Fluoroquinolon (FQ) có phổ kháng khuẩn rộng, được dùng điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên cần hiểu rõ độc tính của loại thuốc này để tránh lạm dụng nhưng cũng không bỏ sót cơ hội dùng cho trẻ em khi cần thiết.
Vì sao chưa dùng FQ cho trẻ em?
Hình minh họa |
Ngoại trừ acid nalidixic (negram) được FDA cho phép năm 1962, tất cả các FQ sau này, chưa có loại nào được FDA chính thức cho phép dùng cho trẻ em. Gần đây nhất, năm 2006 đơn xin phép dùng gatifloxacin cho trẻ em cũng bị FDA gác lại. Sở dĩ FQ chưa được cấp phép chính thức dùng cho trẻ em là do 4 vấn đề:
+ Sợ FQ làm tổn thương khớp sụn của trẻ em:
Nghiên cứu trên súc vật thấy FQ gây hại cho sự phát triển của xương và sụn các khớp chịu lực của súc vật nhỏ tuổi, từ đó người ta ngại dùng FQ cho người có thai, trẻ em do sợ ảnh hưởng không tốt đến xương sụn các khớp chịu lực của thai và trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, điều này chưa ghi nhận được ở người. Một nghiên cứu thuần tập quan sát, đa trung tâm, so sánh nhóm bệnh nhi dùng FQ (ciprofloxacin, perfloxacin) và nhóm dùng các kháng sinh khác thấy nhóm dùng FQ gây chứng đau các khớp lớn, đau cơ chiếm 3,8%, cao hơn so với nhóm dùng các kháng sinh khác 0,4%, tuy nhiên ở cả hai nhóm không ghi nhận được các tổn thương cơ xương nặng hay kéo dài (Chalumeau M -2003). Trong một quan sát tiền cứu, trên 116 trẻ sơ sinh điều trị bằng FQ (ciprofloxacin) không ghi nhận được các tác dụng phụ trên thận, gan, huyết học cũng như các bệnh lý về khớp hay bất thường về tăng trưởng sau một năm theo dõi (Drosson, AgakidonV-2004). Một tổng kết trên 7.000 người từ 5-24 tuổi dùng FQ (ciprofloxacin, ofloxacin, acid nailidixic) không thấy có mối liên quan giữa việc dùng thuốc và các bệnh lý khớp.
Như vậy hiện chưa có bằng chứng FQ gây ra các bệnh lý tổn thương cho người và cho riêng trẻ em. Tuy nhiên mối lo ngại về tai biến này vẫn còn tồn tại.
+ Sợ làm tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng FQ
Trẻ em là nhóm người lành mang các vi khuẩn chính (vi khuẩn gốc). Dùng FQ sẽ có thể làm cho các chủng này chọn lọc, sinh ra các chủng kháng FQ. Thật ra, sự kháng FQ do quá trình đột biến tự phát nhiễm sắc thể, làm thay đổi các gen mã hóa enzym DNA-gyrase và toipomerase IV. Sự tăng các chủng vi khuẩn kháng FQ là do dùng rộng rãi, sai nguyên tắc FQ tại cộng đồng, chứ không riêng gì do dùng cho trẻ em.
+ Chưa có dạng dùng thích hợp cho trẻ em.
Phần lớn các FQ dùng dạng tiêm, một số ít dưới dạng viên nang ( có thể cho trẻ lớn tuổi) chưa có dạng nhũ dịch (hợp cho trẻ nhỏ tuổi).
+ Chưa nghiên cứu đầy đủ liều cho trẻ em.
Trong các giới thiệu về FQ không ghi liều trẻ em. Khi dùng phải dò liều, theo dõi tác dụng phụ một cách chặt chẽ.
Trường hợp nào có thể xét dùng cho trẻ em?
FQ có phổ kháng khuẩn rộng, tỷ lệ bị vi khuẩn kháng vẫn còn thấp. Ở Hồng Kông mức kháng FQ là 3,8% trong khi mức kháng betalactam là 15% (2006). Nếu hoàn toàn không dùng cho trẻ em thì bỏ mất một số cơ hội chữa bệnh cho trẻ trong khi các thuốc khác có hiệu lực kém hay không đáp ứng. Vì vậy, tuy không được phép chính thức, nhưng các nhà lâm sàng vẫn xét dùng FQ trong một số trường hợp đặc biệt:
+ Những trường hợp nhiễm Pseudomonas aeruginosa: Các trường hợp bệnh nhi nhiễm khuẩn này gây viêm phổi (trên nền bệnh lý xơ nang phổi) dùng các kháng sinh khác thường có độ nhạy cảm thấp hay bị kháng. Trong khi đó dùng ciprofloxacin dạng uống cho hiệu quả cao. Các trường hợp bệnh nhi bị viêm mủ tai giữa do khuẩn này không thể điều trị khỏi bằng vệ sinh tai và các kháng sinh khác kể cả ofloxacin thì dùng ciprofloxacin đường toàn thân cho hiệu quả cao.
+ Viêm tai giữa cấp có biến chứng: Viêm tai giữa cấp có biến chứng có khi dùng betalactam quy ước hay dùng macrolic (khi người bệnh bị dị ứng với betalactam) không đáp ứng, thì việc dùng gatifloxacin (trong một nghiên cứu rạch màng nhĩ) cho kết quả cao. Tuy nhiên vì thuốc không có dạng nhũ dịch nên việc dùng thuốc này bị hạn chế.
+ Trường hợp nhiễm vi khuẩn Gram âm kháng thuốc: Trường hợp bị nhiễm khuẩn thương hàn Samonella typhi không còm đáp ứng với bactrim chloramphenicol, nhiễm Samonella non-typhi, Escheria Coli, Shigella không còn đáp ứng với các thuốc truyền thống bactrim, berberin, thì dùng FQ (nalidixic hay ofloxacin) thường cho hiệu quả cao.
+ Viêm màng não mủ: Một nghiên cứu dùng trovafloxacin điều trị cho 116 bệnh nhi viêm màng não mũ do phế cầu có hiệu quả lâm sàng và tỉ lệ di chứng tương đương với dùng ceftriaxon cộng với vancomycin (Saéz L-Loren X-2002) nhưng cần biết trovafloxacin gây độc tính trên gan (có thể dẫn tới tử vong). FQ cũng đã được thử điều trị thành công viêm màng não do Enterobacteria kháng thuốc gây ra (KréméryV-1999).
Như vậy, chỉ xét dùng FQ cho trẻ em khi bị nhiễm khuẩn khó điều trị, có thể bị đe doạ do tính mạng hay khi trẻ không thể dùng các kháng sinh khác do dị ứng, do độc tính, do kháng thuốc.
Ở nước ta dùng FQ sau các nước Âu, Mỹ hàng chục năm song tình trạng lạm dụng thuốc này cho cả người lớn lẫn trẻ em khá nhiều, phổ biến nhất là trong các nhiểm khuẩn hô hấp. Cần hạn chế và chỉ dùng cho trẻ em khi thật cần thiết.
(Theo DS. Bùi Văn Uy // Suckhoe & Ðoisong)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.