TS. Quách Mạnh Hào: “Tôi không nghĩ rằng với một đất nước ưa thích tăng trưởng như Việt Nam thì việc giảm phát lại có thể diễn ra quá dài”. |
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6/2012 đã giảm 0,26% so với tháng trước, sau 38 tháng tăng liên tục. “Giảm phát” là từ được nhiều kênh thông tin nhấn mạnh.
Trao đổi với VnEconomy, TS. Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS), đưa ra một góc nhìn xoay quanh diễn biến này.
Sai lầm thường lặp lại từ tâm lý sợ
Ở cách hiểu chung, giảm phát là trái ngược với lạm phát. Theo ông, cần hiểu cụ thể như thế nào về giảm phát và gắn với thực tế CPI tháng 6 này -0,26% như vậy?
Hiểu đơn giản thì giảm phát là sự sụt giảm mức giá cả hàng hóa chung trong nền kinh tế. Khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức âm, ta có thể gọi đó là giảm phát. Tuy nhiên, để khẳng định rằng chúng ta đang trong thời kỳ giảm phát, thì chúng ta cần nhìn thấy CPI hàng tháng âm liên tục trong vài tháng.
Tôi không chắc là chỉ số CPI các tháng sau có âm hay không, nhưng chắc sẽ rất thấp và chỉ số lạm phát sẽ tiếp tục giảm mạnh. Chỉ số CPI tháng 6 so với cùng kỳ năm trước tăng 6,9% và tôi nghĩ rằng chỉ số này sẽ tiếp tục giảm chủ yếu do mặt bằng giá năm trước ở mức cao, dự kiến thấp nhất vào khoảng tháng 9 - 10 trước khi tăng nhẹ trở lại vào cuối năm theo chu kỳ chính sách. Kết thúc năm tôi nghĩ rằng lạm phát sẽ vào khoảng 6 - 7%.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm phát là tổng cầu giảm. Ông nhìn nhận thế nào về các yếu tố tác động đến tổng cầu trong thời gian qua?
Về lý thuyết, giảm phát có thể do bốn nguyên nhân: sụt giảm cung tiền/tín dụng; tăng sản lượng chung; sụt giảm tổng cầu; và tăng cầu tiền. Các nhân tố này thực ra có quan hệ khăng khít với nhau. Chẳng hạn như bạn nói, giảm tổng cầu là nhân tố quan trọng nhưng giảm tổng cầu thực chất lại là hệ quả của việc thắt chặt tiền tệ bởi điều này làm cho mặt bằng lãi suất cao, cầu tiêu dùng và cầu đầu tư chung trong nền kinh tế giảm xuống.
Tất nhiên chúng ta cũng cần phải lưu ý là trong thời gian qua chúng ta đã theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát và việc tác động giảm tổng cầu là giải pháp được chọn. Nhưng cũng cần nhấn mạnh là việc đẩy mặt bằng lãi suất lên quá cao là một chiến lược tồi bởi điều đó không còn là tác động giảm cầu, mà là cắt cầu.
Tôi nghĩ rằng ngoài những vấn đề thuần túy kinh tế như vậy, yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng. Sợ lạm phát quá mức dẫn tới thắt chặt quá mức. Và bây giờ, nếu chúng ta sợ giảm phát, suy thoái quá mức thì chúng ta có thể sẽ lại mở rộng quá mức. Sai lầm thường lặp lại từ tâm lý sợ.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, như ông đề cập, việc thắt chặt với lãi suất quá cao trong hơn một năm qua cùng với tăng trưởng tín dụng âm kéo dài vừa qua theo ông nên đánh giá cụ thể hơn như thế nào?
Như đã nói ở trên, đó là lý do chính tạo ra hiện tượng giảm phát như hiện tại. Chúng ta vừa trải qua giai đoạn lạm phát cao, nhưng rõ ràng là chúng ta cũng không vui gì với tình hình hiện nay.
Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin 70% doanh nghiệp thua lỗ trong quý 1, gần 22,000 doanh nghiệp đã giải thể, GDP quý 1 chỉ tăng 4% và đương nhiên là đi kèm với đó là các vấn đề xã hội như thất nghiệp, thu nhập giảm, vỡ nợ…
Mỗi người có quan điểm khác nhau, nhưng cá nhân tôi cho rằng chúng ta đã cố gắng giải bài toán lạm phát bằng một công cụ rất truyền thống là thắt chặt tiền tệ, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để rồi công cụ này đưa chúng ta tới bài toán thậm chí còn khó giải hơn là nợ xấu, thất nghiệp và đình trệ.
Với Việt Nam, giảm phát khó kéo dài
Với hiện tại và trong thời gian tới, nếu có giảm phát kéo dài còn có thể nguy hiểm hơn cả lạm phát cao. Còn theo ông thì sao?
Thực ra lạm phát và giảm phát có những mối nguy hại riêng của nó. Lạm phát làm bào mòn của cải xã hội nhanh trong khi giảm phát thường có xu hướng gắn liền với đình trệ và thất nghiệp. Về lý thuyết, nói giảm phát kéo dài nguy hiểm bởi khi đó vòng luẩn quẩn giảm phát hoàn toàn có thể diễn ra theo chiều hướng sau: giảm tổng cầu dẫn đến giảm giá cả chung, dẫn đến nợ xấu tăng lên, gây vỡ nợ, đến thất nghiệp/giảm thu nhập dẫn đến giảm tổng cầu.
Tất nhiên tôi không nghĩ rằng với một đất nước ưa thích tăng trưởng như Việt Nam thì việc giảm phát lại có thể diễn ra quá dài.
Về lý thuyết, chống giảm phát thường gắn với việc mở rộng tiền tệ. Còn từ tình hình hiện nay, ông đặt ra tình huống nào của chính sách?
Việc mở rộng tiền tệ là giải pháp thường thấy khi giảm phát xảy ra, cũng tượng tự nhưng ngược lại với trường hợp lạm phát. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta không thể vận dụng nguyên tắc đó một cách máy móc bởi các lý thuyết kinh tế mang tính thời điểm và hoàn cảnh.
Trong kinh tế học hôm nay bạn có thể đoạt giải Nobel cho một ý tưởng sáng tạo nhưng mười năm sau người khác có thể cũng sẽ đoạt giải Nobel cho một ý tưởng ngược hoàn toàn với ý tưởng của bạn.
Tôi nhớ là hơn một năm trước khi lạm phát mới có dấu hiệu trở lại, bạn cũng đã hỏi tôi và tôi đã đặt ngược lại nghi ngờ rằng thắt chặt tiền tệ và mặt bằng lãi suất cao - điều thường thấy - liệu có chống được lạm phát hay không. Khi đó tôi đã e ngại viễn cảnh về lạm phát đình đốn và sau đó là nỗi lo giảm phát.
Và bây giờ, trong một tâm trạng tương tự, tôi e ngại rằng những giải pháp mở rộng tiền tệ quá nhanh và quá mức sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng có quá nhiều tiền rẻ và một chu kỳ bong bóng tài sản và lạm phát mới sẽ xuất hiện nhanh hơn mong đợi. Khi có nhiều tiền rẻ, bạn sẽ lại đưa ra các quyết định rủi ro và vòng luẩn quẩn lặp lại.
Trong điều kiện hiện tại, tôi nghĩ nên theo đuổi các chính sách thuần túy thị trường hơn là nghĩ về các giải pháp cứu, mở rộng hay kích thích.
Lãi suất cho vay 11 - 14% là hợp lý
Giả sử có một sự mở rộng tiền tệ, hay một sự kích thích, vẫn có lo ngại là nếu kiểm soát không tốt, mở rộng và kích thích không hợp lý có thể dẫn tới lạm phát cao trở lại…?
Vâng, tất nhiên cái gì không kiểm soát tốt và không hợp lý thì đương nhiên sẽ xấu, trừ khi bạn may mắn. Tuy nhiên, có một vấn đề mấu chốt ở đây mà cá nhân tôi luôn muốn nhấn mạnh, đó là mặt bằng lãi suất là nhân tố quan trọng quyết định sự hợp lý của các chính sách tiền tệ. Trước đây, khi mặt bằng lãi suất ở mức cao, việc thắt chặt tiền tệ đẩy mặt bằng lãi suất lên cao hơn sẽ dẫn tới tình trạng chỉ có những doanh nghiệp rủi ro cao vay làm liều, các doanh nghiệp tốt không thể vay. Hệ quả là đình trệ và nợ xấu gia tăng. Chính sách kiểm soát lạm phát bằng thắt chặt tiền tệ trong điều kiện mặt bằng lãi suất cao là đạt mục tiêu nhưng không hiệu quả.
Ngược lại, nếu chính sách tiền tệ mở rộng dẫn tới mặt bằng lãi suất giảm tới mức thấp hơn và khuyến khích các hành vi đầu tư thiếu suy nghĩ thì điều này lại tất yếu dẫn tới hiệu quả đầu tư kém, bong bóng tài sản và sau đó là lạm phát trở lại. Điều này là do khi đó năng lực sản xuất của nền kinh tế không kịp đáp ứng với sự gia tăng của cung tiền.
Trong hoàn cảnh nền kinh tế Việt Nam, tôi đã có những nghiên cứu và xin được nhắc lại là tôi cho rằng mức lãi suất cho vay doanh nghiệp hợp lý nên nằm trong khoảng 11-14%/năm. Cao hơn hoặc thấp hơn mức này sẽ dẫn tới những nguy cơ như tôi đề cập ở trên.
Hiện tại, trần lãi suất huy động đã được đưa về 9%/năm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Do vậy, có thể nói chúng ta còn khoảng trống để mở rộng tiền tệ, sao cho mức lãi suất cho vay 11-14%/năm là có thể tiếp cận được bởi các doanh nghiệp. Tôi tin rằng thị trường sẽ vận động về mức này và nhiệm vụ của chính sách tiền tệ là tác động để hướng tới và duy trì ổn định trong vùng đó, thay vì phải nghĩ tới việc cứu trợ hay kích thích.
(Theo Vneconomy)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.