Dối trá khi lưu hành thuốc - Hậu quả khó lường
Telithromycin được thử nghiệm lâm sàng năm 1998 và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho lưu hành năm 2004. Khi đó, nhà sản xuất thuốc trên gắn cho telithromycin rất nhiều tính ưu việt: Có phổ kháng khuẩn rất rộng với vi khuẩn (VK) Gram dương (+), hiếu khí (S.pneumioniae), VK gram âm (-), hiếu khí (H. influenzae, M.catarrhalis và các vi sinh vật khác như C.pneumoniae, M.pneumoniae... đặc biệt với cả S.pneumoniae kể cả loại đã kháng penicillin. Đồng thời, có cường độ tác dụng rất mạnh do có tốc độ hấp thu nhanh, tỷ lệ hấp thu gần như hoàn toàn, đạt được nồng độ đỉnh cao, sớm ổn định, phân phối rất nhanh vào các mô, bạch cầu và đại thực bào và nồng độ tại đó cao gấp nhiều lần trong máu nên diệt tốt VK trong nội bào. Đặc biệt, người suy gan vẫn có thể dùng được loại thuốc này vì khi suy gan, sự thải trừ qua đường mật bị suy giảm, thì được bù trừ bằng cách tăng sự thải trừ qua đường thận.
Tuy nhiên trong thực tế, sau khi lưu hành ít lâu, người ta nhận thấy: Trong một số trường hợp, telithromycin có thể gây suy gan cấp tính, tổn thương gan nghiêm trọng (hoại tử gan dẫn tới phải ghép gan); một vài báo cáo cho biết tai biến có thể xảy ra ngay trong thời gian điều trị, có khi xảy ra nhanh chóng sau khi dùng vài liều. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết, tính đến tháng 4/2006 đã thống kê được những tác dụng phụ do telithromycin gây ra là 12 trường hợp suy gan cấp, trong đó có 4 người chết và 23 trường hợp tổn thương gan nghiêm trọng khác. Còn theo FDA, tính đến tháng 4/2008 đã có 18 trường hợp chết vì suy gan cấp, 134 trường hợp tổn thương gan nghiêm trọng do telithromycin gây ra.
Việc kiểm tra lại cuộc thử nghiệm lâm sàng để lấy dữ liệu xin lưu hành (do Sanofi-Aventis thực hiện trên 24.000 người bệnh) đã được thực hiện, người ta đã phát hiện việc BS.Maria "Anne" Kirkman Campbell đã ngụy tạo ra các số liệu kết quả giả, chứ không hề làm thử nghiệm nào cả. Chính vị bác sĩ này đã phải trả giá cho sự dối trá của mình là phải vào tù theo phán quyết của tòa án.
Sau đó cũng không thấy nhà sản xuất công bố bất cứ một thử nghiệm nào khác để cải chính những số liêu ngụy tạo trước đó, cho dù telithromycin vẫn còn được lưu hành trên thị trường nhưng phạm vi đã bị thu hẹp dần. Ngày 23/7/2007, FDA đã rút lại chỉ định của telithromycin được phê duyệt trước đó (viêm xoang cấp và đợt cấp của viêm phế quản mạn) do thấy rằng những rủi ro khi dùng telithromycin cao hơn lợi ích có thể thu được. Ngoài ra, FDA cũng yêu cầu nhà sản xuất phải có hộp đen cảnh báo về tai biến telithromycin gây ra khi dùng cho người nhược cơ nặng (gây suy hô hấp cấp, tử vong).
Gần đây hơn là trường hợp dối trá trong nghiên cứu về thuốc đái tháo đường benfluorex (mediator - Pháp) cũng bị bóc trần. Theo báo cáo nghiên cứu của nhà sản xuất khi xin phép lưu hành thì: “benfluorex có cơ chế tác dụng rất mới mẻ: ở người đái tháo đường không có bệnh béo phì, benfluorex làm giảm đường huyết sau khi ăn, tốt hơn nhiều so với nhóm dùng giả dược nhưng lại không gây tiết insulin nên không làm hạ đường huyết quá mức, lại làm giảm được acid uric tới 14% nên không gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Benfluorex làm giảm hoạt động enzym lipase của tuyến tụy nên làm giảm hấp thu lipid. Trên súc vật, benfluorex còn làm giảm tổng hợp triglycerid, cholesterol ở gan ở chuột, giảm sự gắn kết cholesterol vào thành động mạch ở thỏ, làm giảm nhiễm mỡ gan do ăn nhiều lipid, glucid ở chuột cống béo phì. Những cơ chế tác động trên động vật này có thể giải thích được việc thuốc trên làm giảm triglycerid cholesterol ở người...”. Với cơ chế và tác dụng hoàn hảo như vậy, benfluorex được Cơ quan Quản lý Dược Pháp cho lưu hành từ năm 1976 tính đến năm bị thu hồi 2009 là ngót 33 năm!
Tuy nhiên trong thực tế, benfluorex là dẫn chất norfenfluramin tương tự như fenfluramin. Felfluramin có tính gây chán ăn trước đó được dùng giảm béo, song đã bị rút khỏi thị trường từ lâu vì gây ra các hội chứng hoặc dấu hiệu của tổn thương van tim. Benfuorex cũng là thuốc gây chán ăn không khác gì felfluramin. Nhà sản xuất bịa ra cơ chế mới để xin phép lưu hành, chứ thực chất thì dựa vào cơ chế gây chán ăn để trị đái tháo đường. Theo tố cáo của báo giới Pháp thì trong 33 năm lưu hành trên thị trường, ít nhất thuốc này đã gây ra khoảng 500 - 2.000 trường hợp tử vong cho người sử dụng. Trước đó vài năm, một số nước châu Âu cũng đã cấm lưu hành benfluorex và đến năm 2009, Pháp mới cấm lưu hành. Theo thông tin mới nhất thì Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Pháp sắp tới sẽ bị truy cứu trước pháp luật do việc bất cẩn khi cho phép lưu hành benfluorex.
Bên cạnh sự dối trá, bất cẩn của những trường hợp trên thì cũng có thuốc được lưu hành từ rất lâu nhưng việc nghiên cứu và cho phép lưu hành đã “không được chu đáo” như thông lệ. Khi đưa thuốc tránh thai trị mụn dian 35 vào thị trường, Hãng Bayer chưa cung cấp đủ thông tin cần thiết. Việc trị mụn thường có hiệu lực sau nhiều tháng. Việc ngừa thai thì chỉ dựa vào tính năng dian 35 giống với thuốc tránh thai cũ, chứ chưa chứng minh bằng cơ sở khoa học. Mà như ta biết, trong ngành y việc chứng minh hiệu quả hay tác dụng phụ phải thông qua thử nghiệm lâm sàng, chứ không thể suy luận ra từ công thức dược. Riêng tại Pháp, dian 35 được cho dùng trị mụn từ 1987, có 80% thầy thuốc gia đình kê đơn cho việc điều trị dùng tránh thai, mỗi năm tiêu thụ 35 triệu vỉ dian 35 và các thuốc cùng loại. Đến nay, Pháp đã chính thức thông báo đình chỉ lưu hành dian 35 kể từ 30/4/2013. Khi Pháp chính thức rút dian ra khỏi thị trường thì sự thật về việc “không được chu đáo” đó mới bị bộc lộ.
Ở nước ta, có khoảng 50% thuốc phải nhập từ nước ngoài. Qua những việc trên, càng thấy rõ việc xem xét lại tài liệu nghiên cứu cũng như theo dõi thông tin hậu mại và theo dõi thực tế ứng dụng trong lâm sàng là rất cần thiết.
Theo SK&ĐS