Thị trường ôtô : Khởi sắc trong ngắn hạn
Thị trường ôtô tháng 6/2012 tiếp tục giảm so với tháng 5/2012 và giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải cho điều này, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (vama) vẫn giữ nguyên và nhấn mạnh nguyên nhân chính là do các loại thuế, phí hiện tại quá cao, đi kèm với các đề án về thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vẫn tiếp tục được nghiên cứu, dẫn đến người tiêu dùng không mạnh dạn, có tâm lý lo lắng khi mua xe.
Biểu đồ tổng sản lượng bán hàng 6 tháng đầu năm của Vama thể hiện thị trường tiếp tục giảm và biểu đồ so sánh sản lượng bán hàng 6 tháng 2011 và 6 tháng 2012
Về lại mốc 80.000 xe
Trước hết chúng tôi muốn nhắc lại dự báo của Vama vào cuối năm 2011 về sản lượng tiêu thụ toàn thị trường năm 2012 sẽ ở mức khoảng 140.000 xe. Tuy nhiên, với tình hình bán hàng ế ẩm từ đầu năm đến nay, dự báo mới của toàn thị trường sẽ chỉ còn 80.000 xe - mức giảm kỷ lục. Điều này càng được nhấn mạnh hơn khi số liệu trong tháng 6/2012 được công bố mới đây với sản lượng bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt khoảng 6.500 xe (bao gồm cả xe nhập khẩu). Trong đó, xe con đạt 3.379 xe (giảm gần 4% so với tháng 5/2012) và xe tải đạt 3.176 xe (giảm 5,4% so với tháng 5/2012). Một điểm đáng lưu ý là sản lượng xe trong nước lắp ráp tăng 3%, trong khi lượng xe nhập khẩu giảm 30% so với tháng 5/2012. Tính tổng thể, sản lượng bán hàng của 6 tháng đầu năm nay đã giảm hơn 42% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó xe tải giảm 30%, trong khi xe du lịch giảm 47% (xem biểu đồ). nếu trong những tháng còn lại không có sự tăng trưởng mạnh thì dự báo mức tiêu thụ của toàn thị trường sẽ về lại mốc 80.000 xe dẫn đến hàng loạt vấn đề liên quan như thất thu ngân sách, giảm việc làm… (Diễn đàn Doanh nghiệp đã có hàng loạt bài về vấn đề này).
Theo Vama thì nguyên nhân chính của việc giảm thị trường là do các chính sách liên quan đến thuế, phí, lệ phí và những vấn đề xoay quanh đề án thu phí hạn chế phương tiên cá nhân và phí đi vào nội đô. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan hơn thì một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng là sự yếu kém của nền kinh tế, khó khăn về vốn, tài chính… của khách hàng. Lý giải cho điều này là sự chênh lệch của sự sụt giảm giữa xe cá nhân (xe du lịch - đối tượng chịu sự tác động mạnh nhất nếu việc thu phí các phương tiện các nhân, phí vào nội đô đi vào hoạt động) so với xe tải ( phục vụ cho sản xuất kinh doanh) ở mức 47% so với 30%.
Ổn định trước mắt
Dù thị trường vẫn tiếp tục giảm, nhưng mới đây đại diện Vama cho biết : “chúng tôi nhận thấy một dấu hiệu lạc quan từ Chính phủ và Bộ GTVT nhằm điều chỉnh phương án thu các loại phí mà họ muốn thực hiện”. Dấu hiệu lạc quan này xuất phát từ công văn số 5299/BGTVT–TC của Bộ GTVT trả lời Vama về việc thu phí phương tiện giao thông cá nhân.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của chính phủ và Thủ tướng chính phủ, bộ GTVT đã giao cho Tổng cục đường bộ VN chủ trì phói hợp với Viện Chiến lược và phát triển GTVT nghiên cứu kỹ, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh dự án này, cần phải có khoảng thời gian nhất định, phù hợp (có thể là vài ba năm) để tham vấn ý kiến phản biện, dư luận xã hội, thông tin đối ngoại công khai, đầy đủ về chính sách, từ đó mới đề xuất được lộ trình thực hiện phù hợp. Bộ GTVT thấy rằng, việc tổ chức thu các loại phí này chỉ khả thi khi được sự đồng thuận của người dân.
Việc Vama cho rằng họ thấy được một dấu hiệu lạc quan cũng được xem là hợp lý, bởi nếu như nội dung công văn trên thì nhiều chuyên gia cho rằng việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân vẫn tiến hành, chỉ có sự khác biệt là đang nghiên cứu, đang “treo” ở đấy, có thể là vài ba năm. Và như vậy thì thị trường cũng chỉ ổn định được trước mắt mà thôi chứ chưa giải quyết dứt điểm vấn đề. Dù sao đi nữa thì với những thông tin trên chắc chắn sẽ giúp thị trường khởi sắc hơn trong bối cảnh liên tục giảm sản lượng bán hàng như hiện nay. Còn về lâu dài thì vẫn cứ phải chờ… hồi sau sẽ rõ.
(Theo dđdn)