Đợt lũ lụt lịch sử ở Thái Lan vẫn còn để lại những vùng nước ở một số vùng miền Trung và ngoại ô thủ đô Bangkok, nhưng ngành du lịch Thái đã hối hả lao vào những hoạt động mới nhằm lấy lại lượng du khách quốc tế đã sụt giảm nghiêm trọng trong mấy tháng qua.
Bangkok lại rộn ràng
Khách tham quan chùa Phật Vàng phải bước lên những đụn bao cát chống lụt để vào cổng chùa. Ảnh Thanh Phương |
Đến Bangkok vào những ngày đầu tháng 12, khó có thể hình dung nơi đây vừa trải qua trận lũ lụt khủng khiếp. Dấu tích còn lại tương đối rõ ràng là một số đoạn tường xây tạm, cao vài chục cen-ti-mét, để ngăn nước lũ tràn vào nhà, nay chưa đập bỏ xong. Tại những con phố ven sông Chao Phraya – con sông đã đưa nước tràn vào Hoàng Cung hồi cuối tháng 10, các gian hàng xén đã được bày bán bình thường, ngay trên lề đường. Phía trước cổng vào và dọc theo các bờ tường của chùa Phật Vàng – một trong những điểm du lịch chính ở Bangkok, dấu tích còn lại của lũ lụt chỉ là những đụn bao cát, trong khi du khách vẫn tấp nập vào ra.
Nước đã rút. Nội thành Bangkok đã khô ráo. Người dân ở đây cho biết nếp sinh hoạt đã trở lại bình thường. Không những vậy, không khí thủ đô còn có vẻ rất rộn rã với nhiều hoạt động mừng sinh nhật lần thứ 84 của vua Bhumibol Adulyadej (ngày 5-12 vừa qua). Trên nhiều ngả đường, phía trước các công sở, trường đại học, các công ty, cơ sở kinh doanh và cả nhà dân, người ta trang hoàng lụa là, cờ phướn, những đồi hoa… cùng với ảnh nhà vua được phóng to xuất hiện ở khắp nơi. Thứ Bảy vừa qua (3-12) là ngày khai mạc lễ hội mừng sinh nhật nhà vua ở Bangkok và kéo dài suốt một tuần lễ. Dễ nhận ra một bầu không khí thật sự vui vẻ như trong mùa Tết khi dân chúng và du khách đổ về khu vực Hoàng Cung xem lễ duyệt binh, xem bắn pháo hoa và tham quan các gian hàng triển lãm ghi dấu công đức của nhà vua đối với đời sống của người dân Thái và sự phát triển của đất nước Thái Lan, đặc biệt trong hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Trước đó, vào ngày 1-12, bà thủ tướng Yingluck Shinawatra sau chuyến thăm Việt Nam trở về đã lập tức phát động “công cuộc” toàn quốc làm vệ sinh hậu lũ lụt để kịp đón chào sự kiện vui vẻ này. Có vẻ như sự chia rẽ giữa các phe phái đối lập bị khoét sâu trước đó đã tạm ẩn sâu vào lòng xã hội. Và khi những bất trắc tiềm ẩn trên chính trường Thái Lan vẫn còn đó thì lòng yêu kính của người dân Thái đối với đức vua của họ là động lực tự nhiên nhưng quan trọng và cần thiết cho những công việc cụ thể khắc phục hậu quả của lũ lụt; niềm vui chúc thọ nhà vua đã phần nào xoa dịu cho những mất mát, thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Những con phố ven sông Chao Phraya, gần Hoàng Cung đã khô ráo và trở lại nếp sinh hoạt buôn bán bình thường. Ảnh Thanh Phương |
Sức mạnh của truyền thông
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) từ rất sớm đã ra sức tuyên truyền rằng “bản đồ lũ lụt” bỏ qua phần lớn các tuyến điểm du lịch mà du khách yêu thích như Chiang Mai, Sukothai ở phía Bắc; Phuket, Krabi ở miền Nam, và ngay cả Hua Hin, Pattaya ở miền Trung…, rằng sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok vẫn hoạt động bình thường và hầu hết các khu vực nội thành Bangkok vẫn khô ráo. Nhưng có vẻ như những nỗ lực tuyên truyền này đã bị “lũ thông tin” (về lũ lụt ở Thái Lan) trên mạng toàn cầu nhấn chìm qua những hình ảnh quá ấn tượng về cảnh ngập nước ở Ayutthaya, ở sân bay Don Muang, và ngay cả trong Hoàng Cung (dù chỉ trong một ngày)…
Theo ông Suraphon Svetasreni, Tổng cục trưởng TAT, “đã có hiện tượng nhiễu thông tin rất đáng tiếc cho ngành du lịch Thái”, khiến bức tranh lũ lụt ở Thái Lan nghiêm trọng hơn câu chuyện thực tế, khi mà “phần lớn các vùng bị ngập lụt thuộc khu vực nông nghiệp, công nghiệp, còn 90% điểm du lịch vẫn hoạt động bình thường”. TAT ước tính ngành du lịch Thái Lan bị mất hơn 700 ngàn du khách quốc tế trong năm 2011 do lũ lụt, khoản thiệt hại doanh thu có thể lên đến cả tỉ đô la Mỹ.
Trong lúc người dân Bangkok hân hoan mừng sinh nhật nhà vua, vẫn có thể nhận ra nỗi âu lo hằn trên gương mặt của người đứng đầu ngành du lịch trong một cuộc tiếp xúc báo chí. Điều này có thể hiểu được khi ngành công nghiệp không khói này đang giải quyết hơn 2 triệu việc làm cho người Thái, hàng năm đón 16-18 triệu lượt khách quốc tế, thu trên 20 tỉ đô la Mỹ, đóng góp khoảng 6% GDP của đất nước chùa vàng.
Chiến dịch “Thái Lan xinh đẹp”
Một chiến dịch hồi phục du lịch sau lũ tên gọi “Thái Lan xinh đẹp” (Beautiful Thailand) đã và đang được ráo riết triển khai nhằm “lấy lại những gì đã mất”. Ngành du lịch Thái Lan kỳ vọng tháng cuối cùng của năm sẽ giúp nâng con số 15,8 triệu lượt khách quốc tế đến Thái Lan trong 10 tháng đầu năm lên con số 18 triệu, tính đến hết tháng 12-2011; mục tiêu tổng doanh thu cả năm đạt từ 22,7-23 tỉ đô la Mỹ, tăng 18-20% so với năm 2010.
Trong chiến dịch này, “bài học về sự cân bằng truyền thông sẽ được chú trọng”, theo ông Suraphon Svetasreni. Những ngày vừa qua, TAT liên tục phát đi những thông tin cập nhật về tình hình nước rút, công tác dọn dẹp vệ sinh, sự khôi phục nếp sinh hoạt bình thường ở các vùng lũ đã đi qua. Điểm đến trọng yếu của những thông tin này là các hãng thông tấn và công ty lữ hành của các thị trường trọng điểm nước ngoài, trong đó có Việt Nam - nơi mỗi năm đưa trên dưới nửa triệu khách vào Thái Lan.
Chủ Nhật vừa rồi (4-12) là “Ngày làm sạch Ayutthaya”, một điểm đến quan trọng của du lịch Thái đã bị ngập khá sâu trong lũ, nay nước đã rút hết. TAT ghi nhận du khách đã quay lại di sản văn hóa thế giới này. Những chi tiết như thế cùng với các chương trình khuyến mãi hàng không của Hàng không Thái Lan đều được TAT cập nhật và truyền đi nhanh chóng. Đích thân ông Suraphon Svetasreni và ban điều hành TAT đã tiếp xúc hàng chục đoàn khách nước ngoài để “có cơ hội trực tiếp trao đổi, giải đáp mọi thắc mắc của du khách về tình hình hậu lũ lụt”.
Không chỉ nỗ lực hồi phục du lịch sau lũ, ngành du lịch Thái Lan còn xây dựng những chương trình mới với tham vọng tiếp tục tăng trưởng doanh số du lịch trong quý 1-2012. Đã và sẽ tiếp tục có hàng loạt tour FAM Trip cho hàng trăm hãng lữ hành nước ngoài; các hoạt động quảng bá du lịch Thái Lan ra nước ngoài qua các chương trình road show, hội chợ thương mại quốc tế tại Luân Đôn, Ấn Độ, Hồng Kông, Thượng Hải, Quảng Châu. Một câu lạc bộ “những người bạn của Thái Lan” đang chuẩn bị ra đời dành cho những du khách nhiều lần đến với đất nước Thái Lan, với hàng loạt những ưu đãi hấp dẫn trong dịch vụ lưu trú và mua sắm…
Du lịch Thái Lan vượt lên chính mình
Kinh nghiệm quá khứ cho thấy ngành du lịch Thái Lan luôn nhanh chóng vượt qua những cơn khủng hoảng, như vào thời dịch bệnh SARS, cúm gà hay những đợt xung đột phe phái có vũ trang… Và nay là hậu lũ lụt.
Từ cuối tuần qua, các tour du lịch từ Việt Nam đi Thái Lan đã khởi động trở lại sau hơn một tháng ngưng phục vụ. Ga đến của sân bay Suvarnabhumi những ngày này đã đông đúc trở lại với nhiều đoàn khách Âu cũng như Á, chứng tỏ Thái Lan vẫn là điểm lui tới hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế.
Điều này không tự nhiên có nếu không có những nỗ lực vượt lên chính mình của những người làm du lịch, từ cấp hoạch định chiến lược phát triển ngành cho đến những nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch tư nhân. Sau nhiều sự cố gây tác động tiêu cực đến tình hình du lịch thì điểm sáng của du lịch Thái Lan - văn hóa và thái độ làm dịch vụ du lịch của người Thái, chính là cánh cửa quan trọng để du khách tiếp tục đẩy cửa bước vào. Và để được như vậy, người Thái luôn ý thức phải làm việc bằng hai, bằng ba để gìn giữ “thương hiệu du lịch” của đất nước.
(thesaigontimes)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.