Chống buôn lậu: "Làm mãi thế này chúng ta sẽ thua!"
|
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra các mặt hàng Rượu nhập khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Theo Ban chỉ đạo 127/TW, mặc dù số vụ bắt giữ ngày càng tăng mạnh, nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ và vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp và hiệu quả chưa như mong muốn.
Chính vì vậy, tại Hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2012 do Ban chỉ đạo 127/TW tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội, nhiều tham luận đã chỉ ra rằng, nếu không triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và có sự phối hợp xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương thì việc đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, hàng giả sẽ không có hiệu quả.
"Sờ" đâu cũng thấy vi phạm
Theo số liệu đưa ra tại Hội nghị, năm 2011, các lực lượng chức năng đã phát hiện 33.649 vụ buôn lậu, hàng cấm với giá trị 287,3 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2010.
Nhưng không vì thế mà tình hình này giảm đi, trái lại còn phức tạp hơn cả về số lượng và mức độ vi phạm, đơn cử trên lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ hàng giả, đã có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài để giả mạo xuất xứ của các thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước.
Bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi Cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội dẫn chứng, hiện có nhiều sản phẩm từ Trung Quốc đã được "nội địa hóa" bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề, chế tác, gia công lại rồi "hô biến" thành các sản phẩm của Việt Nam, thậm chí là hàng EU đánh lừa người tiêu dùng.
Nhưng quan trọng hơn là nhiều khi phát hiện thông tin về hàng lậu, hàng giả trên những địa bàn giáp ranh thì lực bất tòng tâm vì chức năng của quản lý thị trường chỉ có hạn, thậm chí thiếu sự phối hợp của liên ngành trong công tác chống buôn lậu nên "thiếu công an thì một mình quản lý thị trường cũng vô dụng," bà Mai bức xúc.
Tại Lạng Sơn cũng vậy, một địa bàn luôn được coi là điểm nóng trong công tác buôn lậu và phòng chống buôn lậu, nhưng nhiều bất cập về cơ chế chính sách khiến việc đấu tranh và ngăn chặn không đạt hiệu quả như mong muốn khiến nhà nước bị thất thu thuế không nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch thường trực kiêm trưởng ban chỉ đạo 127 tỉnh Lạng Sơn cho hay, ở bất kỳ chợ nào của Lạng Sơn nếu kiểm tra nguồn gốc xuất sứ hàng hóa thì đều có vi phạm.
Đơn cử tại chợ Đông Kinh, với hơn 800 hộ kinh doanh nếu bị "sờ gáy" thì hàng hóa lập tức bị dồn ứ tại biên giới, ngược lại thì doanh thu nộp thuế cũng giảm mạnh.
"Trong những vụ việc như vậy cần có một nhạc trưởng để chỉ huy và vào cuộc của nhiều lực lượng để cùng đấu tranh ngăn chặn," ông Bình nêu ý kiến.
Nhiều ý kiến tại hội nghĩ cũng chỉ ra những chiêu lách luật đang qua mặt các cơ quan chức năng, cụ thể là nhiều mặt hàng tạm nhập tái xuất và kho ngoại quan bị người nước ngoài và đầu nậu lợi dụng để đưa hàng cấm nhập, hàng đã qua sử dụng với nguy cơ ô nhiễm cao đưa vào nội địa tiêu thụ, chỉ làm lợi cho một số tư nhân, trong khi đó rủi ro lại cao, gây thiệt hại về đường sá, cầu cống, cản trở giao thông.
Do vậy, đại diện Bộ Công An và Bộ Tài Chính cũng kiến nghị Chính Phủ nên cân nhắc xem xét cho dừng hình thức kinh doanh này hoặc có quy định mới nhằm xiết chặt quản lý, hạn chế một số mặt hàng.
Không để nhờn luật
Thực tế cho thấy, muốn ngăn hàng lậu phải ngăn từ đầu nguồn các tỉnh biên giới, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Như Mai, do chưa có quy chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố đồng thời công tác chỉ đạo, tổng hợp thông tin phục vụ liên ngành còn hạn chế nên việc đấu tranh chưa đi vào chiều sâu, chưa triệt phá được các đường dây ổ nhóm lớn.
Do vậy, phải xây dựng một quy chế phối hợp rõ ràng, thiết lập một hệ thống dữ liệu thông tin liên quan đến kết quả công tác chống buôn lậu và xây dựng những chương trình hành động cụ thể, sát với đặc thù của từng địa phương.
Trước diễn biến phức tạp về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Ban chỉ đạo 127/TW đôn đốc để nhanh chóng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục các kẽ hở có thể khiến các đối tượng xấu lợi dụng.
Tập trung đánh mạnh vào các ổ nhóm, đường dây buôn lậu lớn xuyên quốc gia và có những giải pháp hữu hiệu đối với đặc thù của từng ngành hàng, từng địa phương và từng đối tượng buôn lậu cụ thể.
Nhấn mạnh vai trò của cơ quan thường trực chống buôn lậu và gian lận thương mại Trung ương (gọi tắt là 127/TW), Phó Thủ tướng chỉ rõ, Bộ Công Thương cần làm tốt chức năng đầu mối thông tin về thị trường, dự báo sự biến động về cung-cầu hàng hóa giúp các lực lượng có thể phối hợp thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Mặt khác, công tác đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ công chức cũng cần phải được nâng cao cùng với thường xuyên, chú trọng khâu giáo dục tư tưởng để làm trong sạch lực lượng chống buôn lậu.
"Làm mãi thế này thôi chưa được, chúng ta sẽ thua vì các đối tượng buôn lậu luôn chủ động, Có đủ thời gian để chờ sự sơ hở của các cơ quan quản lý mới len lỏi vào làm, từ kinh nghiệm của ngành thuốc lá, cần xã hội hóa vấn đề chống buôn lậu và hàng giả, " Phó Thủ tướng nói.
Đức Duy (Vietnam+)