Nhân kỷ niệm lần thứ ba Ngày phòng chống viêm gan virut toàn thế giới và kỷ niệm 1 năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương cam kết “đánh gục” viêm gan virut đối với 9 quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có nước ta, WHO đã báo động cho tất cả các quốc gia về tác hại vô cùng lớn của viêm gan virut đối với sức khỏe của toàn thể nhân loại.
Thống kê trên toàn cầu hiện có 2 tỷ người nhiễm virut viêm gan B, 200 triệu người nhiễm virut viêm gan C, hàng năm chết trên 1 triệu người do các loại virut viêm gan. Trên thế giới, bình quân cứ 12 người có 1 người bị viêm gan virut, bệnh lây lan ở tất cả các độ tuổi, không phân biệt bất kỳ ai.
Nước ta là 1 trong 9 quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với loại dịch bệnh rất âm thầm nhưng tác hại vô cùng nghiêm trọng không những đối với sức khỏe mà còn đối với đời sống xã hội. Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế đã quan tâm phòng chống loại dịch bệnh này, những năm gần đây, chúng ta đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ; 10 năm trở lại đây, trên 50% trẻ sơ sinh được tiêm vaccin phòng viêm gan B, do vậy, tỷ lệ nhiễm virut viêm gan ở trẻ em 5 tuổi đã giảm rõ rệt. Phong trào vệ sinh yêu nước đã thực sự đi vào cuộc sống từ thành thị đến nông thôn, vì vậy, dịch viêm gan A và viêm gan E trên 30 năm nay đã bị dập tắt. Ngày 17/8/2012, đồng chí Nguyễn Thị Doan - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam thay mặt Đảng, Nhà nước đã phát động phong trào toàn dân chung tay “đánh gục” virut viêm gan.
Để đẩy mạnh việc chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân bị viêm gan virut B và C, Hội Gan Mật Việt Nam đã họp toàn thể các chuyên gia gan mật trong cả nước xây dựng bản hướng dẫn điều trị giúp cho các hội viên, các bác sĩ từ trung ương đến địa phương. Hội Gan Mật Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động cuộc thi tìm hiểu bệnh viêm gan virut trong cả nước, cuộc thi đã được Đài truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, kênh truyền hình VOV, kênh truyền hình O2TV, Báo Sức khỏe&Đời sống... hợp tác giúp đỡ, tạo điều kiện cho cuộc thi thực sự đi vào cuộc sống.
Chúng ta đã cố gắng ngăn chặn đại dịch viêm gan virut, song hiện nay, loại dịch bệnh này vẫn đang diễn biến phức tạp, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, còn nhiều tồn tại bất cập chưa thể khống chế sự lây lan, tiến triển bệnh dẫn đến tử vong. Bệnh ung thư gan nguyên phát do virut B, C ngày càng gia tăng, đa số bệnh nhân khi phát hiện bệnh thì đã muộn, do vậy, việc điều trị kể cả nội khoa và ngoại khoa đều gặp khó khăn, vì vậy, năm 2008, số người chết vì ung thư gan là 21.748 người, gấp 2 lần so với chết do tai nạn giao thông. Số người viêm gan virut là trên 8 triệu người so với số bệnh nhân HIV – AIDS 59.839 người (năm 2012).
Tình trạng bệnh nhân viêm gan virút cấp, mạn tính dẫn đến xơ gan ngày một gia tăng. Do tình trạng lây nhiễm có gia đình cả vợ, cả chồng, cả con đều bị viêm gan virut; số bệnh nhân ở nông thôn, ở vùng sâu vùng xa, phần đông không có điều kiện chữa bệnh, vì bệnh kéo dài hết năm này đến năm khác, tiền chi phí chữa bệnh có trường hợp đến 200 triệu đồng mỗi năm; một số loại thuốc chữa bệnh cho đến nay vẫn chưa được đưa vào danh mục bảo hiểm y tế, đồng thời nhiều bệnh nhân chưa nhận thức đầy đủ những biến chứng nguy hiểm của bệnh này, do đó không tuân thủ đầy đủ hướng dẫn điều trị của các bác sĩ; nhiều địa phương, các bác sĩ chưa được cập nhật đầy đủ phác đồ điều trị chuẩn đối với viêm gan virut; từ nhiều lý do đã nêu trên dẫn đến tình trạng xơ gan ngày một gia tăng. Hậu quả của viêm gan virut dẫn đến ung thư gan, xơ gan, các thể xơ gan cấp và mạn tính phối hợp với những bệnh nhân đái đường, tăng huyết áp, suy thận, lao phổi, HIV/AIDS dẫn tới tử vong hàng năm trên 10 vạn người. Đây là một loại dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng, tiến triển hết thập kỷ này đến thập kỷ khác gây thiệt hại cho toàn thể loài người. Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi tất cả các quốc gia cùng hành động ngăn chặn đại dịch này trước khi quá muộn. Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, có sự chung tay góp sức của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng, nhất định chúng ta có thể đẩy lùi từng bước loại dịch viêm gan virut mà Tổ chức Y tế Thế giới đã quy kết “viêm gan virut là kẻ giết người thầm lặng”.
Phối hợp với lời cam kết của Tổ chức Y tế Thế giới vùng Tây Thái Bình Dương “đánh gục” virut viêm gan B, hạ thấp tỷ lệ nhiễm virut B ở trẻ em xuống dưới 2%, chúng ta cần sự chung tay góp sức của toàn thể xã hội bằng những việc làm cụ thể sau đây:
- Các cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức được sự nguy hiểm của đại dịch viêm gan virut để mọi người tự nguyện tham gia phong trào toàn dân chung tay “đánh gục” virut viêm gan.
- Phấn đấu tiêm phòng vaccin viêm gan B cho tất cả các trẻ sơ sinh và những người có yếu tố nguy cơ cao.
- Sử dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất để phục vụ an toàn trong truyền máu và các sản phẩm máu.
- Phát hiện và điều trị theo phác đồ chuẩn tất cả các bà mẹ đang mang thai bị viêm gan virut để giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh.
- Cần đảm bảo vô trùng các dụng cụ y tế trong sử dụng điều trị cho bệnh nhân.
- Nâng cao nhận thức để mọi người phòng tránh lây lan qua các dịch tiết cơ thể của người bệnh hoặc những người đến các dịch vụ săm mình, xỏ lỗ tai, cạo râu, cắt tóc, xăm lông mày...
- An toàn trong tình dục với những người có nhiễm virut viêm gan.
- Thực hiện ăn chín uống sôi đảm bảo vệ sinh thực phẩm để phòng bệnh viêm gan A và viêm gan E.
- Sử dụng phác đồ chuẩn trong điều trị viêm gan virut B và C từ trung ương đến địa phương.
Theo SKDS