Xã hội hoá là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và trong quá trình giao lưu hội nhập quốc tế, nhất là khi nước ta đã gia nhập WTO. Thực hiện chủ trương xã hội hóa phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo, y tế của Đảng và Nhà nước, đặc biệt kể từ khi Luật Đầu tư ra đời đến nay, Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, kịp thời nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các trường học, bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn Thành phố.
Là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của cả nước, từ năm 2006, Thành uỷ Hà Nội đã có Chỉ thị số 06-CT/TU về: “Đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hoá của Thành phố giai đoạn 2007-2010”. Nhờ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự cố gắng của các sở, ban, ngành, công tác xã hội hoá đầu tư vào các lĩnh vực của Thành phố luôn được quan tâm, phát triển, một trong những lĩnh vực đó là giáo dục- đào tạo và y tế đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án với tổng mức vốn huy động trên 8.900 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực giáo dục - đào tạo có 18 dự án với mức vốn 2.327 tỷ đồng, lĩnh vực dạy nghề có 5 dự án với mức vốn 269 tỷ đồng và lĩnh vực y tế 10 dự án với quy mô vốn 6.304 tỷ đồng. Trên địa bàn Thủ đô hiện có trên 2.303 cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động, chiếm 26% số cơ sở giáo dục và 18,4 % số học sinh toàn Thành phố; đồng thời có 13 bệnh viện tư nhân với 447 giường bệnh. Các cơ sở y dược tư nhân đảm nhận khoảng 30% tổng số hoạt động khám chữa bệnh thông thường.
Tuy nhiên, những kết quả nêu trên chỉ là bước đầu, chưa tương xứng so với tiềm năng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Các cơ sở giáo dục, y tế ngoài công lập ở Hà Nội còn ít về số lượng và hạn chế về quy mô. Cơ sở vật chất của nhiều đơn vị ngoài công lập còn manh mún, nghèo nàn. Hầu hết các cơ sở dân lập, tư thục phải thuê mướn địa điểm, mặt bằng hạn hẹp, chưa bảo đảm điều kiện dạy học, khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn. Huy động vốn ngoài ngân sách cho xã hội hoá giáo dục, y tế còn nhiều vướng mắc...
Nguyên nhân của những tồn tại chủ yếu này là do các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá, chỉ đạo triển khai của Nhà nước và Thành phố chậm hoặc khó đi vào thực tế cuộc sống, cụ thể là: Việc xây dựng và công khai các quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng đô thị của Thành phố chưa đáp ứng so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, chưa thực sự minh bạch để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư dễ dàng tiếp cận được thông tin quy hoạch. Nhiều nhà đầu tư có nhu cầu mở trường học, trường dạy nghề nhưng không nắm được thông tin có thể đầu tư vào địa điểm nào.
Thủ tục hành chính trong việc lập, triển khai dự án đầu tư, xin giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng còn phức tạp, rườm rà; việc xét, duyệt phải qua nhiều khâu, nhiều cấp, gây chậm trễ, mất nhiều thời gian làm nản lòng các nhà đầu tư. Hiện nay, theo thông kê để triển khai thủ tục một dự án khởi công xây dựng tối thiểu nhà đầu tư phải mất ít nhất 12 tháng, trong thực tế hầu hết nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài trên 12 tháng.
Cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, thuế mặc dù đã thông thoáng, nhưng việc hướng dẫn cụ thể và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành chưa đồng bộ làm cho các cơ chế, chính sách ưu đãi này chậm đi vào cuộc sống và hiệu quả còn thấp. Hầu hết các cơ sở chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của Nhà nước để đầu tư phát triển do thủ tục còn khá phức tạp, lãi suất cao, thời hạn vay chủ yếu là ngắn hạn, chưa thật phù hợp với điều kiện hoạt động của đơn vị... điều này cản trở các cơ sở ngoài công lập tiếp cận các nguồn lực tài chính quan trọng để đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở vật chất của các đơn vị. Điều kiện xét miễn, giảm thuế, tài trợ lại tiền thuế thu nhập doanh nghiệp còn phức tạp, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân có nhà, đất cho các cơ sở ngoài công lập thuê.
Chế độ học phí, viện phí do Nhà nước quy định cho các cơ sở ngoài công lập chưa hợp lý. Về thực chất, chưa có sự bình đẳng trong cơ chế, chính sách giữa khu vực công lập và khu vực ngoài công lập. Với cơ chế hiện hành, Nhà nước vẫn ưu đãi quá nhiều cho các cơ sở công lập: cấp kinh phí thường xuyên, được nhà nước đảm bảo cơ sở vật chất, đồng thời vẫn được thu các loại phí (học phí, viện phí...) để hỗ trợ công việc và nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Trong khi đó cơ sở ngoài công lập chưa có quy định về mức thu dịch vụ dạy học và khám chữa bệnh, việc hình thành giá cả của dịch vụ nói trên về nguyên tắc sẽ dựa trên cơ sở giá trị và quan hệ cung cầu của thị trường quyết định. Nếu các cơ sở ngoài công lập thực hiện mức thu đúng như quy định hiện hành của Nhà nước thì không có khả năng bù đắp, tích luỹ tái đầu tư cơ sở vật chất. Không ít các cơ sở ngoài công lập chỉ có khả năng thuê mướn các địa điểm nhà cửa đã có sẵn, mặc dù các địa điểm này không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định để tổ chức hoạt động mà không có ý định đầu tư lớn để làm ăn lâu dài.
Để góp phần giải quyết những vướng mắc nêu trên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn phát triển các cơ sở giáo dục, y tế ngoài công lập, Thành phố Hà Nội cần thực hiện một số nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, Thành phố cần sớm hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống quy hoạch, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, trong đó gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng Thủ đô, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành về hệ thống cơ sở y tế, mạng lưới trường học. Trong các quy hoạch cần xác định rõ lộ trình thực hiện cho từng giai đoạn 5 năm. Đồng thời, cần thực hiện tốt cơ chế công khai các thông tin về cơ chế chính sách, thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển (kinh tế - xã hội, đầu tư, sử dụng đất...) 5 năm và hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư có thể tiếp cận được thông tin cần thiết. UBND Thành phố cần quy định về cơ chế, đầu mối và cách thức tổ chức công khai thường xuyên các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, danh mục các dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Thứ hai, cần có những giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách cho các cơ sở ngoài công lập, từ việc xác định tư cách pháp nhân của các cơ sở ngoài công lập; vấn đề pháp lý bảo vệ quyền về tài sản trong các cơ sở ngoài công lập, vấn đề liên quan đến yếu tố con người (chế độ, chính sách bảo hiểm, đào tạo bồi dưỡng, thi đua khen thưởng và phong tặng danh hiệu); vấn đề về chính sách thuế, chính sách về giao đất, cho thuê đất; vấn đề bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập tiến tới bình đẳng thực hiện đấu thầu dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế... Đặc biệt, cần coi trọng hoàn thiện và triển khai có hiệu lực cao trên thực tế các cơ chế, chính sách chủ yếu, như: Tiếp tục thực hiện chính sách giao đất, cho thuê đất không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện thực hiện xã hội hóa. Trong đó các cơ sở ngoài công lập phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai. Khi hết thời hạn giao đất, thuê đất nếu cơ sở không có nhu cầu tiếp tục sử dụng, bị giải thể, chuyển đi nơi khác hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, không có hiệu quả thì Nhà nước sẽ thu hồi lại đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, cơ sở ngoài công lập sử dụng đất hợp pháp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất hợp pháp, quyền sở hữu nhà và tài sản theo quy định của pháp luật; Khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở ngoài công lập thuê; Phải hoàn thiện và ban hành quy định về xử lý tài sản khi chuyển đổi các cơ sở y tế, giáo dục với hình thức hoạt động từ công lập, bán công sang dân lập, tư nhân; Nâng mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở ngoài công lập đăng ký hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhằm khuyến khích cơ sở sử dụng chênh lệch thu chi (lãi thu được trong quá trình hoạt động) để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất; Cho phép và tạo thuận lợi cho các cơ sở trường học, bệnh viện ngoài công lập được vay từ Quỹ đầu tư phát triển, Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất; Tuỳ theo khả năng ngân sách địa phương, Uỷ ban Nhân dân Thành phố xem xét quyết định việc hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay cho các cơ sở ngoài công lập thực hiện đầu tư cho các dự án thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế; Khuyến khích các cơ sở ngoài công lập cổ phần hoá, huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, vốn góp từ người lao động trong đơn vị, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết với địa phương, với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; Nhà nước và Thành phố xây dựng và ban hành khung giá dịch vụ giáo dục y tế tối đa để quản lý trong quá trình hoạt động của cơ sở ngoài công lập.
Thứ ba, Thành phố phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu rà soát, bổ sung, sửa đổi quy định về quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong nước không sử dụng vốn ngân sách, trong đó tập trung lược bỏ các quy định không cần thiết, thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, cụ thể hóa Thông tư 03/2009/TT-BKH ngày 16/4/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất để áp dụng trên địa bàn Thành phố Hà Nội .
Thứ tư, tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ trương chính sách về xã hội hoá phát triển sự nghiệp y tế để các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các cơ sở ngoài công lập và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các cơ sở ngoài công lập, nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thụ hưởng dịch vụ giáo dục-đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân Thủ đô.
Thứ năm, cần tăng cường quản lý nhà nước và phát huy vai trò giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư, quản lý khai thác các công trình kết cấu hạ tầng xã hội, quản lý việc cung ứng các dịch vụ công cộng của các cơ sở ngoài công lập đảm bảo các hoạt động này phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội và thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật./.
( Theo Ngô Văn Quý // Báo Kinh tế và Dự báo )
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.