Ảnh: Trùng Điệp. |
Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, với vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam liệu có khả thi? Đem câu hỏi này đến các chuyên gia trong ngành dầu khí, chúng tôi nhận được sự phân vân lớn.
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia lọc dầu của Viện Dầu khí Việt Nam cũng như các đơn vị tư vấn trên thế giới, trong bối cảnh hiện nay khi lợi nhuận từ lọc dầu trên thế giới và đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á thấp, dự án lọc dầu tại Việt Nam chỉ khả thi, mà không phụ thuộc vào cơ chế bảo hộ xăng dầu sản xuất trong nước qua thuế nhập khẩu, nếu hội đủ các yếu tố dưới đây.
- Quy mô công suất lớn (trên 15 triệu tấn/năm);
- Tỷ lệ sản phẩm hóa dầu cao;
- Phần lớn nguồn cung cấp nguyên liệu được đảm bảo dài hạn hoặc có khả năng chế biến các loại dầu phổ biến trên thế giới (dầu chua, trung bình hoặc nặng);
- Nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt để đảm bảo có thể thu xếp góp vốn cũng như vốn vay từ các tổ chức tín dụng và có quyền chủ động phân phối sản phẩm, đặc biệt trong nước.
Với dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, hai tiêu chí đầu tiên đã được đáp ứng. Công suất chế biến của dự án này lên đến 30 triệu tấn/năm, thuộc loại tầm cỡ thế giới và tỷ lệ sản phẩm hóa dầu cao. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số dấu hỏi lớn về tính khả thi của dự án.
Thứ nhất, về nguyên liệu đầu vào, đối với nhà máy lọc dầu có công suất hơn 30 triệu tấn thì việc thu xếp nguyên liệu không đơn giản. Để giảm rủi ro dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu hay hoạt động không ổn định vì tính chất nguyên liệu thay đổi thường xuyên, những nhà máy mới đi vào hoạt động cần được đảm bảo cung cấp 80% nguyên liệu theo hợp đồng dài hạn, 20% còn lại tìm mua ngắn hạn trên thị trường. Giá nguyên liệu dài hạn phải được cố định trước theo một loại dầu chuẩn nên phần lợi nhuận chế biến thường sẽ thấp. Sau khi nhà máy hoạt động ổn định, tỷ lệ nguyên liệu dài hạn và ngắn hạn có thể là 50-50 (phần nguyên liệu mua ngắn hạn tăng lên để có thể mua được nguyên liệu giá rẻ nhằm tăng hiệu quả của nhà máy).
Dự án Nhơn Hội có ý định mua nguyên liệu từ Trung Đông nhưng liệu có mua được vì hiện nay Trung Quốc cũng đang nhắm đến nguồn dầu ở đây. Ngay với tổ hợp hóa dầu Nghi Sơn, phải đến khi có sự tham gia đầu tư và đảm bảo cung cấp nguyên liệu dài hạn của Công ty Dầu khí quốc gia Kuwait thì dự án mới được thực hiện.
Câu hỏi thứ hai về đầu ra, đến năm 2020, thị trường xăng dầu trong nước theo quy hoạch đã bão hòa. Với thị trường ngoài nước, cũng sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt với các công ty lớn, có kinh nghiệm lâu năm với giá bán thấp do nhà máy của họ đã khấu hao hết. Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu của Việt Nam còn có sự can thiệp của Nhà nước. Thực tế, vừa qua cơ chế giá bán sản phẩm mà Nhà nước buộc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tuân thủ là không thể áp đặt được cho một liên doanh có sự tham gia của đối tác nước ngoài. Các nhà phân phối phải bình đẳng trong giới hạn đã được pháp luật và hợp đồng liên doanh quy định. Ví dụ, nếu Nhà nước bắt buộc phải bán sản phẩm dưới giá nhập khẩu và bù lỗ cho các nhà nhập khẩu thì phải có chính sách thích hợp đối với nhà đầu tư nước ngoài khi họ cũng phải bán với giá thấp như các nhà nhập khẩu (muốn bán với giá cao hơn cũng không ai mua). Điều này không thể “đẽo cày giữa đường” mà phải đưa vào hợp đồng và cam kết của Chính phủ.
Với phía nhà đầu tư nước ngoài, nếu không được tham gia thị trường nội địa thì lợi nhuận khó được bảo đảm ở mức tối thiểu họ chấp nhận được mà cơ chế cho việc này chưa rõ ràng. Trong bối cảnh biến động nhanh của thị trường sản phẩm dầu khí như hiện nay, việc các nhà đầu tư được tham gia thị trường nội địa là tất yếu. Theo báo cáo khả thi do PetroVietnam cùng các đối tác lập ra, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nếu không có lợi nhuận từ khâu phân phối thì không thể bảo đảm không lỗ chứ đừng nói là có lãi. Vì thế, nhà đầu tư nước ngoài đã không thể tham gia vào Dung Quất.
Thứ ba, về tài chính của dự án, 28,7 tỉ đô la Mỹ là con số tổng vốn đầu tư ước lượng và có thể sẽ cao hơn. Vấn đề chính là phần lớn số tiền đó sẽ phải đi vay (60-70%, tương ứng 16-19 tỉ đô la Mỹ). Ở Việt Nam, không có tổ chức nào đủ năng lực để cho vay khoản tiền lớn như vậy. Thông lệ ở nước ngoài, chủ đầu tư sẽ cần đến cam kết hỗ trợ của chính phủ để đảm bảo khả năng trả lãi và đặc biệt vốn vay cho những tổ chức tín dụng. Hai điều này đều chưa rõ với nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội. Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang vận hành theo cơ chế không hoàn toàn là thị trường. Nhà máy lãi hay lỗ phụ thuộc khá nhiều vào cơ chế do Nhà nước áp đặt cho nó, đặc biệt là cơ chế giá bán sản phẩm.
Thêm nữa, nếu sản phẩm của nhà máy định hướng bán trong nước thì cần có cam kết của Chính phủ trong việc chuyển từ tiền đồng qua ngoại tệ để trả nợ, mua dầu thô (khoảng 20 tỉ đô la Mỹ/năm), chất xúc tác, hóa phẩm và dịch vụ kỹ thuật cao. Ngược lại, nếu nhà máy định hướng chủ yếu để xuất khẩu thì sẽ giải quyết được bài toán ngoại tệ nhưng lại không đóng vai trò gì trong việc hỗ trợ Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước. Do đó việc yêu cầu các ưu đãi về chính sách, đặc biệt về thuế nhập khẩu xăng dầu có thể lên đến vài tỉ đô la Mỹ mỗi năm là rất khó. Đó là bài toán nhà đầu tư phải cân đối.
Theo các chuyên gia, với dự án nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội chưa ai nói được có khả thi hay không, vì cần thêm nhiều bằng chứng về khả năng cung cấp nguyên liệu, thu xếp vốn, cần Nhà nước hỗ trợ những chính sách, cơ chế gì để có thể khả thi...
Hành trình đầy khó khăn Theo một nghiên cứu của GS. Hồ Sĩ Thoảng và ông Bỳ Văn Tứ - Hội Dầu khí Việt Nam, cho đến năm 2009, Việt Nam mới xây dựng thành công nhà máy lọc dầu đầu tiên. Tuy nhiên, lịch sử ngành dầu khí Việt Nam đã ghi nhận cả một thời kỳ dài mấy chục năm đi tìm đối tác hợp tác. Trước năm 1975, ở miền Nam có nhiều công ty bày tỏ ý định hợp tác đầu tư nhưng đều không khởi động được dự án nào. Ngay từ năm 1975, đã có nhiều phương án xây dựng hai cơ sở lọc hóa dầu ở miền Bắc (Nghi Sơn) và ở miền Nam (Tuy Hạ) với hy vọng có sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó dự án Tuy Hạ hợp tác giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô kéo dài từ cuối năm 1975 (ký hiệp định liên chính phủ) cho đến cuối năm 1990 thì dừng lại. Từ năm 1990, đáp lại sự kêu gọi hợp tác đầu tư dưới nhiều hình thức của PetroVietnam, đã có hàng chục tập đoàn, công ty quốc tế (Nhật, Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ, Ý, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan) đến chào thầu, thương thảo, thậm chí đã cùng PetroVietnam lập luận chứng khả thi, nhưng rồi lại ra đi, không một tập đoàn nào ở lại. Đối tác cuối cùng tham gia dự án Dung Quất đến từ Liên bang Nga là Công ty Zarubezhneft cũng ra đi sau hơn bốn năm “nếm mật nằm gai” tại Việt Nam. Cuối cùng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ có PetroVietnam làm chủ đầu tư duy nhất. |
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.