Lâu nay do thói quen, sự thiếu hiểu biết và sự mập mờ của các nhà sản xuất cùng với việc giải thích không đầy đủ của nhân viên y tế khiến không ít các bà mẹ lạm dụng men tiêu hóa, hễ thấy con lười ăn là tự ý mua về cho uống. Ít người biết rằng men tiêu hóa và men vi sinh là hai chế phẩm khác hẳn nhau về bản chất, nhưng do thói quen, chúng hay được gọi dưới cái tên chung là men tiêu hóa!
Men tiêu hóa
Men bản chất là những protein có tác dụng xúc tác một phản ứng hóa học, phản ứng này bản thân nó không tiến hành hoặc tiến hành rất chậm nếu không có men.
Nhiều bà mẹ lạm dụng men tiêu hóa khi thấy trẻ lười ăn.
Men tiêu hóa chính là các loại men (hay còn gọi là enzym) do cơ thể (chủ yếu từ ống và tuyến tiêu hóa) tiết ra để tiêu hóa thức ăn (cắt nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ để được hấp thu vào máu). Có một số men tiêu hóa quan trọng:
Men amylase của tuyến nước bọt: có tác dụng phân giải tinh bột đã nấu chín.
Acid clohydric (HCl) và các men pepsin, lipase của dạ dày. Các sản phẩm này có tác dụng làm trương thức ăn, phân cắt các sợi collagen, phân cắt chất đạm thành những chuỗi polypeptid ngắn, tuy nhiên men pepsin của dạ dày chỉ có tác dụng tiêu hóa được 10 - 20% chất đạm của thức ăn. Còn men lipase của dạ dày có tác dụng rất yếu, chỉ tiêu hóa được dạng chất béo đã được nhũ tương hóa (chất béo của sữa, trứng).
Các men của dịch tụy là quan trọng nhất, bao gồm: men amylase có tác dụng tiêu hóa tinh bột mạnh hơn nhiều lần so với men amylase của nước bọt; men tiêu hóa chất đạm của tụy bao gồm: trypsin, chymotrypsin, carboxypolypeptidase, dưới tác dụng của chúng, chất đạm sẽ được phân giải thành các đoạn acid amin đơn giản hơn; men tiêu hóa mỡ của tụy là các men lipase (sau khi mỡ được nhũ tương hóa nhờ muối mật), dưới tác dụng của nó, phần lớn mỡ của thức ăn sẽ được tiêu hóa.
Gan bài tiết ra acid mật và muối mật, đóng vai trò quan trọng trong việc hòa tan các chất mỡ, tạo điều kiện cho các men lipase tiêu hóa mỡ hoạt động.
Men vi sinh
Hệ vi sinh đóng một vai trò rất quan trọng ở đường tiêu hóa, đặc biệt là hệ tiêu hóa của trẻ. Ở đại tràng có khoảng 400 - 500 loại vi khuẩn khác nhau, chúng ngoài việc tham gia khâu cuối cùng của quá trình tiêu hóa còn đảm nhiệm chức năng bảo vệ đại tràng. Trong môi trường hoạt động của đại tràng, các vi khuẩn có ích có khả năng lấn áp, đè bẹp và tiêu diệt rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Một số vi sinh có ích cần thiết cho hệ tiêu hóa:
Lactobacillus sporogenes là một trong các vi sinh sản xuất acid lactic, acid hóa đường ruột và ngăn ngừa được sự phát triển của các vi khuẩn gây thối rữa.
Bacillus subtilis là vi sinh sản xuất men amylase, xúc tác cho phản ứng thủy phân tinh bột, glycogen.
Men bia thuộc họ Saccharomycetaceae, thường được chế dưới dạng khô nhằm tránh sự phân hủy các vitamin. Men bia khô có chứa các vitamin B1, PP, B2, B6, B5, biotin, acid folic, B12, acid aminobenzoic và isonitol. Đây là nguồn rất giàu vitamin và dưỡng chất, được dùng trong phòng và điều trị thiếu vitamin và suy dinh dưỡng.
Clostridium butyricum là vi sinh lên men butyric. Chúng đồng hóa được nitơ trong các hợp chất phức tạp như acid amin, peptid, protein..., ngoài ra chúng còn lên men được các loại đường, tinh bột, dextrin, pectin...
Ngày nay, dựa vào sự phát triển của công nghiệp dược, người ta đã sản xuất ra các chế phẩm vi sinh (men vi sinh) cũng hỗ trợ tiêu hóa, còn gọi là probiotic, tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà trong thành phần sẽ có một hoặc nhiều các vi khuẩn trên. Các men vi sinh này thường được các bà mẹ lạm dụng nhiều nhất.
Một khái niệm khác cần biết nữa là prebiotic. Đây là chất xơ dùng để tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi phát triển. Trong sản phẩm thực phẩm công nghiệp thường có bổ sung cả hai thành phần probiotic và prebiotic để tăng hiệu quả phòng ngừa và điều trị rối loạn vi khuẩn đường ruột.
Khi nào cần dùng?
Việc sử dụng loại men tiêu hóa nào, số lượng, liều lượng... đều phải do thầy thuốc chỉ định và theo dõi sau khi thăm khám cụ thể.
Cơ thể bình thường có sự phối hợp chặt chẽ giữa các men tiêu hóa từ miệng đến ruột non. Khi các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hoặc giảm bài tiết (tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, viêm teo ruột kéo dài, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật...), cơ thể sẽ thiếu các men tiêu hóa. Trong những trường hợp này, bên cạnh việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng qua khẩu phần ăn, trẻ cần cung cấp thêm một số men tiêu hóa của tụy. Trừ trường hợp bị tổn thương tuyến tiêu hóa bẩm sinh, còn thì chỉ nên dùng men tiêu hóa từng đợt 1 - 2 tuần, không nên dùng kéo dài; nếu không sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết và dẫn đến teo.
Với những trẻ bình thường có biểu hiện chán ăn, cần tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Với những trẻ này, không nên dùng men tiêu hóa dưới dạng thuốc vì ít có tác dụng. Trường hợp cần dùng phải tuân theo sự chỉ định của thầy thuốc.
Đối với những chế phẩm vi sinh, chỉ để dùng điều trị bệnh tiêu chảy cấp do virut và trường hợp bị thiếu hụt loại vi khuẩn đường ruột có lợi. Do đó, chủ yếu thuốc được áp dụng cho những bệnh nhân dùng kháng sinh kéo dài vì kháng sinh có tác dụng phụ là tiêu diệt cả những vi khuẩn đường ruột có lợi, tạo đà cho vi khuẩn có hại phát triển, đặc biệt làm cho vi khuẩn yếm khí lây lan, sinh ra chứng đau bụng khó chữa.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.