Thông thường người ta nghĩ đến viêm mũi xoang hay xuất hiện ở những giai đoạn chuyển mùa, nhất là từ nóng sang lạnh. Thế nhưng thời gian gần đây số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm mũi xoang trong mùa hè lại tăng lên một cách đáng kể. Vậy cơ chế nào để viêm xoang xuất hiện nhiều lên trong mùa hè và cách nào điều trị bệnh thích hợp?
Viêm mũi xoang là hiện tượng hệ thống niêm mạc của cả mũi và xoang bị kích thích, phù nề và tăng tiết làm hẹp hoặc tắc các lỗ dẫn lưu hốc xoang ra ngoài mũi, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong lòng xoang gây ra viêm mũi xoang từ không vi khuẩn dẫn đến loại viêm mũi xoang có vi khuẩn. Viêm mũi xoang là một bệnh rất thường gặp ở nước ta, chiếm tỷ lệ 2 - 5% dân số nói chung.
Qua nghiên cứu nhận thấy, số người sử dụng máy lạnh ngày một tăng và việc thay đổi từ môi trường nóng sang lạnh đột ngột và ngược lại làm tăng tỷ lệ người viêm mũi xoang. Ngoài ra, số lượng người đi bơi vào mùa hè nhiều cũng là những yếu tố làm tăng số người bị viêm xoang trong thời tiết nóng nực.
Loại trừ các yếu tố gây viêm mũi xoang trong mùa hè
Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi bạn sử dụng điều hòa không hợp lý làm cho hệ thống thảm nhầy trên bề mặt niêm mạc mũi xoang không kịp thích ứng, độ nhớt giảm, dịch tiết tăng làm lỗ thông mũi xoang không vận chuyển được, dịch tắc lại gây viêm mũi xoang. Vậy cách giải quyết vấn đề này như thế nào cho hợp lý? Bạn cố gắng nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý trong môi trường điều hòa cứ khoảng 30 phút một lần để giữ độ nhớt cho hệ thống niêm mạc mũi, đồng thời để nhiệt độ điều hòa không chênh lệch nhiều lắm so với nhiệt độ ngoài trời, thông thường nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 26°C.
Với đối tượng viêm xoang do đi bơi có hai nguyên nhân: hiện tượng niêm mạc mũi bị kích thích bởi nhiệt độ khi bạn từ dưới nước lên bờ, rất hay gặp hiện tượng này ở các bể bơi ngoài trời. Quá trình này chỉ có thể khắc phục bằng sự tập luyện cho cơ thể quen dần với sự thay đổi này, nếu bạn nào mới tập bơi hoặc cơ thể quá nhạy cảm nên sử dụng bể bơi trong nhà và bể bơi có nước ấm, kể cả trong mùa hè.
Nguyên nhân thứ hai hai xảy ra do các hóa chất trong nước kích thích viêm mũi xoang theo cơ chế dị ứng. Những người này sẽ thấy ngứa mũi, hắt hơi, thậm chí đau rát trong hốc mũi khi hít nước bể bơi vào mũi. Trường hợp này phải sử dụng các thuốc chống dị ứng toàn thân và tại chỗ để làm hốc mũi xoang thông thoáng. Và trường hợp cụ thể này thì không nên đi bơi nữa.
Thuốc điều trị
Tại chỗ
Làm sạch và thông thoáng hốc mũi: xì mũi, rửa mũi, hút dịch và mủ, đặt thuốc co mạch...
Nhỏ thuốc: cần phối hợp các loại thuốc co mạch, sát khuẩn và chống phù nề, liệu pháp corticoid tại chỗ kéo dài rất có tác dụng.
Xông hơi nước nóng: các loại thuốc có tinh dầu, bay hơi được.
Khí dung mũi xoang: thuốc kháng sinh kết hợp với corticoid.
Nhóm thuốc nhỏ mũi thường phải phối hợp giữa kháng sinh với một số thành phần chống viêm, giảm phù nề, giảm sung huyết mới có hiệu quả.
Kháng sinh nhóm aminoside, moxifloxacin hydrochloride, tobramycin thường được sử dụng để bào chế làm thành phần của thuốc nhỏ mũi. Qua nghiên cứu người ta nhận thấy khả năng thấm của thuốc vào máu thấp dưới 2%, đồng thời thuốc lại không bị hấp thu qua đường tiêu hóa nên khá an toàn khi sử dụng. Khi dùng kéo dài thuốc nhỏ mũi chứa kháng sinh thì khả năng tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, bao gồm cả nấm có thể xảy ra. Nếu bội nhiễm xuất hiện phải ngưng thuốc và chuyển sang phương pháp điều trị khác thích hợp.
Thuốc co mạch - chống ngạt là loại thuốc hiện nay đang được sử dụng rộng rãi với nhiều tên thuốc khác nhau trong đó có naphazolin. Thuốc có tác dụng thu nhỏ tổ chức cương ở cuốn mũi dưới, chống sung huyết niêm mạc. Thuốc tác dụng nhanh trong vài phút và duy trì trong nhiều giờ sau đó.
Toàn thân
Liệu pháp kháng sinh trong 2 tuần có hiệu quả tốt đối với viêm xoang, nên lựa chọn kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ.
Kháng sinh uống hoặc tiêm thường phối hợp hai nhóm là beta lactam và nhóm chống vi khuẩn kỵ khí (metronidazol, klion...), kháng sinh chống nấm trong trường hợp viêm xoang do nấm.
Thuốc chống viêm, giảm phù nề để giải phóng lỗ thông mũi xoang. Thuốc hay sử dụng là kháng viêm nhóm steroid như prednisolone 5mg, medrol, medexa, celestene... Nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ như loét, thủng dạ dày, loãng xương, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng đường huyết, suy tuyến thượng thận... chính vì thế chỉ dùng nhóm thuốc này trong thời gian ngắn (dưới 1 tuần ở giai đoạn cấp) dưới sự chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.
Nhóm thuốc chống viêm do các men đảm nhận để chống phù nề như alphachymotrypsine choay uống hoặc ngậm từ 4 - 6 viên/ngày.
Thuốc giảm đau như paracetamol, thuốc long đờm, thuốc chống dị ứng: telfast, clarytin...
Viêm xoang có thể phòng ngừa theo từng cá thể, bất kể do nguyên nhân nào nhưng chung nhất vẫn là loại trừ đi các yếu tố nguy cơ và nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi xoang.
Theo SKDS