Ngoài những tác dụng phụ, những ảnh hưởng xấu ở mức độ khác nhau đối với nội tạng, nội tiết, ngũ quan, thần kinh, chuyển hoá, miễn dịch, di truyền... tác hại thường gặp và đáng sợ nhất là tai biến dị ứng còn gọi là nhiễm độc dị ứng thuốc.
Tai biến dị ứng thuốc ngày càng trở nên phổ biến trở thành mối lo lắng cho các thầy thuốc ở mọi chuyên khoa. Có nhiều nguyên nhân nhưng điều rõ ràng là các hoá chất sử dụng trong dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm ngày càng nhiều. Thuốc sẵn nhưng người dân lại không được trang bị kiến thức về y dược một cách cặn kẽ, người bệnh tự động dùng thuốc đã làm tăng tình trạng cảm ứng tạo tiền đề cho dị ứng thuốc.
Nhiều loại thuốc khi mới ra đời thấy mặt lợi về tác dụng điều trị nhưng với thời gian sau ngày càng bộc lộ tiềm năng độc hại. Điển hình là penicilin, ban đầu người ta không ngớt lời ca tụng về tác dụng diệt khuẩn của nó nhưng ngày nay penicilin trở thành một trong những thứ thuốc hay gây dị ứng nhất.
Danh mục các thuốc có tiềm năng gây dị ứng ngày càng mở rộng. Thông thường nhất là: thuốc kháng sinh (penicilin, streptomycin, chlorocid, sulfamid), thuốc hạ nhiệt, giảm đau (aspirin, pyramidon, paracetamol, butadion), thuốc an thần, gây ngủ, gây tê (luminal, gardenal, novocain), thuốc chữa phong, lao, sốt rét (rimifon, DDS, nivakin), dẫn xuất iod, brôm. Ngay cả nhiều loại thuốc bổ, vitamin, kể cả thuốc bổ Đông y với người có cơ địa dị ứng cũng có thể gây tai biến dị ứng, nhiễm độc...
Tiêm, uống, bôi, xông nhỏ... ở dạng nào thuốc cũng có thể gây dị ứng, nhưng nhanh nhất và nguy hiểm nhất vẫn là đường tiêm tĩnh mạch. Nhiều bệnh nhân, nhất là nữ, mách nhau tiêm vitamin C tĩnh mạch cho “mát da” để chữa nám má, trứng cá. Thực là nguy hiểm, thực tế đã xảy ra những tai biến dẫn đến tử vong.
Triệu trứng dị ứng rất đa dạng, sớm hoặc muộn, cục bộ hoặc toàn thân, mức độ và tiên lượng khác nhau. Nếu do thuốc bôi ngoài da thì gọi là viêm da dị ứng. Tại chỗ nổi ban đỏ mụn nước, ngứa, bệnh nhân gãi nhiều, bị trợt da dễ thành nhiễm khuẩn thứ phát hoặc nổi ban dị ứng rải rác nhiều nơi trên cơ thể. Nếu nhỏ, uống, xông hoặc tiêm thuốc, triệu trứng thường nặng và toàn thân biểu hiện rõ. Thường chia thành hai loại là phản ứng sớm (tức thì) và phản ứng muộn (trì hoãn).
Phản ứng sớm xảy ra chỉ vài phút hoặc vài giờ sau khi thuốc vào cơ thể. Biểu hiện thành một hội chứng choáng gọi là choáng phản vệ. Bệnh nhân vật vã, khó thở, tái tím, toát mồ hôi, lạnh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ dần. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong trong bệnh cảnh truỵ tim mạch. Tai biến này thường gặp ở người có cơ địa dị ứng rõ (hen, mày đay, eczema) khi tiêm pennicilin, sirepa, vitamin B1, novocain, nhất là tiêm tĩnh mạch. Vì vậy đối với người đã có sẵn bệnh dị ứng, việc dùng thuốc bất cứ ở dạng nào cũng cần rất thận trọng.
Phản ứng muộn xảy ra sau vài ngày hoặc lâu hơn. Biểu hiện ngoài da khá rõ, nhưng rất đa dạng, cần có thầy thuốc chuyên khoa mới chẩn đoán được sớm và chính xác (nhiều khi bệnh nhân cho là rôm sảy, hoặc nhiệt). Có khi nổi thành ban đỏ lấm tấm giống như sởi, rải rác khắp người, ngứa sau đó róc vảy da nhẹ hoặc thành sẩn nề ngứa kiểu mày đay, hoặc thành ban đỏ phỏng nước sau đó nhiễm sắc. Nặng nhất trong loại này là hội chứng Lyell, gây đỏ da, róc da, phỏng nước, sau đó loét trợt rộng, rải rác nhiều nổi trên cơ thể, kể cả niêm mạc miệng họng, hậu môn và thường kèm theo sốt cao, mê sảng, tổn thương hầu hết các nội tạng và ngũ quan (viêm gan, thận, phổi, cơ tim, mạch máu, tai mũi họng, mắt...) tỷ lệ tử vong cao. Nếu có sống sót cũng phải qua một quá trình điều trị, săn sóc hộ lý lâu dài, vất vả.
Hạn chế cách nào?
Như vậy dị ứng thuốc là một tai biến, nhiều khi rất nguy hiểm, gây tổn thương ở hầu hết các cơ quan, từ ngoài da đến nội tạng. Cấp cứu và điều trị nhiều khi rất phức tạp, kéo dài, tỷ lệ tử vong không phải ít, nhất là đối với các phản ứng tức thì mà bệnh nhân ở xa cơ sở y tế. Dự phòng dị ứng thuốc không phải dễ, nhiều khi ngay cả bản thân thày thuốc cũng không thể lường trước được phản ứng của từng bệnh nhân đối với một loại thuốc nào đó. Cụ thể có trường hợp đã làm phản ứng da với penicilin trước khi tiêm thấy âm tính nhưng khi tiêm vào bệnh nhân vẫn bị choáng. Dù sao nắm vững kiến thức và biện pháp dự phòng vẫn là điều cần thiết, chắc chắn sẽ giúp ta hạn chế được nhiều tai biến đáng lẽ không xảy ra.
Trước hết cần có quan niệm đúng về thuốc, dù thuốc có quý và đắt tiền bao nhiêu thì thuốc vẫn là chất ngoại lai, chất lạ bắt cơ thể phải chọn lọc, chuyển hoá, hấp thu, đào thải. Một số thuốc gây tác dụng phụ ở mức độ khác nhau, một số khác có thể trở thành kháng nguyên gây cảm ứng, tạo tiền đề cho dị ứng khi bệnh nhân dùng lại thuốc đó. Vì vậy khi thật cần thiết hãy nên dùng. Chẳng hạn, viêm họng, cảm cúm nhẹ chỉ cần xông hoặc xúc miệng nước muối cũng có thể khỏi không nhất thiết phải dùng kháng sinh. Hiện nay đông y cũng đã có nhiều biện pháp điều trị dự phòng không phải dùng thuốc như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, dưỡng sinh. Những kinh nghiệm và thành tựu quý báu này của y học cổ truyền nên được thừa kế, phát huy, kết hợp với y học hiện đại. Mặt khác nhiều nhà nghiên cứu đã công nhận các dược phẩm lấy từ cây cỏ ít gây tai biến hơn là các hoá chất (tất nhiên phải do các thầy thuốc chỉ định và sử dụng). Khi đã dùng thuốc phải tuân thủ nghiêm chỉnh hướng dẫn của thày thuốc về liều lượng, thời gian dùng, uống mấy lần trong ngày, trước hoặc sau bữa ăn, kiêng kỵ ra sao... không thể tuỳ tiện. Đối với một số thuốc, nhất là đối với bệnh nhân có cơ địa dị ứng lại càng phải có qui định chặt chẽ. Thử phản ứng da trước khi tiêm, định kỳ kiểm tra máu, chức năng gan thận, nhằm phát hiện sớm những biến đổi bệnh lý có thể xảy ra. Bệnh nhân cũng phải biết tự phát hiện những biểu hiện sớm của dị ứng: mệt mỏi, khó chịu, nôn nao, nổi ban ngứa, gây sốt, nổi hạch... để báo cho thầy thuốc kịp thời ngừng thuốc và xử trí. Nếu đã có một lần dị ứng thuốc phải ghi rõ vào hồ sơ sức khoẻ để sau này thày thuốc và bệnh nhân tuyệt đối không dùng lại thuốc đó vì phản ứng dị ứng càng về sau càng nặng.
Trên cương vị thầy thuốc mỗi khi khám bệnh kê đơn cần tự xác định trách nhiệm cao cả của mình, phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ, cân nhắc đối với từng bệnh nhân, từng loại thuốc, không nên vì lợi nhuận mà phẩy tay kê nhiều loại thuốc không thật cần thiết, thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ thử phản ứng, theo dõi định kỳ đã qui định. Chú ý lắng nghe những than phiền của bệnh nhân để có biện pháp xử trí kịp thời thích hợp.
Với tinh thần khoa học, nghiêm chỉnh, thận trọng của thầy thuốc cũng như của bệnh nhân nhất định chúng ta sẽ giảm được tác dụng phụ, nhất là tai biến dị ứng của thuốc.
Mỹ phẩm là “thủ phạm” gây ra dị ứng làn da.
Tneo SK&DS