Ông Phạm Thế Anh: “Ngân hàng Nhà nước chỉ nên giữ vai trò cung cấp thông tin, giám sát và phối hợp hành động giữa các bên, chứ Ngân hàng Nhà nước không thể là người cung cấp nguồn lực tài chính duy nhất để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng” - Ảnh minh họa. |
“Nếu chỉ Ngân hàng Nhà nước đứng ra xử lý với nội bộ ngân hàng, rất có thể sẽ xảy ra trường hợp ‘thiên vị’ giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia”, đó là chia sẻ của ông Phạm Thế Anh, quyền Viện trưởng Viện Chính sách công & Quản lý, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khi nói về vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc vận hành công ty mua bán nợ xấu quốc gia.
Ông nói:
- Hiện tại, tổng dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng vào khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, để xác định chính xác nợ xấu là bao nhiêu cần có sự phân biệt rõ ràng giữa các khoản nợ xem trong đó có bao nhiêu % nợ thuộc nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3, bao nhiêu % còn lại thuộc nhóm 4 và nhóm 5. Để phân loại nợ chính xác nên phân theo nợ quá hạn và phân nợ theo mức độ nghiêm trọng của từng khoản nợ.
Bên cạnh đó, cũng cần phải xem khoản nợ xấu đó có tài sản thế chấp hay không, nếu có tài sản thế chấp thì việc xử lý sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, với các khoản nợ có tài sản thế chấp thì cần thực hiện bước nữa là định giá các tài sản thế chấp đó để xác định xem giá trị của tài sản đó còn bao nhiêu % so với khoản nợ đó, từ đó mới đưa ra phương hướng xử lý hiệu quả nhất.
Sau khi phân loại nợ xấu theo các tiêu chí khác nhau, bước tiếp theo cần phân biệt là doanh nghiệp nhà nước chiếm bao nhiêu %, doanh nghiệp tư nhân chiếm bao nhiêu % trong tổng nợ xấu hiện nay. Cũng cần xây dựng các tiêu chí phân loại quy mô của các khoản nợ xấu để có hình thức xử lý phù hợp. Đối với doanh nghiệp nhà nước, dĩ nhiên việc xử lý nợ xấu sẽ dễ dàng hơn, vì đây dù sao cũng là tài sản của Nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính có thể nhanh chóng chủ động xử lý các khoản nợ xấu này.
Còn đối với doanh nghiệp tư nhân, bài toán xử lý nợ xấu sẽ phải khác hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, việc xử lý nợ xấu phải đảm bảo minh bạch thông tin và không để các nhóm lợi ích chi phối.
Thời gian qua, chúng ta đang nói nhiều đến đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về việc thành lập công ty mua bán nợ xấu, có tổng vốn ban đầu khoảng 100.000 tỷ đồng. Tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương thành lập một công ty mua bán nợ xấu như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước nhưng câu hỏi đặt ra là: tiền ở đâu, giám sát như thế nào, thực hiện ra làm sao...?
Ngân hàng Nhà nước không thể bỏ 100.000 tỷ đồng ra để giải quyết nợ xấu mà không giải trình rõ nguồn tiền đó lấy từ đâu. Bởi nguồn thu của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu là từ dự trữ bắt buộc và kinh doanh tiền tệ và nguồn thu này cần dùng để điều tiết thị trường. Chúng ta cần tuyệt đối tránh in tiền để cứu nợ xấu. Bởi vì in tiền như thế thì đang san sẻ gánh nặng nợ cho người dân. Nếu xử lý không tốt mà khoản tiền này bị mất thì tự nhiên người dân phải gánh chịu toàn bộ những khoản nợ xấu đó.
Chủ trương thì đúng nhưng bước đi cụ thể như thế nào để hiệu quả cao nhất là điều cần minh bạch. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực trong nước để giải quyết bài toàn nợ xấu hiện nay là chậm chạp khó khả thi.
Hơn nữa, khi nợ xấu của hệ thống ngân hàng mà chỉ có mình Ngân hàng Nhà nước tham gia xử lý tôi e rằng thông tin sẽ không được minh bạch và quá trình định giá các khoản nợ xấu sẽ không được chính xác.
Bên cạnh đó, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng chỉ cứu các doanh nghiệp nhà nước, còn doanh nghiệp tư nhân thì việc giải cứu sẽ không được chú trọng. Do đó, khi triển khai mua nợ xấu cần có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời kèm theo đó là cổ phần hoá hoặc bán đứt doanh nghiệp nhà nước cho các tổ chức tư nhân trong nước hoặc nước ngoài.
Trong quá trình xử lý nợ xấu cũng cần phải chấp nhận thực tế là doanh nghiệp nào quá xấu và không nằm trong lĩnh vực nhạy cảm thì cần có cơ chế cho họ thực hiện phá sản. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay, không nên để xảy ra đổ vỡ hệ thống, vì tác động lan truyền của nó trong nền kinh tế là rất lớn, đặc biệt là các tổ chức tín dụng.
Trong trường hợp công ty mua bán nợ xấu được thành lập theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước thì theo tôi, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên giữ vai trò cung cấp thông tin, giám sát và phối hợp hành động giữa các bên, chứ Ngân hàng Nhà nước không thể là người cung cấp nguồn lực tài chính duy nhất để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ là một thành viên trong uỷ ban hay trong công ty mua bán nợ xấu này. Nguồn lực xử lý nợ xấu có thể huy động ở nhiều kênh khác nhau như từ Bộ Tài chính, các tổ chức kinh tế tài chính khác trong nước, đặc biệt cần phải chấp nhận nguồn lực từ nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu hiện nay.
Thực chất, với nguồn vốn từ Bộ Tài chính thì cũng sẽ gặp khó khăn, vì thâm hụt ngân sách vẫn đang trong tình trạng triền miên từ năm này qua năm khác, nếu bỏ tiền ra xử lý nợ xấu, thì tiền đó bản chất cũng là đi vay nợ, nếu dùng nợ để mua lại nợ thì đây là bài toán rất rủi ro. Trong khi đó, các tổ chức tài chính khác trong nước hiện nay cũng đang gặp khó khăn nên nguồn lực cũng sẽ không có nhiều.
Vì vậy, để giải quyết nhanh và dứt điểm bài toán nợ xấu cần chấp nhận có sự tham gia của các tổ chức nước ngoài, nếu các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng tham gia thì đây là điều tốt cho nền kinh tế.
Theo tôi, những tư tưởng trông chờ vào các tổ chức trong nước xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay là tư tưởng cục bộ, có thể những tư tưởng này bị chi phối bởi các nhóm lợi ích trong nước bằng cách này hay cách khác để làm sao nợ xấu được xử lý theo hướng có lợi cho họ. Việc xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước nên hạn chế sử dụng nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước.
Chúng ta nên đẩy nhanh quá trình mua lại nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước thông việc bán rẻ hoặc ưu đãi chính sách, ví dụ như miễn giảm thuế trong một thời gian nhất định, cho tổ chức mua lại các doanh nghiệp này.
Nếu chỉ Ngân hàng Nhà nước đứng ra xử lý với nội bộ ngân hàng, rất có thể sẽ xảy ra trường hợp “thiên vị” giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia. Điều này có thể đưa đến kết quả là khoản nợ xấu của một doanh nghiệp nào đó có thể được định giá cao hơn so với giá trị thật của nó.
Vì vậy, để tránh những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình xử lý nợ xấu thì khi thành lập công ty mua bán nợ xấu phải có đầy đủ các thành phần khác nhau như: bộ phận pháp lý, có cơ quan kiểm toán và định giá độc lập để định giá khoản nợ xấu hay tài sản thế chấp của khoản nợ xấu đó, có các cố vấn kinh tế có kinh nghiệm, có đại diện của Bộ Tài chính, có những bộ phận giám sát độc lập từ bên ngoài... khi đó việc xử lý nợ xấu sẽ nhanh và minh bạch hơn so với hiện nay.
(Theo Vneconomy)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.