Kinh tế Mỹ tiếp tục xuất hiện các dấu hiệu tích cực
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: financialpost.com) |
Giá nhà tăng mạnh nhất trong vòng sáu năm qua cộng với sự gia tăng số lượng đơn đạt hàng mua sản phẩm từ các nhà máy là hai nguyên nhân chính gây phấn khích cho các nhà đầu tư, khiến họ bỏ thêm tiền mua tài sản, làm tăng giá chỉ số chứng khoán và dầu thô tại thị trường Mỹ trong ngày 26/3.
Báo cáo điều tra thị trường công bố ngày 26/3 của Standard & Poor’s/Case-Shiller cho biết trong tháng Một vừa qua, chỉ số giá nhà đất ở Mỹ tăng 8,1% tại tất cả 20 thành phố lớn. Đây là mức tăng giá mạnh nhất kể từ mùa Hè năm 2006 của loại hàng hóa từng là nguyên nhân dẫn tới cuộc đại khủng hoảng 2007-2009 này ở Mỹ.
Ba thành phố có giá nhà tăng mạnh nhất trong tháng là Phoenix, bang Arizona, tăng 23,2%; tiếp đến là San Francisco, bang California tăng 17,5% và Las Vegas, bang Nevada tăng 15,3%. Giá nhà ở Mỹ cho tới thời điểm đầu năm 2013 vẫn thấp hơn 29% so với mức giá đỉnh cao hồi tháng 8/2006 trước khi lĩnh vực này bị sụp đổ.
Các dự án xây dựng nhà mới trong tháng Hai cũng đã tăng nhanh nhất trong vòng hơn bốn năm rưỡi qua. Trong tháng Hai, số lượng nhà cũ được bán ra tăng mạnh nhất trong vòng hơn ba năm. Đây là những bằng chứng cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ cảm thấy yên tâm hơn với viễn cảnh nền kinh tế, do vậy tăng đầu tư vào bất lĩnh vực bất động sản. Giá các ngôi nhà trung bình ở Mỹ trong tháng 2/2013 khoảng 246.000 USD/căn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong khi đó, báo cáo cùng ngày của Bộ Lao động Mỹ cho biết số lượng đơn đặt hàng mua sản phẩm lâu bền từ các nhà máy của Mỹ trong tháng Hai tăng 5,7% so với tháng Một. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng năm tháng qua. Riêng số lượng đơn đặt hàng mua máy bay thương mại của Mỹ trong tháng tăng tới 95,3% so với mức giảm 24% trong tháng Một.
Doanh số bán ra của mặt hàng xe ôtô trong tháng cũng tăng 3,8%, cao nhất kể từ tháng Bảy năm trước. Nhà kinh tế thuộc công ty Barclays, ông Peter Newland cho biết sự tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng mua các sản phẩm lâu bền phản ánh rõ niềm hy vọng về đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong Quý 1/2013, dự kiến có thể đạt 2,6% thay vì 2,5% như dự báo trước đây.
Các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ như Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite, trong ngày 26/3 đều tăng với các tỷ lệ tương ứng 0,63%, 0,59% và 0,31%, cho dù các nhà đầu tư vẫn bị chi phối bởi mối lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng tại đảo Síp.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, chỉ số Standard&Poor 500 đã tăng tổng cộng 9,4%, đẩy giá của chỉ số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ này lên mức 1.560,85 điểm, tiến gần sát tới mốc đỉnh cao 1.565,15 điểm xác lập ngày 9/10/2007.
Giá dầu thô tại thị trường giao dịch hàng hóa New York trong ngày 26/3 cũng đã tăng 0,70 USD, lên 95,51 USD/thùng. Giá xăng bán sỉ tăng 0,2 USD, lên 3,075 USD/gallon. Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng Ba lại giảm 8,3 điểm so với tháng Hai, chỉ còn 59,7 điểm.
Nguyên nhân chính làm giảm niềm tin của người dân Mỹ là do ngân sách liên bang tài khóa 2013 bị tự động cắt giảm 85,4 tỷ USD, khiến nhiều người bị cắt giảm giờ làm việc hoặc phải luân phiên nghỉ không lương./.
(TTXVN)