Giải pháp để dệt may cán đích xuất khẩu 18 tỷ USD
|
(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN) |
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết nhằm hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của năm 2012 mà ngành đã đề ra, hiện các bộ, ngành liên quan nỗ lực triển khai những giải pháp hỗ trợ về vốn, thuế và xúc tiến thương mại.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước một số khó khăn, cụ thể như tranh chấp về mua bán bông với các doanh nghiệp Hoa Kỳ thuộc Hiệp hội Bông quốc tế chưa đi đến hồi kết. Doanh nghiệp Việt Nam có tên trong “danh sách đen” sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua bông.
Cùng với đó, việc bỏ ân hạn thuế 275 ngày sẽ làm giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng từ 8% (trường hợp bảo lãnh ngân hàng) đến 16% (trường hợp vay tiền nộp thuế nhập khẩu) khiến các doanh nghiệp dệt may đã khó lại càng khó thêm. Hiệp hội Dệt May Việt Nam đang đề nghị tiếp tục thực hiện ân hạn thuế 275 ngày để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Vitas kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng để thực hiện mục tiêu xuất khẩu từ 17 đến 18 tỷ USD, ngành dệt may, trong đó hạt nhân là các doanh nghiệp của Vinatex đang tập trung công tác thị trường, xúc tiến thương mại. Ðây là khâu quan trọng trong giai đoạn khó khăn hiện nay để bù đắp cho những thị trường đang bị giảm đơn hàng.
Bên cạnh việc duy trì thị trường chính, thị trường truyền thống, Vinatex hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng tìm kiếm thị trường mới, tiềm năng như Hàn Quốc, Canada... đồng thời tăng cường xuất khẩu sản phẩm sợi sang thị trường Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Ðông, châu Phi.
Bên cạnh đó, Vinatex còn hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như veston, sơmi, quần âu cao cấp và tích cực đầu tư, chuẩn bị điều kiện phát triển cũng như cạnh tranh xuất khẩu ngay sau khi kinh tế thế giới có tín hiệu hồi phục.
Để giúp doanh nghiệp có thể nâng cao phương thức kinh doanh, ngành dệt may đã tiếp tục triển khai đầu tư sản xuất một số nguyên phụ liêu; nâng cấp các nhà máy vải với chủ trương tập trung nâng cấp chất lượng vải chuẩn để làm ra hàng xuất khẩu với chất lượng cao.
Cùng đó, Vitas còn hỗ trợ các doanh nghiệp cùng xây dựng hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu... và chỉ tập trung vào các doanh nghiệp có tiềm lực, có chỗ đứng để thương hiệu đó bật lên chứ không đầu tư dàn trải.
Ngành dệt may đang tiếp tục triển khai chương trình sản xuất xơ polyester với mục tiêu đến năm 2015 sẽ chủ động được 70-80% nguyên liệu này. Đây là chiến lược bứt phá về những sản phẩm cốt lõi có giá trị gia tăng cao và sẽ tạo động lực cho ngành dệt may phát triển trong giai đoạn 2012-2015.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang nỗ lực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường những tháng cuối năm, nhất là tại các thị trường tiềm năng như Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia...
Cùng với đó, ngành dệt may cũng đưa ra các dự báo về thị trường, cảnh báo về việc thay đổi chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng... để các doanh nghiệp có kế hoạch thay đổi kịp thời./.
(Theo Uyên Hương // TTXVN)