Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL liên tục tăng và được kéo lên cao nhất trong vòng 2 năm gần đây khi Trung Quốc đẩy mạnh mua vào. Trong khi đó, doanh nghiệp “kêu” gặp khó do không thể cạnh tranh lại, thiếu nguyên liệu thực hiện hợp đồng xuất khẩu.
Trong khi doanh nghiệp than gặp khó do bị thương nhân Trung Quốc cạnh tranh mua tôm nguyên liệu, thì giá tôm tại ĐBSCL liên tục tăng cao. Trong ảnh là nông dân huyện Cầu Ngang, Trà Vinh thu hoạch tôm - Ảnh: Trung Chánh |
Mua tôm kiểu…Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Cafatex (Hậu Giang), cho biết kể từ đầu năm 2013 đến nay, thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu của Việt Nam mang về nước tiêu thụ.
“Không chỉ mua tôm có chất lượng tốt, Trung Quốc gom cả sản phẩm kém chất lượng, thậm chí họ còn yêu cầu nhà cung cấp bơm tạp chất vào tôm hay vào tận các nhà máy ở ĐBSCL để trả giá, cho doanh nghiệp hưởng lời bao nhiêu vậy đó để gom hàng giúp cho họ”, ông cho biết.
Trong khi đó, ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau), cho biết thương nhân Trung Quốc vào tận các vùng nuôi tôm ở ĐBSCL để mua nguyên liệu bằng hình thức nâng giá để cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước.
Theo ông An, thương nhân Trung Quốc mua tôm nguyên liệu, sau đó họ bơm tạp chất để làm tăng kích cỡ tôm (hay còn gọi là size) và xuất bán với giá cao hơn, trong khi đó, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chân chính của Việt Nam xuất sang Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn không làm điều này, do đó, cạnh tranh không lại về giá mua tôm nguyên liệu với các thương nhân Trung Quốc.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn ở ĐBSCL phân tích, ví dụ hai “size” tôm liền nhau có giá bán ra của doanh nghiệp lần lượt là 100.000 đồng/kí lô gam và 115.000 đồng/kí lô gam. Nếu “size” tôm có giá bán ra là 100.000 đồng/kí lô gam, bắt buộc doanh nghiệp Việt Nam và thương nhân Trung Quốc phải mua vào với giá 85.000 - 90.000 đồng/kí lô gam thì khi bán ra mới có lãi (cạnh tranh công bằng). Tuy nhiên, thương nhân Trung quốc có thể mua cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kí lô gam do họ bơm tạm chất để nâng “size” tôm lên loại có giá 115.000 đồng/kí lô gam.
“Hai cỡ tôm liền nhau có giá chênh lệch 15.000 - 20.000 đồng/kí lô gam, thì họ (Trung Quốc) chích tạp chất vào để đẩy cỡ tôm lên, bán giá cao hơn, như vậy, có bao nhiêu tôm cũng chạy về họ hết”, ông An cho biết.
Doanh nghiệp gặp khó
Việc thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam.
Ông Kịch của Cafatex cho biết: “Tôi được biết hiện có nhiều đơn hàng xuất đi Nhật và Mỹ của một số doanh nghiệp đã ký trước đó nhưng không có hàng để chế biến giao cho đối tác. Kể cả doanh nghiệp tôi, có nhiều đơn hàng bán cho Nhật nhưng không kiếm đâu ra nguyên liệu. Họ (Trung Quốc) gom hết trơn rồi, tôm lớn, tôm nhỏ gì cũng gom hết”.
Theo ông An, thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp chế biến tôm trong nước. “Công nhân mất việc, thị trường tiềm năng của mình như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… có nguy cơ chuyển hướng sang các nguồn cung cấp khác. Do đó, những doanh nghiệp sản xuất chế biến chân chính sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, ông An cho biết.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau, loại 20 con/kí lô gam hiện có giá 240.000 – 245.000; loại 30 con/kí lô gam có giá 150.000 – 155.000 đồng/kí lô gam, đặc biệt, loại 15 con/kí lô gam có giá đến 310.000 – 320.000 đồng/kí lô gam, cao nhất 2 năm qua. Giá tôm nguyên liệu tăng cao theo đó giúp thu nhập của không ít hộ nông dân tại ĐBSCL được cải thiện.
Tuy nhiên, ông Kịch của Cafatex, cho biết làm ăn với Trung Quốc tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. “Trung Quốc nâng giá thu mua 3 năm nhưng chỉ cần họ 1 năm hạ giá xuống là người sản xuất của Việt Nam cũng đủ chết rồi”, ông nói.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, về mặt nguyên tắc thị trường, ai mua cao thì bán cho người đó, tuy nhiên, về lâu dài, nếu thương nhân Trung Quốc tiếp tục gom tôm nguyên liệu của Việt Nam như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến tôm của Việt Nam.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu như kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc cả năm 2012 chỉ đạt trên 193 triệu đô la Mỹ, chiếm 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, thì chỉ 2 tháng đầu năm 2013 đạt trên 31,6 triệu đô la Mỹ. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.