Công bố 5 bệnh viện tuyến Trung ương tăng viện phí
Ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho biết bộ đã nhận được đề xuất điều chỉnh giá các dịch vụ y tế của 22 trong tổng số 38 bệnh viện trực thuộc bộ.
Thời gian qua, nhiều bệnh viện đã “rục rịch” đề xuất mức điều chỉnh giá của hơn 400 dịch vụ y tế.
Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), tuần trước Vụ này đã thông qua giá mới của 5 bệnh viện. Tuy nhiên, cơ quan này cũng khẳng định sau khi áp dụng mức giá mới, bệnh viện nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá đã tăng sẽ bị hạ giá dịch vụ.
5 bệnh viện đầu tiên tăng viện phí
Ngày 24/7, ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho biết bộ đã nhận được đề xuất điều chỉnh giá các dịch vụ y tế của 22 trong tổng số 38 bệnh viện trực thuộc bộ.
Trong số này, Bộ đã quyết định phê duyệt giá mới cho 5 bệnh viện, bao gồm: Bạch Mai, K, Việt Đức, Uông Bí và Viện huyết học truyền máu Trung ương.
"Các bệnh viện trên khi nhận được quyết định của Bộ Y tế thì tùy tình hình của từng bệnh viện để họ tiến hành áp dụng khung giá viện phí mới ngay," ông Liên nói.
Các bệnh viện còn lại hiện nay đang được các vụ, cục của Bộ Y tế và bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính đang rà soát lại. Ông Liên cũng cho hay, 8 bệnh viện trung ương khả năng trong quý ba sẽ tiến hành xong việc áp dụng mức giá viện phí mới.
Theo giải trình của các bệnh viện thì việc tăng viện phí lần này vừa có lợi cho người bệnh, vừa giúp bệnh viện có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư vào cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ bệnh nhân. Bởi giá viện phí cũ được quy định từ năm 1995 đến nay đã quá lạc hậu, không còn phù hợp khi mọi thiết bị đầu vào và giá thành của mọi sản phẩm đã tăng lên.
Ông Liên nói thêm, nếu giá viện phí không tăng mà vẫn ở mức giá cũ, nhiều bệnh viện ở tuyến dưới sẽ không làm các dịch vụ đắt tiền. Chẳng hạn như có dịch vụ chi phí tiền vật tư hóa chất khoảng 2-3 triệu nhưng bệnh viện chỉ thu được 1,5 triệu đồng. Do lỗ nên nhiều viện không làm dịch vụ này nữa, mà chuyển người bệnh lên tuyến trên. Như vậy người bệnh vừa phải điều trị xa và bệnh viện tuyến trên thì quá tải. "Do đó, khi giá viện phí tăng lên mức hợp lý, thì bệnh viện có thể đủ kinh phí tự làm các dịch vụ đó và người bệnh được hưởng lợi tại chỗ," ông Liên nhấn mạnh.
Tăng trên 90% của khung giá
Từ cuối tháng 4/2012, liên bộ (Y tế, Tài chính, Lao động thương binh và xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã ban hành mức viện phí tối đa của 447 dịch vụ y tế, trên cơ sở đó các bệnh viện đã xây dựng khung giá và đề xuất mức thu dựa trên những tính toán về kỹ thuật cũng như thực tiễn của địa phương.
Khung viện phí mới này chỉ điều chỉnh 447 dịch vụ y tế, chiếm khoảng 15% trong tổng số 3.000 dịch vụ y tế nhưng phần lớn lại rơi vào nhóm dịch vụ thường dùng nhất.
Trong bảng khung giá mới, có 181 dịch vụ có mức tăng giá dưới 5 lần so với giá hiện hành, 94 dịch vụ tăng giá từ 5 lần trở lên, trong đó một số tăng giá 10 lần như tiền khám, giường bệnh điều trị, một số ít dịch vụ tăng tới 14 lần.
Theo thông tin từ vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), đối với một số bệnh viện hạng 1 và đặc biệt thuộc bộ họ thường đề xuất ở mức tối đa của khung giá, từ 95-100% của khung giá. Tuy nhiên, mức giá được duyệt bình quân chiếm khoảng 95% khung giá.
Các bệnh viện đặc biệt trực thuộc bộ như Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bệnh viện thuộc hạng I như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện nhi Trung ương, Bệnh viện phụ sản, Bệnh viện K, Viện huyết học truyền máu trung ương...
Nhóm bệnh viện hạng 1 ở tỉnh đề xuất tăng khoảng 93-94% so với khung giá. Một số bệnh viện hạng hai đề xuất 90% của khung giá.
Ông Liên cho biết liên bộ Y tế - Tài chính chỉ được giao nhiệm vụ ban hành khung giá dịch vụ y tế, còn giá cụ thể của Bệnh viện tuyến Trung ương sẽ do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định, giá viện phí của địa phương sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, không có chuyện bệnh viện tự ý muốn đẩy mức giá lên bao nhiêu cũng được.
Thời gian gần đây, có nhiều tỉnh đề xuất muốn thu tiền viện phí cao, tới 100% của khung viện phí. Theo ông Liên, họ đề xuất nếu không vượt khung giá thì vẫn đúng quy định. Và không thể so sánh mức giá tăng kịch trần của những bệnh viện tuyến tỉnh với tuyến trung ương.
Bởi theo Thông tư 04 về việc ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tiền khám bệnh của bệnh viện hạng đặc biệt là 20.000 đồng/người, giá giường bệnh là 335.000 đồng/ngày giường (hồi sức đặc biệt); hạng II là 15.000 đồng/người, giá giường bệnh là 100.000 đồng; hạng III là 10.000 đồng/người, giá giường bệnh là 50.000 đồng.
Do vậy, các bệnh viện hạng II nếu đề xuất thu bằng 90% khung giá giường và khám, chữa bệnh thì cũng chỉ bằng 70%-80% so với bệnh viện tuyến Trung ương.
Không đạt yêu cầu sẽ giảm giá
Về vấn đề tăng giá dịch vụ y tế liệu giá chất lượng khám chữa bệnh có chất lượng hơn? Ông Liên khẳng định sắp tới chắc chắn Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ khác tiến hành thanh, kiểm tra.
"Chẳng hạn như trong giá khám bệnh, đã tính tiền mua sắm, thay thế bàn khám bệnh, dụng cụ khám bệnh như giường bệnh, chăn ga gối đệm đã cũ thì phải thay đi, hoặc quần áo bệnh nhân các bệnh viện phải cung cấp cho người bệnh," ông Liên nói.
Tuy nhiên, những trang thiết bị này không thể thay thế ngay một lúc được, bởi chi phí rất tốn kém. Vì vậy, Bộ Y tế dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra trong vòng 6 tháng tới.
“Khi chúng tôi đi kiểm tra mà bệnh viện nào có khu vực khám bệnh và giường bệnh không đạt yêu cầu thì khả năng sẽ điều chỉnh giảm giá,” vị đại diện Bộ Y tế khẳng định.
(Theo Vietnam+)