhận. Do trình độ cán bộ địa phương hiểu biết về chuyên môn luyện thép có hạn nên có trường hợp bị lừa, như trường hợp tỉnh Thanh Hóa bị Công ty Eminance lừa năm 2009.
Hậu quả của việc cấp phép dễ dãi các dự án thép khi chưa thẩm định kỹ lưỡng, theo ông Cường, đã dẫn đến tình trạng dự án thép FDI thường có vốn đầu tư cao hơn nhiều so với nhà máy cùng loại vốn trong nước, hệ lụy là những dự án này sau nhiều năm vận hành vẫn báo lỗ, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Cần giải pháp mạnh tay
Do những sản phẩm thép sản xuất ở Việt Nam hiện nay cung đang vượt xa cầu, trong khi đó một số sản phẩm thép cơ bản như thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim, .. còn phải nhập khẩu 100% nên hiện tại nhập siêu trong ngành thép mỗi năm vẫn ở mức trên 5 tỉ đô la Mỹ.
Vì vậy, vị đứng đầu VSA kiến nghị trong định hướng thu hút đầu tư nước ngoài ngành thép sắp tới, cần tuân thủ theo quy hoạch tổng thể của ngành thép mà Chính phủ vừa phê duyệt vào tháng 1-2013, hướng tới các sản phẩm có chất lượng cao, công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, và phải có tiềm năng về vốn đầu tư, những sản phẩm thép không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu, không đòi hỏi vốn đầu tư lớn thì để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư.
Cũng theo ông Cường kiến nghị, hướng các dự án đầu tư nước ngoài vào các sản phẩm trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đủ. Việc cân đối, lựa chọn số lượng dự án hợp lý, phân vùng để bố trí các dự án, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt theo phong trào gây lãng phí đất đai, tiền của và dư thừa công suất.
Ngoài ra, nên sớm rút kinh nghiệm những hạn chế do việc phân cấp cho địa phương cấp phép đầu tư quá rộng rãi, việc giám sát, và quy định của các bộ chủ quản ngành thép không chặt chẽ nên trong thời gian tới cần chấn chỉnh lại theo hướng các dự án liên hợp luyện thép phải do các bộ quản lý thẩm định, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì báo cáo Chính phủ phê duyệt và do Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp phép.
Các dự án không thực hiện tiến độ nêu trong giấy phép phải được các chủ đầu tư báo cáo lý do, nếu lý do không xác đáng thì kiên quyết thu hồi.
Về chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như các sản phẩm thép yêu cầu công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, hoặc các dự án có tác động lớn đến nền kinh tế của một vùng miền của đất nước thì cần xây dựng chính thức những khoản mục ưu đãi như: đất đai, hạ tầng cơ sở, các ưu đãi về thuế,.. cho các nhà đầu tư biết khi quyết định đầu tư.
Năng lực sản xuất các sản phẩm thép trong nước tính tới tháng 1-2013
Thứ tự | Sản phẩm | Số lượng công ty | Công suất thiết kế | Sản lượng năm 2012 |
1 | Than cốc | 3 | 1.260.000 | 462.000 |
2 | Gang lò cao | 12 | 3.779.000 | 504.000 |
3 | Phôi thép | 27 | 11.480.000 | 4.141.000 |
4 | Sản phẩm dài | 33 | 12.810.000 | 5.049.000 |
5 | Sản phẩm dẹt | 16 | 3.990.000 | 1.747.000 |
6 | Ống thép hàn | 20 | 2.065.000 | 774.600 |
7 | Tôn mạ kim loại, phủ màu | 21 | 3.239.000 | 1.642.000 |
(Đơn vị tính: tấn/năm) - Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.