Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
Trung bình, mỗi người châu Phi uống khoảng 6,15 lít rượu mỗi năm, bằng một nửa so với châu Âu. Tuy nhiên, theo báo cáo của WHO, hơn 25% dân số châu Phi bị nát rượu, tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Đây cũng là thị trường lớn của các nhà sản xuất bia rượu quốc tế.
Cơ hội của các tập đoàn lớn
Tại Worcester, một vùng quê nghèo của đất nước Nam Phi hay cả lục địa đen, hình ảnh dòng người xếp hàng dài chờ mua rượu tại các cửa hiệu đồ uống không còn quá xa lạ.
Sau nhiều năm nhắm mắt làm ngơ trước thực trạng lạm dụng bia rượu, các nhà chính trị từ Nam Phi đến Kenya và Zambia đang đối mặt với nhiều sức ép về nhiệm vụ giải quyết thực trạng này. Rượu bia đang làm gia tăng gánh nặng cho châu Phi bên cạnh thảm họa HIV, dị tật bẩm sinh, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội. Và nếu chính phủ giải quyết hiệu quả được thực trạng thì những công ty như SABMiller, Diageo Plc và Heineken có thể sẽ không đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng mà họ có được như vài năm trở lại đây.
Trung bình, mỗi người châu Phi uống khoảng 6,15 lít rượu mỗi năm, bằng một nửa so với châu Âu. Tuy nhiên, theo báo cáo của WHO, hơn 25% dân số châu Phi bị nát rượu, tỷ lệ cao nhất trên thế giới.
Khi mà thu nhập tăng lên, châu Phi đã trở thành một thị trường bùng nổ cho các hãng rượu bia quốc tế vốn tập trung vào những khu vực kinh tế giàu có.
"Sự thật là hầu hết mọi người ở châu Phi không uống rượu vì những lý do kinh tế, tín ngưỡng hay văn hóa nhưng đã uống thì họ lại uống rất nhiều”, tiến sĩ Vladimir Poznyak tại WHO Geneva khẳng định.
Các nhà sản xuất đồ uống cho biết, giờ đây cuộc sống của người châu Phi đã khấm khá hơn và cũng tiêu thụ các sản phẩm của họ nhiều hơn nhưng đôi khi vẫn dùng loại bia rượu chế biến thủ công rất nguy hiểm.
Mối lo lớn
Là một trong những khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhưng cơn khát rượu bia của người châu Phi dường như là vô tận. Theo ước tính, khối lượng tiêu thụ bia đã tăng khoảng 7% vào năm ngoái. Trừ Nam Phi, thị trường châu Phi tăng trưởng hơn 10% mỗi năm.
Các nhà sản xuất đồ uống đương nhiên là muốn duy trì đà phát triển này. SABMiller đang thực hiện dự án đầu tư 2,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để xây dựng và đổi mới hệ thống sản xuất tại châu lục này. Doanh thu của đối thủ Diageo đã tăng trung bình 15% trong vòng 5 năm qua và hiện nay thị trường châu Phi đóng góp đến 14% doanh thu cả tập đoàn.
Trong một thời gian dài, người dân nghèo châu Phi chỉ sử dụng những loại bia rượu nhà (bia rượu được chế biến thủ công) từ lúa miến và ngô. Đôi khi người sản xuất lại sử dụng những chất nguy hiểm như pin, acid để gia tăng hiệu suất.
Thu nhập gia tăng đã khiến người tiêu dùng vung tay cho những sản phẩm có thương hiệu lớn. Ngay cả trong những hộp đêm tồi tàn ở Worcester, trên nhiều bàn nhậu xuất hiện đầy những chai rượu mạnh đắt tiền như Chivas Regal hay Glenfiddich.
Bia rượu thương mại ngày nay xuất hiện rộng rãi ở hầu hết các quốc gia châu Phi và các hãng lớn như whisky Johnny Walker hay bia Heineken đang nỗ lực tiếp cận và phát triển mảng thị trường thu nhập trung bình.
Các công ty sản xuất đồ uống cho biết, rượu thương mại an toàn hơn rượu nhà. "Thường thì những người có thu nhập thấp hay mua những loại rượu lậu và tiềm ẩn nguy cơ gây hại", Vincent Maphai, giám đốc điều hành quan hệ đối ngoại tại SABMiller, chi nhánh Nam Phi cho biết.
SABMiller đang cung cấp dòng sản phẩm bia giá thấp để giành khách hàng từ thị trường bia nhà, thị trường được cho là có doanh thu cao gấp 4 lần mức 11 tỷ USD của thị trường thương mại.
Hầu hết các quốc gia châu Phi đều đã có luật quy định về độ tuổi được phép uống rượu. Bên cạnh đó những người có nồng độ cồn nhất định trong cơ thể sẽ không được phép tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên chúng bị chỉ trích là không đủ mạnh mẽ và thậm chí việc áp dụng hầu như là không được thực hiện.
Nam Phi đang dự thảo một bộ luật mới trong đó hạn chế hoạt động quảng cáo bia rượu, tăng độ tuổi được phép uống rượu từ 18 lên 21 và đưa ra những biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với việc lái xe uống rượu, Bộ trưởng phát triên xã hội Bathabile Dlamini cho biết.
Luật cũng sẽ đề xuất quy định doanh nghiệp sản xuất phải in dấu hiệu cảnh báo lên bao bì chai, tăng thuế và áp dụng luật đăng ký kinh doanh chặt chẽ hơn đối với các cơ sở phân phối và bán lẻ.
Tại Kenya, các nhà chức trách cũng đang tính sẽ gia tăng độ tuổi được phép uống rượu từ 18 lên 21 sau khi bộ luật năm 2010 ra đời trong đó cấm bán rượu bia tại các cửa hàng tạp hóa cũng như quán bar trước 5 giờ chiều.
Đầu năm nay, quốc gia Zambia quyết định cấm sản xuất và buôn bán các loại rượu mạnh sử dụng chai nhựa giá rẻ trước lo sợ về tình trạng làm dụng bia rượu trong giới trẻ. Bộ trưởng y tế nước này cho biết, tai nạn giao thông và những vấn đề sức khỏe liên quan đến bia rượu đang ngày một đáng lo ngại.
Tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi và cũng là một thị trường bia khổng lồ, quy định thì có nhưng việc áp dụng lại rất lỏng lẻo.
Nước này cũng đưa ra những quy định về hoạt động quảng cáo sản phẩm này. "Đối với hoạt động quảng cáo trên truyền hình, miễn là nó không dẫn con người đến hành vi làm dụng bia rượu thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ", Osakwe cho biết.
Nam Phi là nước có số lượng trẻ sơ sinh mắc hội chứng thai nhi nhiễm rượu cao nhất thế giới, 122/1000 trẻ so với 8/1000 ở Mỹ. Cha mẹ, đặc biệt là mẹ uống rượu trong thời kỳ mang thai có thể khiến con mắc bệnh này. Các chuyên gia cho rằng, nhiều người châu Phi, đặc biệt là các vùng nông thôn không được giáo dục đầy đủ về tác hại của rượu bia.
"Mặc dù việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cũng như phát triển thị trường bia rượu có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng sức khỏe của cộng đồng nên được ưu tiên và đầu tư trước hết tại bất cứ quốc gia nào", chuyên gia Poznyak tại WHO nhận định.
(Theo VEF)