Vào mùa nắng nóng, môi trường sống tạo điều kiện bệnh thương hàn phát triển, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Y văn thường mô tả triệu chứng mạch nhiệt phân ly trên lâm sàng để nói về bệnh thương hàn. Vào mùa nắng nóng, môi trường sống và điều kiện sinh hoạt hàng ngày của người dân khá thuận lợi cho bệnh thương hàn phát triển, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Cần quan tâm đến vấn đề này để chủ động phòng ngừa, vì từ lâu bệnh thường ít khi được chú ý như: trường hợp dịch bệnh sởi, thủy đậu... xảy ra trong thời gian vừa qua.
Đặc điểm bệnh thương hàn
Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm có thể phát triển thành dịch được lây truyền qua đường tiêu hóa do vi khuẩn thương hàn và phó thương hàn gây nên. Vi khuẩn gây bệnh đột nhập qua đường tiêu hóa tới lách, sau đó phát triển nhân lên rồi xâm nhập vào máu và gây ra bệnh cảnh lâm sàng nhiễm trùng nhiễm độc với dấu hiện khá điển hình là mạch nhiệt phân ly.
Trực khuẩn thương hàn có tên khoa học là Salmonella typhi thuộc loại vi khuẩn gram âm, có 107 type kháng nguyên và 3 phó thương hàn với tên khoa học là Salmonella enteritidis còn gọi là paratyphi A, Salmonella schottmulleri còn gọi là paratyphi B, Salmonella hirschfeldii còn gọi là paratyphi C. Thực tế ghi nhận, tỉ lệ mắc bệnh do vi khuẩn thương hàn và vi khuẩn phó thương hàn là 10/1. Loại vi khuẩn này có sức đề kháng cao, chúng có thể sống trong thời gian hàng tháng trời ở ngoài môi trường. Ở nhiệt độ 55oC trong vòng 30 phút, vi khuẩn có thể bị giết chết. Cồn và các loại thuốc sát khuẩn khác cũng có thể diệt được vi khuẩn trong thời gian từ 3 - 5 phút. Hiện nay, trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn trên thực tế đã kháng lại với nhiều loại kháng sinh cổ điển như: chlorocid, bactrim, ampicillin... nhưng vẫn còn nhạy cảm với nhóm thuốc quinolone và cephalosporine thế hệ 3.
Trực khuẩn thương hàn
Bệnh thương hàn thường xảy ra ở những nơi có điều kiện sinh hoạt kém vệ sinh. Các nhà khoa học đã thống kê hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 17 triệu trường hợp mắc bệnh với khoảng 600.000 người chết do bệnh thương hàn. Tại nước ta, thời gian trước đây ghi nhận mỗi năm có khoảng từ 10 - 20 ngàn trường hợp mắc bệnh thương hàn làm cho hàng chục người bị tử vong nhưng đến năm 2013 giảm xuống chỉ còn 653 trường hợp mắc và không có trường hợp nào bị tử vong. Tuy vậy, dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào nếu chủ quan không tiếp tục duy trì tích cực các biện pháp phòng bệnh chủ động. Bệnh thường lưu hành, tản phát ở nhiều tỉnh; hay gặp trong các vụ dịch nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung, một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và kể cả ở miền núi phía Bắc.
Thực tế cho thấy người bệnh và nhất là người lành mang trùng là ổ chứa chính của mầm bệnh thương hàn. Vi khuẩn thương hàn thường sống trong túi mật người bệnh, người lành mang trùng và được đào thải ra môi trường bên ngoài qua phân trong một thời gian dài. Ổ chứa của vi khuẩn phó thương hàn đôi khi phát hiện gặp ở các động vật nuôi trong nhà. Người bị mắc bệnh do dùng thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn. Những phương thức lây nhiễm khá phổ biến là uống nước chưa đun sôi bị nhiễm mầm bệnh như: nước lã, nước đá; ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn nhất là ăn loại trai, hàu, nghêu, sò, ốc, hến... nhiễm mầm bệnh từ nguồn nước bị nhiễm bẩn nhưng không nấu chín kỹ. Đồng thời, việc sử dụng các loại rau quả trồng bón bằng phân tươi khi ăn sống không được xử lý sạch; dùng sữa và các chế phẩm từ sữa bị nhiễm vi khuẩn thương hàn qua quá trình chế biến, bảo quản không tốt cũng là tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, ruồi nhà cũng là nguyên nhân gây nhiễm bẩn các loại thực phẩm và trong môi trường thực phẩm đó vi khuẩn sẽ phát triển nhân lên đủ khả năng gây bệnh cho người. Nên biết rằng vi khuẩn có trong phân người bệnh xuất hiện từ tuần thứ nhất đến hết thời kỳ phục hồi sức khỏe thường từ 1 - 3 tuần. Có khoảng 10% số bệnh nhân không được điều trị sẽ thải vi khuẩn qua đường phân trong vòng 3 tháng và có khoảng từ 2 - 5% số bệnh nhân trở thành người lành mang trùng mãn tính.
Khi bị mắc bệnh, bệnh cảnh lâm sàng thường có triệu chứng sốt tăng dần, người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, bụng trướng và có dấu hiệu ùng ục bên hố chậu phải; bị phát ban dạng sởi ở vùng quanh thắt lưng. Độc tố thương hàn tác động vào các mảng bạch huyết ở họng và ruột gây ra loét họng, loét ruột gây chảy máu ruột. Độc tố cũng gây nhiễm độc cơ tim, làm viêm cơ tim, trụy tim mạch. Đồng thời khi độc tố nhiễm vào não thất 3 gây triệu chứng mạch nhiệt phân ly, viêm não rất đặc thù của bệnh thương hàn. Các trường hợp nhẹ thường có triệu chứng giống như viêm dạ dày, viêm ruột gây nên tiêu chảy thông thường. Chẩn đoán xác định bệnh khi cấy máu thấy mọc vi khuẩn thương hàn. Ngoài ra, các xét nghiệm khác bổ sung cũng giúp cho việc chẩn đoán bệnh là dùng phản ứng Widal hoặc sử dụng kháng thể đơn dòng phát hiện kháng nguyên H trong máu bệnh nhân.
Phòng bệnh bằng vắc-xin
Bệnh thương hàn có thể phòng ngừa bằng cách sử dụng vắc-xin để bảo vệ. Trên thị trường hiện nay có loại vắc-xin thương hàn dùng để tiêm và vắc-xin dùng để uống.
Vắc-xin thương hàn dùng để tiêm:
Tên gọi chung là vắc-xin thương hàn tiêm với tên thương mại là Typhim Vi, có thời gian bảo vệ ít nhất là 3 năm. Vắc-xin được dùng để phòng bệnh thương hàn cho người lớn và trẻ em trên 5 tuổi; đặc biệt nên sử dụng cho những người sống hay đi du lịch đến những vùng có bệnh lưu hành, người di cư, quân nhân, nhân viên y tế dễ có nguy cơ bị mắc bệnh. Loại vắc-xin thương hàn tiêm không có chỉ định khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi; đối với trẻ em từ 2 - 5 tuổi phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng. Thường tiêm một liều vắc-xin thương hàn 0,5ml ở dưới da hoặc bắp thịt; trong vòng ít nhất là 3 năm được bảo vệ không cần tiêm mũi thứ hai.
Sau khi tiêm vắc-xin khoảng 24 giờ có thể có một số phản ứng phụ như 10% đau nhẹ tại chỗ tiêm, có phản ứng viêm hoặc nổi cục cứng nhưng ít gặp hơn; thực tế có khoảng từ 1 - 5% các trường hợp tiêm vắc-xin có biểu hiện sốt nhẹ. Nên hoãn tiêm vắc-xin cho những người đang bị sốt hoặc nhiễm khuẩn nặng, nếu nghi ngờ có thể hỏi ý kiến của bác sĩ. Không nên tiêm vắc-xin cho những người bị mẫn cảm với thành phần của vắc-xin. Đối với phụ nữ có thai, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thương hàn cần được cân nhắc khi tại địa phương có nguy cơ dịch bệnh xảy ra và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Vắc-xin thương hàn dùng để uống:
Tên gọi chung là vắc-xin thương hàn uống với tên thương mại là Zerotyph cap, cũng có thời gian bảo vệ ít nhất là 3 năm. Loại vắc-xin thương hàn uống dùng để phòng ngừa bệnh thương hàn, có thể phòng được bệnh phó thương hàn paratyphi B. Thường uống 1 viên vào các ngày thứ nhất, thứ ba và thứ năm; uống 1 giờ trước bữa ăn với nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm. Nếu đi du lịch từ vùng không có dịch bệnh đến vùng có lưu hành dịch thì phải uống 1 liều vắc-xin nếu liều cuối cùng uống trước đó hơn 1 năm. Chú ý rằng một số loại kháng sinh và sulfonamides có tác dụng chống lại vi khuẩn salmonella nên không được dùng cùng một lúc với vắc-xin Zerotyph cap uống; đối với các thuốc tiêm khác kể cả vắc-xin sống thì có thể sử dụng đồng thời.
Dùng vắc-xin thương hàn uống có thể có tác dụng phụ như: rối loạn nhẹ đường ruột. Chống chỉ định sử dụng loại vắc-xin này cho những người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch và kháng sinh; người đang bị sốt cấp tình, nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính; trẻ em dưới 3 tháng tuổi; đối với phụ nữ có thai thì hiện nay các nhà khoa học chưa xác định được tính an toàn của vắc-xin nên cũng cần thận trọng.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.