Bệnh phụ khoa là bệnh thường gặp ở chị em, trong khi đó chị em lại thấy ngại ngùng khi đi khám. Hơn nữa, các chứng bệnh như: viêm âm đạo, viêm nội mạc tử cung, viêm buồng trứng, viêm ống dẫn trứng, u nang... sau khi chữa trị lại hay tái phát chỉ trong thời gian ngắn.
Đâu là nguyên nhân?
Bệnh phụ khoa có những dấu hiệu điển hình như: ra khí hư nhiều, bất thường; ngứa, đau, rát, có mụn lở loét ở vùng âm hộ - âm đạo; cảm giác nóng rát khi tiểu hoặc đau khi giao hợp. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến mắc bệnh phụ khoa.
Một là vệ sinh kém. Cơ quan sinh dục có rất nhiều vi khuẩn sinh sống; dịch tiết ở đây cũng nhiều. Nếu không giữ gìn vệ sinh vùng này thật tốt sẽ khiến vi khuẩn, nấm phát triển nhanh, mạnh, tấn công và gây nhiễm khuẩn âm hộ - âm đạo. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý, việc vệ sinh kém gây bệnh đã đành, nhiều người bị bệnh phụ khoa lại là do quá sạch sẽ, vệ sinh vùng kín nhiều lần trong ngày, vệ sinh quá sâu bên trong, dẫn đến mất cân bằng môi trường, vi khuẩn có nhiều cơ hội tấn công.
Hai là lây nhiễm qua sinh hoạt tình dục. Nhiều chị em thường xuyên bị lây bệnh phụ khoa từ đường quan hệ tình dục mà không biết, vì biểu hiện bệnh nam khoa ít được biểu lộ rõ như ở nữ. Vi khuẩn ẩn nấp có khi “phát tiết” sau nhiều tháng, hoặc nhiều năm. Khoảng thời gian này, khi quan hệ tình dục với bạn gái hay vợ, họ sẽ truyền bệnh cho bạn tình. Các loại nấm, vi khuẩn, virut lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia, Trichomonas, trùng roi, lậu cầu khuẩn, trực khuẩn, xoắn khuẩn, các vi khuẩn kị khí, virut herpes sinh dục... xâm nhập tử cung gây phá hủy sự cân bằng hệ vi sinh vật, giảm chức năng tuyến phòng thủ của âm đạo. Những bệnh phổ biến thường thấy là: lậu, giang mai và herpes sinh dục. Đây là những bệnh lý phụ khoa khá thường gặp và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ba là các nguyên nhân khác như: stress (do stress đã làm suy yếu hệ miễn dịch), thay đổi môi trường đột ngột, các thủ thuật phụ khoa không an toàn (đặt dụng cụ tránh thai, nạo hút thai...), phụ nữ ở tuổi mãn kinh...
Không chỉ các mẹ, các chị mới bị viêm nhiễm phụ khoa, căn bệnh này còn xuất hiện không ít ở các bé gái chưa đến tuổi dậy thì. Nguyên nhân là do cơ quan sinh dục nữ của bé gái chưa phát triển hoàn thiện, hoạt động nội tiết của buồng trứng chưa nhiều, bé gái chưa có những “hàng rào sinh lý” để ngăn chặn các tác nhân xâm nhập từ môi trường: chưa có lông mu, hai môi lớn, môi nhỏ chưa phát triển, màng trinh và biểu mô âm đạo mỏng, trực tràng lại gần âm đạo nên phân dễ gây nhiễm khuẩn âm đạo; bên cạnh đó, môi trường âm đạo trung tính (chưa có axít lactic để ức chế sự phát triển của vi khuẩn). Tất cả những nguyên nhân trên kết hợp với vệ sinh kém sẽ làm cho bé gái bị viêm âm hộ, âm đạo. Tâm lý ít quan tâm và do ngại ngùng vấn đề tế nhị, các bé có thể không được chữa trị kịp thời, để lại những di chứng nặng nề khi đến tuổi trưởng thành.
Làm sao phòng ngừa?
Phòng bệnh rất quan trọng, phòng bệnh giúp giảm nguy cơ mắc và tái mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa là cách tốt nhất giúp tiết kiệm tiền bạc, bảo vệ sức khỏe và duy trì hạnh phúc lứa đôi. Thực hiện vệ sinh cá nhân để giảm khả năng bị nhiễm khuẩn đường sinh dục dưới bằng cách:
Vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng, lau khô bằng khăn sạch, nhớ phải lau từ trước ra sau (hậu môn là cuối cùng). Luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch.
Tránh mặc quần chật, thay quần lót thường xuyên. Không nên dùng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật để rửa vùng kín. Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh... để vệ sinh vùng kín. Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Thời kỳ kinh nguyệt, cần chọn băng vệ sinh đảm bảo sạch, đủ thấm, từ 4 - 6 giờ phải thay một lần.
Thực hành tình dục an toàn, tránh mắc hoặc tái mắc phải bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục do các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục. Nên sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục vì bao cao su vừa có tác dụng tránh thai, vừa ngăn ngừa được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vệ sinh tốt cho cả hai người trước và sau khi quan hệ tình dục.
Phụ nữ đang dùng kháng sinh, đang mang thai, dùng viên thuốc tránh thai kết hợp... là thời điểm thuận lợi cho các vi sinh vật có hại sống cộng sinh ở âm đạo dễ phát triển quá mức gây bệnh, vì vậy, cần uống nhiều nước, không mặc đồ nilon, bó sát gây nóng, ẩm vùng kín.
Lời khuyên của thầy thuốc
Thực hiện việc khám phụ khoa định kỳ dù không có triệu chứng gì bất thường. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp viêm nhiễm tiến triển ở giai đoạn khá trầm trọng lại được phát hiện trong những lần khám phụ khoa. Các chuyên gia về phụ khoa đều khuyến cáo phụ nữ từ độ tuổi 18 trở lên nên đi khám phụ khoa ít nhất mỗi năm 2 lần. Việc thăm khám rất đơn giản, không gây đau và rất hiệu quả trong việc phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm hay tiền ung thư.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.