Một buổi sáng đầu năm 1960, sau khi thăm các bệnh nhân nặng và duyệt xong các trường hợp bệnh nhân phải mổ trong khoa, tại phòng làm việc, GS. Trần Hữu Tước nhẹ nhàng lấy từ trong ngăn bàn một phong thư đưa cho BS. Đào Ngọc Trực - Bí thư chi bộ Khoa tai mũi họng Bệnh viện Bạch Mai: "Đây là đơn tôi viết gửi đến Chi bộ xin cho tôi được gia nhập Đảng". BS. Trực lặng người đi vì cảm động: "Thưa anh! Với quá trình công tác của anh, đúng ra việc này phải làm từ lâu rồi." Tại buổi họp Chi bộ, các đảng viên rất xúc động vì lời lẽ trong đơn rất chân thành, tha thiết đối với Đảng. Sau khi báo cáo với Đảng ủy cấp trên, đối chiếu với các tiêu chuẩn để kết nạp đảng viên, GS. Tước hoàn toàn đầy đủ, toàn Chi bộ đã thông qua.
Buổi lễ kết nạp được tổ chức rất trang trọng nhân Kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch 19/5/1960. Giáo sư đã phát biểu: "Ngay từ lúc được cùng Bác Hồ về nước, tôi đã nung nấu ý chí trở thành người chiến sĩ cách mạng. Tôi không là nhân sĩ. Tôi phải là chiến sĩ, một chiến sĩ cách mạng. Vì vậy quá trình công tác trong kháng chiến, tôi vẫn luôn sống, làm việc theo tiêu chuẩn đảng viên. Nay tôi rất sung sướng được đứng trong hàng ngũ Đảng, tôi có điều kiện để phấn đấu tốt hơn, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân nhiều hơn, xứng đáng với lòng yêu thương, tin cậy của Bác Hồ và xin hứa sẽ là đảng viên tốt của Chi bộ. Tôi còn nhớ mãi, hơn chục năm trước Bác có dạy: "Khi mọi việc trôi chảy, ít khi thấy Đảng, nhưng lúc khó khăn, ngay vợ chồng xô xát, thiếu tương cà mắm muối, người ta sẽ kêu đến Đảng, có nhận rõ như thế hãy vào Đảng". Vinh dự được vào Đảng đến với tôi như một bước tiến tất yếu, để xứng đáng vinh dự đó, bản thân tôi tự thấy còn cần phải cố gắng rất nhiều"!.
Người bác sĩ Việt kiều yêu nước
Anh hùng lao động - GS. Trần Hữu Tước. |
GS. Trần Hữu Tước sinh ngày 13/10/913 tại Hà Nội. Lúc còn trẻ, ông thông minh, học giỏi. Sau tốt nghiệp trung học tại Trường Bưởi (Trường Chu Văn An), ông sang Pháp học Trường đại học y Paris với ước mong được làm nghề thuốc, giúp giảm nỗi đau khổ của con người. Ông đỗ bác sĩ y khoa năm 1937. Say sưa với chuyên khoa tai mũi họng, chuyên cần học hỏi và tham gia nghiên cứu khoa học, BS. Trần Hữu Tước đã sớm trở thành một thầy thuốc giỏi và được cử làm trợ lý của chủ nhiệm Bộ môn Tai mũi họng của nhà trường.
Sống và làm việc ở kinh đô nước Pháp, BS. Trần Hữu Tước luôn nhớ về quê hương đất nước Việt Nam và tháng 8/1945 hân hoan đón mừng Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam độc lập.
Phái đoàn hữu nghị đầu tiên của nước Việt Nam độc lập do Hồ Chủ tịch dẫn đầu thăm nước Pháp vào tháng 6/1946 và Phái đoàn Chính phủ ta dự hội nghị Fontenebleau (7/1946) do đồng chí Phạm Văn Đồng là Trưởng đoàn đã mang tin thắng lợi, cờ vinh quang, quốc ca hùng tráng, cuốn quyện tất cả Việt kiều ở Paris ở nước Pháp, với lòng tự hào khó tả và niềm vui sướng chưa từng có, đã thay đổi sự nghiệp của BS. Trần Hữu Tước. Ông được Hội Việt kiều cử làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Hồ Chủ tịch và đoàn ngoại giao Việt Nam. Ông có cơ hội gần Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng nên được học hỏi nhiều điều. Ông hiểu cách mạng đã thành công nhưng đất nước và đồng bào cũng còn nhiều việc phải làm! Ông nghĩ rằng "Phải về phục vụ trong khi nước nhà còn nhiều khó khăn mới đúng"! Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, cùng với KS. Trần Đại Nghĩa, KS. Võ Tá Huân, BS. Trần Hữu Tước đã từ bỏ cuộc sống hơn 13 năm đang ổn định và sinh hoạt sung túc ở Pháp, trở về phục vụ Tổ quốc.
Những ngày tháng được gần Bác Hồ, đặc biệt từ 16/9 -20/10/1946 được tháp tùng Người trên đường về nước bằng tàu hỏa và tàu biển, như một “trường học chính trị đặc biệt", BS. Trần Hữu Tước được học hỏi về cách mạng, về dân tộc, về đất nước, về phẩm chất cao đẹp của Hồ Chủ tịch.
Người thầy thuốc tốt
Về đến Tổ quốc, người bác sĩ y khoa trên 30 tuổi đời háo hức sống những giờ phút kỳ diệu nhất của đất nước mình. Cả dân tộc với khí thế cách mạng dâng trào đã thôi thúc ông: "Muốn làm một người thầy thuốc tốt trước hết phải làm một người chiến sĩ tốt". Bao nhiêu khó khăn gian khổ, thậm chí có những hy sinh, đòi hỏi sự nỗ lực của ông và của toàn dân. Chế độ mới vừa được thiết lập, trăm công nghìn việc bề bộn, nhưng Bác Hồ đã quyết định thành lập ngành tai mũi họng.
Được tinh thần cách mạng dìu dắt, BS. Trần Hữu Tước dồn hết tâm trí của mình tham gia giảng dạy ở Trường đại học Y Dược khoa và xây dựng ngành tai mũi họng. Rồi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông phụ trách cứu thương cho Trung đoàn Thủ đô trong 60 ngày đêm chiến đấu trong nội thành Hà Nội. Tháng 2/1947, ông cùng với các chiến sĩ rút khỏi Hà Nội ra vùng kháng chiến.
Rời Thủ đô thân yêu, ông mang theo 30kg dụng cụ chuyên khoa đi kháng chiến. Trong 2 năm ở Liên khu 3 cũ, ông theo Trường Y sĩ di chuyển đến 30 địa điểm trên nhiều vùng nông thôn rộng lớn để tuyên truyền phòng bệnh và chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Từ cuối năm 1948, do chưa quen với khí hậu và làm việc nhiều, ông lâm bệnh, sức khỏe giảm sút. Bác Hồ đã gửi thư và Chính phủ ra lệnh ông nghỉ để đi chữa bệnh, nhưng ông vẫn cố gắng làm việc. Ông kiên quyết từ chối những lời mời trở lại làm việc trong vùng tạm chiếm với nhiều ưu đãi. Năm 1951, BS. Trần Hữu Tước được đi chữa bệnh tại Trung Quốc.
Từ Trung Quốc trở về, BS. Trần Hữu Tước đã vượt qua muôn vàn khó khăn thiếu thốn, cùng cán bộ và sinh viên tự làm lán trại, tạo ra cơ sở, thiết bị, tổ chức và xây dựng chuyên khoa tai mũi họng tại Việt Bắc, tích cực chữa bệnh cho bộ đội, nhân dân và dạy học. Ngay trong hoàn cảnh kháng chiến, ông đã coi trọng việc phổ cập kiến thức về bệnh lý tai mũi họng cho đông đảo nhân dân và tích cực bồi dưỡng các bác sĩ chuyên khoa đủ năng lực quản lý Khoa tai mũi họng BV Bạch Mai một cách chủ động khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội 10/10/1954. BS. Trần Hữu Tước là một trong 9 vị giáo sư đầu ngành đầu tiên của nước ta được Chính phủ phong chức danh giáo sư năm 1955.
Giáo sư tiếp tục công tác đào tạo, bổ túc và xây dựng đội ngũ cán bộ và mạng lưới tai mũi họng trên toàn miền Bắc, đảm nhận thêm trách nhiệm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, rồi được cử làm Viện trưởng Viện Tai mũi họng khi viện được thành lập, xây dựng ngành chuyên khoa tai mũi họng phát triển, đưa ngành tai mũi họng Việt Nam tiến lên vừa có trình độ quốc tế, vừa làm tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân.
Từ trái sang: Anh hùng lao động - GS. Tôn Thất Tùng và Anh hùng lao động - GS. Trần Hữu Tước tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc (1962). |
Người thầy thuốc anh hùng
Suốt trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những năm sau khi nước nhà thống nhất, GS đã luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chế độ của người trí thức xã hội chủ nghĩa, với ý chí cách mạng của người đảng viên cộng sản, đã làm tròn mọi nhiệm vụ nặng nề của Đảng và Nhà nước giao cho. Giáo sư là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là Phó Chủ tịch Tổng hội Y học VN và là một trong những người sáng lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giáo sư đã được tuyên dương Anh hùng lao động năm 1962, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (1983) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật năm 1996.
Giáo sư Trần Hữu Tước là người thầy thuốc mẫu mực và tận tụy. Với người bệnh, ông hết mực yêu thương và tôn trọng họ, nhất là những trường hợp nặng, có hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói. Ông chưa bao giờ gắt gỏng hay khó chịu với người bệnh, kể cả những người bệnh khó tính. Ông ít nói nhưng giàu lòng nhân ái, dễ xúc động. Với những bệnh nhân nặng hoặc do bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa nổi, ông thường xuyên đến thăm hỏi, an ủi bất kể ngày đêm và thường có mặt khi người bệnh ra đi. Những tình cảm chân thành đó làm cho thân nhân người bệnh hết sức cảm động.
Tháng 10/1983, biết mình không thể qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, GS. Trần Hữu Tước đã trao cho con gái đầu lòng tấm thẻ đảng viên và dặn: "Sau khi bố qua đời, con mang thẻ đảng này nộp cho đồng chí Bí thư Đảng bộ của Viện”. GS. Trần Hữu Tước đã thanh thản ra đi ngày 13/10/1983 - theo đúng như nguyện vọng cuối cùng của ông, tại căn phòng làm việc giản dị nhưng gắn bó tất cả sự nghiệp và tình cảm của mình tại Viện Tai mũi họng. Lễ truy điệu và mai táng được Nhà nước tổ chức trọng thể trong niềm tiếc thương vô hạn của mọi người.
GS. Trần Hữu Tước, một trí thức tiêu biểu, là tấm gương về phẩm chất của người Cộng sản và lương tâm trong sáng của người thầy thuốc anh hùng trong chế độ xã hội chủ nghĩa.
(Theo Trần Giữu // Sức khỏe & Đời sống)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.