Tiêu thụ nông sản: Bao giờ hết cảnh “đem con bỏ chợ”
Câu chuyện nông dân tỉnh Vĩnh Long phải "bán đổ, bán tháo" khoai lang tím sau khi ồ ạt trồng với hy vọng bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao đã trở thành vấn đề "nóng" của nhà nông thời gian qua.
Vấn đề này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về bảo vệ quyền lợi cho người nông dân trước tình trạng thu mua nông sản trái pháp luật của một số thương nhân nước ngoài.
Hơn bao giờ hết, việc tìm ra giải pháp nhằm quản lý hoạt động của các thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của nông dân đang khiến các nhà quản lý trăn trở.
“Trăm dâu” đổ đầu... nông dân!
Theo Bộ Công Thương, từ tháng 5/2011 đến nay, hiện tượng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam thu mua nông sản diễn ra trên diện rộng và có diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Bên cạnh mặt tích cực là góp phần tiêu thụ, giải quyết đầu ra đối với một số hàng hóa là sản phẩm nông nghiệp, nhất là những nông sản có sản lượng lớn và thời vụ thu hoạch ngắn, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, thì nhiều tiêu cực cũng xảy ra do không ít trường hợp hoạt động trái pháp luật trong khi các cơ quan chức năng chưa kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
Thực tế đã cho thấy, nhiều mặt hàng như vải thiều, thanh long, dưa hấu, dứa, gạo... có thời điểm đã được mua gom với giá cao nhưng sau đó rớt giá thê thảm, giảm từ 30-70% do thương lái ngừng thu mua. Rõ nét nhất là câu chuyện từ cuối 2011 đến đầu năm 2012 khi các thương lái nước ngoài mua gom khoai lang tại huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), giá khoai lang tím tại địa phương được bán từ 800.000 đến 900.000 đồng/tạ, nhưng từ quý II/2012, khi họ ngừng mua khoai lang, thì giá chỉ còn khoảng 180.000 đồng đến 190.000 đồng/tạ. Và chuyện người nông dân một nắng hai sương với sản phẩm nông nghiệp nhưng luôn phải “chạy theo” thương lái đã gây bức xúc trong dư luận.
Bộ Công Thương cho rằng, mặt tiêu cực của hiện tượng này không những đã gây bất ổn thị trường mà còn ảnh hưởng, thậm chí phá vỡ các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Mặt khác, hiện tượng này còn gây ra tình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu của một số nhà máy chế biến nông sản trong nước, khiến các nhà máy hoạt động cầm chừng, người lao động thiếu công ăn việc làm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản. Thêm vào đó, việc thu mua ồ ạt không phân biệt chất lượng, kích cỡ, chủng loại, tạo ra đơn hàng riêng… về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo sự phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, hoạt động thu mua trái phép của thương nhân nước ngoài không được quản lý đã gây thất thu thuế. Từ mất ổn định về kinh tế, thương mại dẫn đến mất ổn định về trật tự an toàn xã hội tại các địa phương có thương nhân nước ngoài vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua trái phép nông sản.
Cần tổ chức tốt thị trường
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã chỉ ra hai nhóm nguyên nhân chính của hiện tượng này. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do nhu cầu của thế giới về hàng nông sản của Việt Nam ngày một tăng, đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc - thị trường có nhu cầu tiêu thụ rất lớn, lại là nước có dân số đông, liền kề Việt Nam nên rất thuận tiện cho việc mua bán, thu gom, vận chuyển. Về chủ quan, để xảy ra hiện tượng thương nhân nước ngoài thu mua ồ ạt nhưng thiếu sự quản lý là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Mặc dù luật pháp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất đầy đủ nhưng cơ quan quản lý tại các địa phương đã không giám sát, xử lý kịp thời. Từ nhận thức chính sách, luật pháp đến phối hợp tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại của các thương nhân nước ngoài tại từng địa bàn cụ thể còn nhiều hạn chế. Cùng đó, trách nhiệm của các cơ quan chức năng do công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về thương nhân nước ngoài hoạt động thu mua nông sản tại Việt Nam chưa đầy đủ, chưa phù hợp với từng đối tượng.
Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, khẳng định: phần lớn thương nhân nước ngoài ở Việt Nam hoạt động tốt, chỉ một số vào bằng con đường du lịch, tìm hiểu cơ hội kinh doanh... hoạt động trái phép. Do đó cần nhận thức rõ về đối tượng để có công tác đấu tranh tốt, phối hợp với các bộ, ngành xử lý vi phạm xuất nhập cảnh, cấp giấy phép. “Chúng ta cần tổ chức tốt thị trường thì mới ngăn chặn hành vi trái pháp luật, đưa hoạt động của thương nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật” - ông Quyền nhấn mạnh.
Cũng theo ông Quyền, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát mang tính đồng bộ, có mục tiêu giữa các bộ ngành để tránh trường hợp không có chỉ đạo thì không làm hoặc xem nhẹ, cần có chương trình mang tính dài hạn. Cùng với đó, cần rà soát hoàn thiện luật pháp để tạo công cụ kiểm tra kiểm soát.
Theo ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã đầy đủ để kiểm soát hoạt động này, nhưng vấn đề nằm ở sự phối hợp quản lý giữa các địa phương để thương nhân nước ngoài vào Việt Nam hoạt động theo đúng luật pháp.
Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động của thương nhân nước ngoài không hề đơn giản. Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, thương nhân nước ngoài thường không trực tiếp thu mua nông sản của nước ta mà lại thông qua thương nhân trong nước nên rất khó xử lý. Vì vậy, luật pháp ban hành cần có những quy định để kiểm soát hoạt động của cả thương nhân Việt Nam khi tham gia hợp tác với thương nhân nước ngoài.
Đỗ Huyền (TTXVN)