Tự đầu độc bằng sữa chua mít, siro phẩm màu
Mập mờ nhãn mác, nơi sản xuất
Tiếp cận xưởng đóng gói nước đậu nành, hoa quả dầm ở (tổ 12, Từ Liêm, Hà Nội), tôi được mục sở thị cách pha chế siro hoa quả với các loại nước đậu. Tùy vào màu mè của sản phẩm mà người ta pha chế nước với từng loại siro hoa quả. Công thức pha chế cũng hổ lốn và chẳng biết từ đâu ra.
Công thức tạo mùi cho một hỗn hợp được gọi tên là sữa ngô gồm ngô xay nhuyễn, gồm cả xác ngô, khi được nửa chậu nước ngô đã xay đều rồi cho thêm hai chậu nước lã và một lọ siro Trung Quốc có giá 30.000 – 50.000 đồng, sau đó đổ siro và nước cùng ngô đã xay vào, lấy que quấy đều để nước ngô và siro cùng với nước lã.
Cách làm này tương tự như khi sản xuất nước vừng đen, nước đậu nành. Chỉ cần siro các mùi khác nhau sẽ cho ra "ty tỷ sản phẩm" các loại. Thấy tôi chăm chú quan sát như đi học nghề, chủ xưởng sản xuất còn lưu ý: “Đừng bỏ siro khi xay ngô nhé, nó sẽ khiến siro bị đánh tan mùi và nát màu, trông rất xấu”.
Ở đây và một số nơi tôi đi khảo sát, thấy đủ loại siro có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc, giá rẻ bất ngờ. Tất nhiên nó có thật sự “bổ béo” hay không, hay là những ẩn họa khôn lường thì vẫn chưa ai trả lời được.
Tuy nhiên, bằng mắt thường cũng thấy được các số liệu cùng với ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng không rõ ràng, có một vài hộp mờ, không nhìn thấy gì.
Không khó để tìm mua các loại chất màu mè này tại các chợ đầu mối Hà Nội. Phần lớn có xuất xứ không rõ ràng. Khi tôi phàn nàn về hạn sử dụng chủ quán tên Huyền ở trước chợ Hôm cau mặt và giật lại gói hóa chất và ném cho tôi một cái nhìn nghi ngờ đầy khó chịu: “Muốn mua các loại hàng chất lượng cao, nhãn mác đàng hoàng thì vào siêu thị mà mua nhé!”.
Qua tìm hiểu tôi biết các loại hóa chất tạo màu và mùi này đa phần này bán không công khai. Một chủ quán bán hương liệu tổng hợp trên phố Hàng Buồm cho biết, các loại hương liệu, siro có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam nhưng đa phần là Trung Quốc và :“Không thể nhận biết, qua tay bao nhiêu khâu trung gian nên mỗi người nói một kiểu, còn muốn hóa chất gì qua bà Hiên hỏi có liền nhưng phải im lặng, mua rồi đi luôn đấy nhé!”
Có một số loại sản phẩm có ghi địa chỉ, nhưng chỉ là nơi sản xuất… ghi cho có. Lần theo địa chỉ ghi trên một vỏ hộp siro, tôi tìm đến địa chỉ số 66B, tổ 18, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội.
Tuy nhiên, khi tôi đến thì nơi thì địa chỉ này là nhà mẫu giáo tư nhân, quanh đây cũng không có một xưởng sản xuất siro nào. Một địa chỉ khác ghi tận Hưng Yên, tôi cũng tìm về nhưng vẫn là một con số không có tướng.
Dạo một vòng qua các điểm như chợ Cầu Lủ, chợ Mai Động, chợ Mơ, chợ Minh Khai, cầu Khương Đình, loại nước đậu nành, ngô xay chế biến theo kiểu nói trên vẫn bày bán nhan nhản. Những ngày hè nóng nực thế này, sữa chua mít, các loại nước đậu xay, hoa quả dầm có giả rẻ lại được cho là mát nên được các phụ huynh lẫn học sinh tin dùng. Nhiều học sinh uống những thứ nước trái cây ấy một cách ngon lành mà không hề bận tâm đến tính an toàn của sản phẩm.
Một vốn bảy lời
Đáng lo ngại hơn, chính phụ huynh học sinh cũng thờ ơ. Và người bán hàng lại càng hồn nhiên một cách khó lòng chấp nhận. Chị Hoa, một chủ quán bán các loại nước giải khát kiểu này trước trường PTTH Nguyễn Trãi, cho biết, con gái chị cũng uống các loại nước này một cách… bình thường.
Về tính an toàn của nước giải khát, chị Hoa nói: “Trong thời buổi này rất khó để nhận biết. Siêu thị còn bán các loại gà thải, hàng "second hand" thì làm sao đảm bảo hàng vỉa hè, đường phố không có hóa chất”.
Mỗi sáng chị Hoa bán được từ 50 – 100 lọ nước xay, sinh tố các loại. Theo chị, học sinh và phụ huynh ưa dùng nhất là nước ngô, đậu nành, vừng đen xay, sau đó mới đến sữa đậu nành.
Còn sữa chua mít, mỗi bát chỉ được vài sợi mít thái mỏng còn đâu là siro tạo màu, nước, đường hóa học, thêm được một hạt long nhãn cùng vài ba hạt sen.
Riêng sữa chua mít mỗi ngày nơi đây tiêu thụ trên 150 bát. “Hai ngày cuối tuần các quán sữa chua mít, chè chín món phải bán được trên 300 bát trong vòng một tối”, chị Hoa cho biết thêm.
Để kiểm chứng thông tin này một cách khách quan hơn, tôi xin thử việc ở quán chè trong ngõ hẽm chợ sinh viên Dịch Vọng vào hai ngày thứ 7, chủ nhật. Quán này lúc nào khách cũng trong tình trạng xếp hàng để lên ăn sữa chua mít, chè chín món, cháo sen…
Mỗi bát sữa chua mít bé tẹo có giá 13.000 đồng nhân với 100 bát cho ngày thường, cuối tuần lượng bán trên 300 bát. Với nơi bán hàng xập xệ, hàng hóa nhập vào rẻ bèo từ các cách chế biến như trên thì đây là một món lợi nhuận đáng kể.
Trong lúc các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng thanh kiểm tra về An toàn thực phẩm chưa hề có động thái thanh kiểm tra các loại thực phẩm đang rất được ưa chuộng này, thì người dân, nhất là giới học sinh, sinh viên cũng cần có ý thức để tránh rước họa vào thân vì ngộ độc thực phẩm.
Theo Phapluatvn.vn