Trà dược có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, đây là một dạng thuốc đông y nên sử dụng cần tuân thủ một số nguyên tắc để đạt hiệu quả cao và phòng tránh những tác dụng phụ có thể nguy hiểm.
Chưa bao giờ trên thị trường dược phẩm cổ truyền ở ta, các loại trà dược lại phong phú như bây giờ. Ngoài các loại có thâm niên khá lâu như trà nhân trần, trà atiso, trà khổ qua... hiện đã xuất hiện thêm nhiều sản phẩm mới như trà nhân sâm tam thất, trà dưỡng lão, trà linh chi, trà trinh nữ hoàng cung, trà kỷ tử, trà tam diệp... Nhiều loại còn được người bán quảng cáo là chữa lành đủ thứ bệnh từ viêm gan, huyết áp, tim mạch, béo phì… cho đến cả ung thư! Đáng nói hơn, một số loại trà không ghi rõ nguồn gốc, chỉ định, cách dùng nên đã có nhiều người dùng sai.
Một dạng thuốc thang đặc biệt
Trà dược, hiểu theo nghĩa hẹp, là chỉ một loại chế phẩm dùng trà hoặc lấy trà làm chủ phối hợp với các vị thuốc khác. Còn hiểu theo nghĩa rộng, là chỉ một dạng thực – dược phẩm gồm một hay nhiều loại dược liệu hoặc thực phẩm được chế biến và sử dụng như trà uống hàng ngày trong dân gian nhưng kỳ thực không có chút lá trà nào trong thành phần, người ta gọi là “dĩ dược đại trà” (lấy thuốc thay trà). Như vậy, trà dược là một dạng thuốc thang đặc biệt sử dụng dưới dạng nước hãm (xung tễ) hoặc nước ngâm (bào tễ). Hiện nay, nhờ công nghệ phát triển người ta còn bào chế trà dược hoà tan bằng cách đưa dung dịch trà thuốc đã xử lý theo quy trình pha chế thích hợp vào máy sấy phun sương làm khô thành dạng bột để dễ sử dụng và bảo quản.
Trà dược có nhiều loại khác nhau. Căn cứ thành phần có thể chia ra ba loại: trà dược đơn hành (chỉ dùng duy nhất trà), trà dược tương phối (dùng lá trà phối hợp các vị thuốc) và dĩ dược đại trà (dùng thuốc thay trà). Tuỳ vào cách chế có thể chia thành hai loại: trà hỗn hợp (đem các vị thuốc có trong thành phần tán thành bột khô rồi trộn đều) và trà đóng bánh (tán dược liệu thành bột thô, trộn với hồ hoặc một vị thuốc có chất dính để đóng thành bánh). Tuỳ theo dạng sử dụng, có thể chia thành: trà hãm, trà ngâm, trà hầm, trà sắc, trà hoà tan... Tùy công dụng có thể chia thành trà dưỡng sinh ích thọ, trà giải cảm, trà thanh nhiệt lợi niệu, trà sinh tân chỉ khát, trà trừ đàm giảm béo...
Tác dụng của trà dược
Tác dụng của trà dược gồm hai phương diện: công dụng lá trà và công dụng các dược liệu khác. Cho đến nay, người ta thống nhất nhận thấy trà có một số tác dụng như giải nhiệt chống khát, lợi niệu giải độc, kích thích tiêu hoá, giảm mỡ máu, chống béo phì, cải thiện trí nhớ, chống viêm loét tiêu hoá, kháng khuẩn tiêu viêm, chống oxy hoá, làm chậm quá trình lão hoá, giảm đường máu, dự phòng các bệnh lý mạch máu não, dự phòng hình thành sỏi tiết niệu, sỏi đường mật...
Về công dụng của các dược liệu khác, tuỳ lựa chọn, bào chế, liều dùng, cách dùng các vị thuốc mà tạo nên các tác dụng riêng biệt và nét đặc trưng của từng loại trà dược. Tựu trung, theo quan niệm y học cổ truyền, cũng không ngoài hai phương diện chính là “bổ” và “tả”, hay gọi tắt là “trà bổ” (có công năng bồi bổ chính khí, nâng cao sức đề kháng…) và “trà bệnh” (có công năng loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh, điều hoà chức năng các tạng phủ...)
Dùng đúng cách mới hiệu quả
Có những loại trà dược có thể phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với người kia. Vì vậy để trà dược phát huy hiệu quả cao nhất, khi sử dụng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản:
Điều độ: không thái quá hay lạm dụng. Tránh uống thường xuyên một loại trà đặc có thể ảnh hưởng xấu tới tiêu hoá, giảm khả năng hấp thụ sắt và vitamin B1.
Biện chứng thi trị: tuỳ thể chất, tuổi tác, bệnh trạng mà phân biệt âm dương, biểu lý, hàn nhiệt, hư thực. Trên cơ sở đó mới chỉ định lựa chọn, bào chế và sử dụng trà dược phù hợp. Tốt nhất nên đi khám bệnh trước, trong và sau khi uống trà dược. Không nên chỉ đọc cách dùng sản phẩm mà không có chỉ định của thầy thuốc.
Dược thiện kết hợp: trà dược vừa là đồ uống (thực phẩm) nhưng lại vừa là thuốc (dược phẩm), cho nên khi dùng phải chú ý kết hợp hợp lý, tuỳ tính chất và giai đoạn bệnh tật. Không nên uống trà dược ngay sau bữa ăn vì khi đến dạ dày, chất tanin trong trà sẽ làm protein trong thức ăn trở nên cứng. Tốt nhất hãy đợi nửa giờ sau ăn.
Tam nhân chế nghi: tức phải tuỳ người (nhân nhân), tuỳ điều kiện địa lý, môi trường sống (nhân địa) và tuỳ mùa, thời gian (nhân thời) mà lựa chọn và sử dụng trà dược hợp lý. Ngay cả những người có bệnh khi dùng trà dược cũng phải thật cẩn thận, dùng sai có thể bệnh nặng hơn. Với người không có bệnh, tuỳ tiện uống nhiều trà dược có thể sẽ bị ngộ độc dược chất.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn Trưởng khoa đông y, bệnh viện Trung ương quân đội 108
(Theo SGTT Online)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.