Botox là thuốc hay dùng nhất trong nhóm thuốc botulinum toxin có tác dụng làm liệt tạm thời hoạt động của cơ. Hợp chất này được tạo ra từ vi khuẩn gây ngộ độc thịt. Ngoài tác dụng làm giảm các vết nhăn vùng mặt, botox còn được dùng để điều trị các bệnh khác liên quan đến rối loạn trương lực cơ...
Botulinum toxin có tác dụng chặn dẫn truyền hóa học ở khớp nối thần kinh. Trong ứng dụng thẩm mỹ, botox có tác dụng tạm thời giãn cơ mặt là các cơ nằm dưới da làm giảm các nếp nhăn. Botox xóa các nếp nhăn ở đường nhăn giữa hai lông mày, vết chân chim, đường tỏa ra ở góc mắt ngoài, các nếp nhăn trán.
Ngoài hiệu quả trong thẩm mỹ, botulinum toxin còn điều trị các bệnh: Bệnh co quắp mi vô căn lành tính: là bệnh do cơ vòng mi và các cơ quanh mắt quá hoạt làm mi mắt nhắm kín không kiểm soát, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh; Lác mắt: Do mất cân bằng các cơ vận nhãn để giữ mắt ở tư thế nhìn thẳng; Rối loạn trương lực cơ cổ: Cơ cổ co quá mức gây đau, vẹo cổ ở tư thế không bình thường; Bệnh co cứng cơ: Một số bệnh thần kinh như liệt não có thể làm cho các chi bị co cứng, vì vậy có thể tiêm botulinum toxin để giãn cơ; Tăng tiết mồ hôi: Tuyến mồ hôi tăng tiết kể cả khi thời tiết không nóng bức hoặc bạn không hoạt động mạnh. Một số người bị ra mồ hôi tay nhiều rất khó chịu trong sinh hoạt;
Đau nửa đầu mạn tính: Nếu đau nửa đầu hơn 15 ngày/1 tháng thì tiêm botulinum toxin có thể giúp giảm triệu chứng và tần số các cơn đau; Rối loạn chức năng bàng quang: Tiêm botulinum toxin có thể giúp giảm tình trạng đái dầm do quá hoạt cơ bàng quang.
Botox có an toàn?
Sử dụng botox chỉ an toàn khi được bác sĩ có kinh nghiệm tiêm. Tác dụng phụ thường gặp là sưng nề hoặc bầm tím tại vị trí tiêm, triệu chứng giống cúm hoặc đau đầu. Thuốc có thể khuếch tán từ vị trí tiêm ra các mô xung quanh gây ra các vấn đề như: sụp mi mắt, lông mày vểnh lên, méo miệng, khô mắt hoặc chảy nước mắt.
Mặc dù hiếm gặp nhưng có thể gặp một số tác dụng phụ khi thuốc có thể đến các bộ phận khác của cơ thể gây ra triệu chứng giống ngộ độc thịt. Bệnh nhân cần gọi ngay cho bác sĩ nếu sau khi tiêm botox vài giờ hoặc vài tuần có các triệu chứng như: yếu cơ toàn thân, giảm thị lực, khó nói, khó nhai, khó thở hoặc mất kiểm soát đi tiểu.
Cần chuẩn bị gì khi tiêm botox?
Người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu có dùng bất cứ loại botulinum toxin nào trong vòng 4 tháng trở lại đây. Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu, cần dừng các thuốc này trong vài ngày trước khi tiêm để giảm nguy cơ chảy máu hay thâm tím sau tiêm. Bệnh nhân cũng cần cung cấp cho bác sĩ thông tin có đang dùng thuốc giãn cơ, thuốc ngủ hoặc thuốc chống dị ứng hay không.
Hầu hết mọi người không quá khó chịu khi tiêm. Có thể làm giảm đau trước khi tiêm bằng cách: tiêm thuốc tê (có thể tiêm tê dưới da), bôi kem tê trước tiêm 60 - 90 phút hoặc phun hơi rất lạnh trực tiếp vào da khoảng 10 giây.
Bác sĩ dùng một kim nhỏ tiêm một lượng nhỏ botulinum toxin vào da hoặc cơ. Số lượng mũi tiêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tính cả phạm vi vùng điều trị. Tiêm botox thường được thực hiện ở một số cơ sở y tế.
Sau tiêm có thể hoạt động trở lại bình thường ngay. Chú ý không day ấn hoặc chà xát vào vùng da vừa tiêm vì việc làm này có thể làm thuốc khuếch tán rộng ra các vùng xung quanh.
Thuốc thường bắt đầu có tác dụng sau tiêm vài ngày. Phụ thuộc vào bệnh điều trị, tác dụng của thuốc có thể kéo dài 3-12 tháng. Để duy trì hiệu quả điều trị, người bệnh cần tiêm nhắc lại đều đặn.
Theo SKDS