Chết dồn dập vì cúm A/H1N1
Chỉ 3 ngày liên tiếp, trên địa bàn TP HCM có 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1, chưa kể nhiều trường hợp đang điều trị vì nhiễm loại cúm này
Trường hợp tử vong mới nhất là ông N.X.T (49 tuổi, ngụ quận 3, TP HCM). Ông T. có tiền sử suy thận, xơ gan, nhập viện với các triệu chứng sốt cao, ho có đàm kèm tiêu chảy.
Cứ 100 người khám, 2 người nhiễm bệnh
Tại Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP HCM), các bác sĩ (BS) đã cố gắng cứu chữa nhưng bệnh diễn tiến ngày một nặng thêm nên ông T. không qua khỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. BS Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết cùng với trường hợp tử vong nói trên, hiện BV cũng đang điều trị cho 3 trường hợp khác nghi ngờ bị nhiễm cúm A/H1N1.
Trước đó, tại BV Chợ Rẫy, liên tiếp trong 2 ngày cũng có 2 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1, đó là một người đàn ông 61 tuổi và một sản phụ là công nhân. Trong 3 ngày đầu tháng 6, tại TP HCM đã xảy ra liên tiếp 3 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1, nâng số tử vong từ đầu năm đến nay là 4 trường hợp.
TS-BS Hoàng Lan Phương, Phó Khoa Nhiệt đới - BV Chợ Rẫy, lo ngại việc lây cúm từ những người trong gia đình, từ người khỏe sang người thể trạng yếu, như sản phụ vừa tử vong nói trên đã bị lây bệnh từ chồng mình. Trước khi người vợ bị bệnh, người chồng bị cảm cúm trong vòng 3 ngày rồi khỏi hoàn toàn, sau đó thì người vợ lây bệnh. BS Phương khuyến cáo: Những trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 nếu điều trị sớm trong vòng 48 giờ thì tiên lượng bệnh sẽ tốt hơn nhiều.
Khảo sát mới nhất của Viện Pasteur TP HCM cũng cho thấy cứ 100 người đến khám bệnh thì có 2 người bị nhiễm cúm A/H1N1.
Nguy cơ chủng virus cúm biến đổi
Theo BS Nguyễn Thị Minh Phượng, Khoa Kiểm soát dịch bệnh - Viện Pasteur TP HCM, hiện cúm đang lưu hành nghiêm trọng tại Việt Nam. Virus cúm có rất nhiều chủng nhưng chủng A&B được xác định có khả năng biến đổi hằng năm, có thể gây bệnh trên diện rộng, trở thành dịch trên phạm vi toàn cầu. Bệnh cúm có độ lây nhiễm rất cao do lây qua đường hô hấp, giữa người với người. Vì vậy, những nơi có cộng đồng dân cư đông đúc như nhà trẻ, trường học, KCN, cao ốc văn phòng hay khu nhà tập thể… rất dễ bùng phát dịch bệnh.
ThS Lê Văn Tuân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết cúm A/H1N1 không xuất hiện theo mùa mà đang gieo rắc mầm bệnh ở mọi thời điểm trong năm. Đối tượng nhiễm bệnh là người già, trẻ em, phụ nữ có thai. “Những ca bệnh cúm A/H1N1 liên tiếp tử vong trong thời gian qua không loại trừ khả năng chủng virus cúm này đã có những biến đổi, độc lực cao” - ông Tuân nhận định.
Các BS lưu ý các đối tượng trong nhóm nguy cơ như trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người mắc bệnh mạn tính cần đến các cơ sở y tế để phòng ngừa cúm bằng vắc xin để phòng bệnh. Ngoài ra, người dân nên tự bảo vệ sức khỏe cho mình bằng cách: Phát hiện và cách ly sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm; nghỉ học, nghỉ làm ở nhà khi bệnh; hạn chế sinh hoạt, tụ họp đông người; cá nhân cần tránh lao lực, tránh bị nhiễm lạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc khi nghi ngờ bị bệnh cúm; rửa tay thường xuyên... Trường hợp thân nhiệt nóng sốt bất thường trên 380C, ho nhiều, nên đến các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
“Việc tiêm ngừa cúm không chỉ giúp phòng ngừa chủng cúm A/H1N1 đang lưu hành mà còn giúp giảm nhẹ triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm khác do tính miễn dịch chéo trong vắc-xin. Vì vậy, nên tiêm ngừa vắc-xin cúm ngay khi có thể để bảo đảm miễn dịch bảo vệ” - một BS khuyên.
Theo NLĐ