Bệnh trĩ là bệnh do sự căng giãn quá mức tại các tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Trĩ nằm ở phần trên của ống hậu môn. Ống hậu môn dài 3 - 4cm và nằm ở giữa trực tràng và da quanh hậu môn. Trĩ nội nằm ở vùng dưới niêm mạc giữa niêm mạc của ống hậu môn và cơ thắt trong. Nguyên nhân gây bệnh trĩ do quá trình thoái hóa dây chằng treo và sự rối loạn chức năng của các shunt (cầu nối) động mạch và tĩnh mạch của mao mạch trĩ. Người mắc bệnh trĩ mới đầu chỉ có cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn. Bệnh trĩ ngoại thường sớm được phát hiện và điều trị nhanh hơn, do người bệnh có thể sờ thấy khi trĩ ở mức độ nhẹ. Với bệnh trĩ nội, thường người bệnh chỉ nhận biết được khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu môn hoặc bị tổn thương dẫn đến xuất huyết nặng, viêm sưng, nhiễm khuẩn búi trĩ.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Các yếu tố (hay còn gọi là các tác nhân) gây bệnh trĩ thường là tiêu chảy, táo bón, sinh đẻ, thai kỳ. Có một số yếu tố khác cũng có thể gây bệnh trĩ như: sử dụng quá mức thuốc nhuận tràng, thói quen ăn uống ít chất xơ, ăn ít rau, hoa quả, trái cây. Hoặc một số thức ăn cũng có thể gây bệnh trĩ như: uống nhiều rượu, ăn thức ăn nhiều gia vị và chất kích thích đại tràng như cà phê, hạt tiêu, ớt... Một số môn thể thao như cưỡi ngựa, đua xe, đi xe đạp, lái xe và nghề phi công cũng là yếu tố gợi ý. Những người có tăng acid uric máu, tăng cholesterol, triglycerid máu đều có nguy cơ bị bệnh trĩ cao hơn người không tăng các thành phần trên. Các triệu chứng thông thường nhất thôi thúc bệnh nhân phải tìm đến với thầy thuốc là khi họ thấy sưng đau hậu môn, ngứa, chảy máu, rỉ nước.
Làm gì là tốt nhất?
Câu hỏi đặt ra là điều trị bệnh trĩ như thế nào? Có thể bằng phẫu thuật cắt bỏ túi trĩ được chỉ định từ 5 - 10%. Nhưng điều trị nội khoa là phương pháp hiệu quả thường được bác sĩ khuyên.
Bệnh nhân bị trĩ hàng ngày nên làm vệ sinh ít nhất 1 hoặc 2 lần. Đi đại tiện điều độ ngày 1 lần, tránh táo bón bằng cách dùng thuốc nhuận tràng làm trơn và cải thiện độ nước trong phân, nhưng không được dùng loại thuốc nhuận tràng gây kích thích.
Bệnh nhân trĩ nên tránh các chất kích thích đại tràng như trà đặc, cà phê. Tránh thức ăn nhiều gia vị, không uống rượu. Ngược lại, cần uống nước đầy đủ, uống nước lạnh vào mỗi buổi sáng để kích thích đi tiểu. Người bệnh trĩ cần một chế độ ăn uống trung bình vài bữa trong ngày gồm có: nhiều rau tươi, trái cây tươi, uống đủ nước (từ 1,5 - 2 lít nước/ngày) trái cây hay nước rau quả, súp...
Thuốc điều trị trĩ: cần dùng thuốc làm tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ tuần hoàn, giảm tình trạng viêm tại chỗ. Sử dụng thuốc nào phải có sự chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc. Ngoài thuốc ra, các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân nên vận động thể lực, chơi một số môn thể thao như bơi lội, tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày đều đặn 30 phút sẽ giúp ta chóng lành bệnh.