Ông Hassan Rohani, Tổng thống đắc cử của Iran - Ảnh: Euronews. |
Ngạc nhiên và vui mừng trước thắng lợi của vị giáo sỹ ôn hòa Hassan Rohani trong cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra tại Iran, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu sắp tới có thể đẩy mạnh việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Tehran, với mục đích nhằm đánh giá lập trường của chính phủ Rohani.
Theo báo Wall Street Journal, trên đây là nhận định mà quan chức ngoại giao Mỹ và châu Âu vừa đưa ra sau khi kết quả cuộc bầu cử tại Iran được công bố. Các cuộc đàm phán hạt nhân có thể được nối lại trong thời gian từ nay tới tháng 8, các quan chức này cho biết.
Năm nay 64 tuổi, ông Rohani là một nhân vật trung lập trên chính trường Iran. Cuối tuần vừa rồi, ông đã đánh bại các đối thủ có quan điểm bảo thủ hơn để trở thành người kế nhiệm Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, người nổi tiếng với quan điểm đối đầu với phương Tây. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Rohani đã vận động cử tri bằng lời hứa sẽ đặt dấu chấm hết cho sự cô lập của quốc tế đối với Iran và đem tới sự hồi sinh cho nền kinh tế nước này.
Các hoạt động ngoại giao giữa Iran với các cường quốc toàn cầu nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này đã bị đóng băng suốt từ tháng 4 tới nay. Các quan chức Mỹ và châu Âu hôm Chủ nhật vừa rồi nhận định rằng, chính sách hạt nhân nói chung của Iran sẽ tiếp tục nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Trong suốt 4 năm qua, nhà lãnh đạo 73 tuổi này đã từ chối cho phép bất kỳ sự nhượng bộ nào trong các cuộc đàm phán quốc tế giữa Iran và 5 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức.
Bởi vậy, Mỹ và châu Âu hiện đều muốn có một “bài kiểm tra nhanh” để xác định xem liệu chiến thắng bất ngờ của ông Rohani có thể gây áp lực khiến nhà lãnh đạo Khameinei điều chỉnh lập trường trong vấn đề hạt nhân hoặc thu hẹp bất đồng với phương Tây.
Cùng với Nga, Iran được xem là một quốc gia ủng hộ quan trọng đối với Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad. Chính phủ Syria hiện đang chật vật trong một cuộc nội chiến lan rộng với các nhóm nổi dậy được trang bị vũ khí và cung cấp tài chính bởi Mỹ cùng các đồng minh châu Âu và thế giới Arab.
Trong chiến dịch bầu cử vừa qua, đông đảo cử tri Iran và nhiều ứng cử viên tổng thống đã chỉ trích mạnh mẽ cách Tehran xử lý vấn đề hạt nhân. Họ cũng phê phán Chính phủ vì đã để xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ một phần vì các lệnh trừng phạt gia tăng của Mỹ và châu Âu đối với Iran nhằm mục đích buộc nước này phải có những nhượng bộ liên quan tới chương trình hạt nhân.
Trong một cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp 1 tuần trước cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày thứ Sáu vừa rồi, các ứng cử viên tổng thống Iran đã chỉ trích mạnh mẽ ông Saeed Jajili, người vừa là một ứng cử viên, vừa là người đứng đầu đoàn đàm phán của Iran về vấn đề hạt nhân của nước này. Các ứng cử viên đối thủ cho rằng, ông Jajili có kỹ năng đàm phán không ra gì. Về phần mình, ông Rohani cho rằng, đã đến lúc vấn đề hạt nhân được trao cho một ai đó “am hiểu về ngoại giao và về thế giới”.
Theo giới chức Mỹ và châu Âu, việc ông Rohani đắc cử Tổng thống mở ra cho nhà lãnh đạo Khameinei một cánh cửa để chuyển hướng chính sách ngoại giao của Iran, cho dù điều này vẫn là một mối hoài nghi.
“Tôi cho rằng, vấn đề đối với chúng tôi lúc này là liệu ông Rohani có quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với phần còn lại của thế giới như ông ấy đã nói trong chiến dịch tranh cử hay không. Ông ấy có cơ hội để làm điều đó”, Chánh thư ký Nhà Trắng Denis McDonough phát biểu trên kênh CBS hôm Chủ nhật.
“Nếu ông ấy thực hiện các nghĩa vụ của mình theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về giải trừ chương trình hạt nhân bất hợp pháp, ông ấy sẽ có Mỹ là đối tác”, ông McDonough nói.
Về phần mình, Iran từ trước đến nay vẫn phủ nhận quan điểm cho rằng nước này theo đuổi vũ khí hạt nhân và tuyên bố chỉ phát triển công nghệ hạt nhân phục vụ nhu cầu năng lượng và y tế.
Các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Obama khá ngạc nhiên trước chiến thắng của ông Rohani.
Ông Jajili, nhà đàm phán hạt nhân của Iran, vốn được xem là nhân vật được sự ủng hộ của nhà lãnh đạo tối cao Khameinei. Trong khi đó, hai ứng cử viên khác thể hiện rõ nhất quyết tâm sẽ thay đổi chính sách của Chính phủ hiện tại nếu thắng cử, bao gồm cựu Tổng thống Ali Akbar Hashemi Rafsanjani, đều bị cấm tham gia vào cuộc bầu cử.
Theo đánh giá của giới quan sát, thái độ ôn hòa của ông Rohani trên trường quốc tế, nhất là trong tương quan so sánh với người tiền nhiệm Ahmadinejad, có thể sẽ dẫn tới sự chia rẽ quan điểm trong cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải duy trì hay tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran, ngay cả trong trường hợp Tehran không dừng chương trình hạt nhân.
“Việc ông Rohani đắc cử có thể đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo Khamenei nhận ra quy mô của cuộc khủng hoảng ở Iran và sẵn sàng để ông Rohani lựa chọn hướng đi”, ông Alireza Nader, một nhà phân tích về Iran tại Washington thuộc công ty Rand Corp. nhận xét.
Cũng theo các nhà phân tích, chiến thắng của ông Rohani tạo ra thách thức đối với Israel trong vấn đề thuyết phục cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực đối với Iran. Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu hôm Chủ nhật vừa rồi phát biểu trước nội các nước này rằng: “Cộng đồng quốc tế không nên ảo tưởng”.
Từ năm 2003-2005, ông Rohani giữ vai trò là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran. Hiện ông đang đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao, cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại hàng đầu của Iran.
Năm 2004, ông Rohani nhất trí với các cường quốc phương Tây về tạm thời đóng băng các cơ sở hạt nhân để đổi lấy sự hỗ trợ kinh tế. Thỏa thuận đó đã được xem là một bước đột phá và làm dấy lên những hy vọng về việc Tehran sẽ nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, sau đó, Tổng thống Ahmadinejad đã tái khởi động các cơ sở hạt nhân này.
Theo nhận định của giới chức phương Tây, lập trường trước đây của ông Rohani về chương trình hạt nhân của Iran cho thấy cả cơ hội và những tín hiệu cảnh báo đối với Mỹ và châu Âu. Trong bài phát biểu hôm Chủ nhật vừa rồi, ông Rohani nói rằng, phương Tây cần phải thay đổi giọng điệu trong vấn đề Iran.
“Đã có một cơ hội mới trên trường quốc tế cho những quốc gia tôn trọng luật lệ và quyền tự do ngôn luận của nhân dân được nói với Iran bằng một giọng điệu thể hiện sự tôn trọng và có thể chấp nhận được. Họ sẽ nhận được câu trả lời tích cực”, ông Rohani nói.
Ông Rohani sinh ngày 13/11/1948 ở thành phố Sorkheh, tỉnh Semnan. Ông có bằng cử nhân luật Đại học Tehran, bằng thạc sĩ và tiến sĩ luật Đại học Glasgow Caledonian, Scotland. Ông từng giữ các chức vụ như lãnh đạo các ủy ban Quốc phòng và Chính sách Đối ngoại trong Quốc hội, chỉ huy không quân Iran và phó tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang nước này.
(Theo Vneconomy)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.