Lo ngại cúm A/H1N1 quay trở lại
Từ đầu năm đến nay đã có bốn ca nhiễm cúm A/H1N1 tử vong tại các bệnh viện TP.HCM. Trong đó, chỉ trong vòng một tuần của đầu tháng 6 đã có liên tiếp ba ca nhiễm cúm A/H1N1 tử vong. Nhiều người lo ngại chủng cúm từng gây đại dịch năm 2009 sau ba năm “vắng lặng” đang quay trở lại.
Không loại trừ nguy cơ chủng vi rút cúm này có những biến đổi, ngành y tế đang cảnh báo người dân nên tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Cúm A/H1N1 gia tăng
Ba trường hợp liên tiếp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 tại các bệnh viện TP.HCM trong tuần đầu tháng 6 là một cụ ông 61 tuổi (ngụ tại Tam Nông, Đồng Tháp), một nam bệnh nhân 49 tuổi (ngụ Q.3, TP.HCM) và một sản phụ 24 tuổi (ngụ Q.9, TP.HCM).
Thời điểm này, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) hiện đang điều trị cho ba trường hợp khác nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng đang điều trị cho một bệnh nhân trong tình trạng nặng, đã có kết quả dương tính với cúm A/H1N1.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), một bệnh nhi ba tuổi (ngụ Đồng Tháp), nhiễm cúm A/H1N1 cũng đang được điều trị tích cực.
Ngay trong ngày 11.6, Sở Y tế Tiền Giang xác nhận xuất hiện ổ cúm A/H1N1 tại Sở Tư pháp Tiền Giang. Tại đây có ba trường hợp dương tính với vi rút cúm A/H1N1 và hai trường hợp nghi ngờ đang được theo dõi.
Như vậy đây là ổ cúm A/H1N1 thứ hai trong cả nước được công bố từ đầu năm đến nay. Ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại H.Bắc Hà (Lào Cai) vào đầu tháng 5, với hơn 20 trường hợp.
Theo bác sĩ Lê Hoàng San, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, tình hình bệnh cúm A/H1N1 đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt những tháng đầu mùa mưa là thời điểm tập trung xuất hiện các ca bệnh.
Giám sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy cứ 100 người đến khám tại các bệnh viện thì có khoảng hai người có kết quả xét nghiệm bị cúm A/H1N1.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm tháng đầu năm đã có trên 400.000 ca nhiễm cúm, trong đó phần lớn nhiễm cúm A/H1N1.
Phòng “sát thủ" cũ trở lại
Trước tình hình các ca nhiễm cúm A/H1N1 tại nước ta đang gia tăng cũng như liên tiếp xảy ra các ca tử vong, thạc sĩ Lê Văn Tuân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại TP.HCM, khuyến cáo không loại trừ khả năng chủng vi rút cúm này có những biến đổi.
“Vì vậy, việc phòng chống cúm A/H1N1 cho nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm cao cần được đặt lên hàng đầu”, thạc sĩ Tuân nói.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đối tượng dễ “ngã quỵ” bởi vi rút cúm A/H1N1 là người già (thường trên 60 tuổi), trẻ em (khoảng 2 tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh nền (bệnh tim, hen suyễn, bệnh phổi mạn tính), người có miễn dịch kém, người bệnh tiểu đường.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết: Mùa bệnh viêm hô hấp, bệnh cúm đã bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 5 sang đầu tháng 6. Bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp cho đến tháng 10.
Để phòng chống cúm hiệu quả hơn, bác sĩ Thọ kiến nghị TP cần xây dựng hệ thống giám sát mở rộng thường quy kể cả xét nghiệm giám sát vi rút cho bệnh giống cúm và viêm phổi.
Theo bác sĩ Khanh: Cúm A/H1N1 không có triệu chứng khác biệt nào so với bệnh cúm thông thường. Bệnh nhân có những dấu hiệu như: sốt, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, đau cơ. Bệnh diễn tiến nặng dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, phù phổi và tử vong.
“Mọi người cần biết rằng cúm A/H1N1 thực tế đang tồn tại. Vì thế khi có dấu hiệu cảm cúm, người dân đừng nghĩ rằng mình bị cảm cúm thông thường mà ở nhà tự điều trị, nhiều ngày không khỏi mới đi khám. Tốt nhất bệnh nhân nên đến khám bác sĩ sớm để được theo dõi, điều trị phòng ngừa cúm A/H1N1, tránh trường hợp nhập viện quá trễ khi bệnh đã chuyển biến nặng”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Theo Thanh Niên