LTS: Vừa qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng có đưa tin về căn “bệnh lạ” chưa tìm được tên mà gần 90 người dân thuộc hai xã Ia Chiêm và Đăk Năng (TP. Kon Tum) mắc bệnh, lây lan nhanh với các triệu chứng chung là sốt, vàng da, vàng mắt, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị... khiến người dân lo lắng, hoang mang. Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Ngành y tế Kon Tum và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm xác định đây là ổ dịch viêm gan virut A. Để bạn đọc có thêm kiến thức về căn bệnh và cách phòng chống, báo SK&ĐS xin giới thiệu bài viết của BS. Việt Bắc dưới đây.
Virut viêm gan A (HAV) thuộc họ Picornaviridae. Về cấu trúc, HAV có một vỏ bọc rất kiên cố giúp cho chúng sống sót được trong nhiều năm ở môi trường bên ngoài, ngay cả với nhiệt độ lạnh đến -20oC. Vì vậy, HAV tồn tại và lan truyền trong tự nhiên một cách dễ dàng. HAV sinh trưởng nhanh và rất dễ lây lan trong môi trường qua thức ăn, nước uống, chất thải. Bởi vì điều kiện lây lan của HAV quá dễ dàng nên bệnh thường bùng phát thành những vụ dịch lan tràn trong các vùng dân cư. Bệnh liên quan chặt chẽ với vệ sinh môi trường (VSMT), vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), do đó ở địa phương nào VSMT và VSATTP càng kém thì bệnh do HAV càng dễ phát triển. Bệnh viêm gan do HAV không có nhiều triệu chứng như bệnh viêm gan do các loại virut viêm gan B, C.
Tùy theo sức đề kháng của từng người mà khi mắc bệnh sẽ tiến triển thành 1 trong 5 thể bệnh.
Thể hay gặp nhất ở trẻ nhỏ là viêm gan không triệu chứng. Có hơn 80% trẻ em dưới 2 tuổi khi mắc bệnh không có bất kỳ một triệu chứng điển hình nào, trẻ vẫn ăn, chơi và sinh hoạt như bình thường, vì thế rất dễ làm lây lan mầm bệnh.
Thể viêm gan điển hình, trong khi đó hơn 80% trẻ trên 6 tuổi có các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Thời kỳ ủ bệnh của HAV thể điển hình từ vài tuần đến vài tháng, trong thời gian này không có biểu hiện gì đáng kể. Sau thời kỳ ủ bệnh, bắt đầu xuất hiện sốt, mệt mỏi, bệnh tăng nhanh như rối loạn tiêu hóa (đau bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn, có khi đi ngoài...). Một số trường hợp biểu hiện đau nhức khớp xương. Sau đó xuất hiện vàng da, vàng niêm mạc mắt, lưỡi, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu hoặc trắng như phân cò. Thể viêm gan tái phát chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Biểu hiện của bệnh là sau khi có dấu hiệu lành bệnh, bỗng dưng tái phát với các triệu chứng như nêu ở trên. Bệnh kéo dài khoảng vài tuần lễ. Muốn biết có phải viêm gan tái phát hay không phải làm xét nghiệm chức năng gan gồm men gan (SGOT, SGPT và GGT), sắc tố mật (bilirubin trực tiếp, gián tiếp và toàn phần), siêu âm gan.
Thể viêm gan vàng da mạn tính, với thể này ngoài các triệu chứng nêu trên còn có vàng da, vàng mắt kéo dài một thời gian khoảng một vài tháng, mặc dù men gan có thể trở lại như bình thường. Lúc này, người bệnh đã dần dần hồi phục, ăn được, ngủ được, tiêu hóa tốt hơn trước.
Thể viêm gan ác tính có thể xảy ra đột ngột hoặc sau viêm gan cấp tính hoặc mạn tính (loại này chiếm tỷ lệ rất thấp) chỉ chiếm khoảng 0,3% nhưng nguy hiểm nhất là có thể dẫn đến tử vong.
Tại sao virut viêm gan A lây lan dễ dàng như vậy?
HAV tồn tại trong tự nhiên một cách dễ dàng không giống như virut viêm gan B, C. Vì vậy, sau những cơn mưa, lũ lụt, các vùng đầm lầy, ao tù, nước đọng, có thể là nơi tập trung của HAV. Từ đây, chúng xâm nhập cơ thể các sinh vật thủy sinh và tồn tại trong đó. Khi con người bắt tôm, cua, ốc... để làm thức ăn mà không được chế biến kỹ có thể bị nhiễm HAV đã nằm chờ sẵn trong các cơ thể động vật này. Ngoài ra, khi ta tắm, bơi lội, rửa rau, thức ăn trong các hồ, ao có nguồn nước nhiễm HAV thì rất có thể cũng bị nhiễm bệnh. Điều này cảnh báo bệnh có tính chất bộc phát quá dễ dàng và dễ bùng phát thành dịch.
Lời khuyên của thầy thuốc
Virut viêm gan A có nhiều trong mồ hôi, nước bọt, nước tiểu và nhiều nhất là trong phân người bệnh, vì vậy mọi người cần thực hiện. Không ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi. Không mặc chung quần áo và không dùng chung các loại dụng cụ trong ăn, uống của người bệnh. Luôn luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên tiêm phòng vaccin viêm gan A khi chưa có miễn dịch hoặc chưa bị bệnh viêm gan do HAV.
Cần có biện pháp quản lý chất thải bệnh nhân viêm gan A khi phát hiện có bệnh nhân. Đặc biệt là phân của bệnh nhân cần được quản lý chặt không để vương vãi ra môi trường xung quanh và xử lý bằng các chất sát trùng mạnh như vôi bột hoặc các chất tẩy uế, khử trùng như cloramin B. Ở nông thôn cần tu bổ, sửa chữa lại nhà tiêu khi đã hư hỏng hoặc không đảm bảo vệ sinh.
Theo SKDS