Viêm bàng quang nói riêng và nhiễm khuẩn tiết niệu nói chung chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào qua niệu đạo. Bình thường hệ tiết niệu có cấu trúc ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, hơn nữa nước tiểu cũng có đặc tính kháng khuẩn, ức chế sự sinh sản của vi khuẩn. Nhưng khi cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng, hoặc niệu đạo bị tổn thương thì vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây bệnh.
Ở phụ nữ dễ gặp bệnh viêm bàng quang tuần trăng mật vì khi sinh hoạt tình dục với cường độ cao trong tuần trăng mật, vi khuẩn dễ xâm nhập vào bàng quang qua niệu đạo, do âm hộ, niệu đạo bị tổn thương. Tuy nhiên ở thiếu nữ và phụ nữ chưa quan hệ tình dục cũng dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu do vệ sinh không đúng cách, vi khuẩn từ hậu môn có thể xâm nhập vào niệu đạo lên bàng quang gây viêm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trên 90% trường hợp viêm bàng quang là do vi khuẩn E.coli gây ra, đây là một loài vi khuẩn thường thấy ở trực tràng. Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn ở nam giới, nên vi khuẩn cũng dễ xâm nhập gây viêm bàng quang hơn. Đối với phụ nữ mang thai thì sự thay đổi nội tiết có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bàng quang. Các bệnh gây cản trở dòng nước tiểu như: u xơ tuyến tiền liệt, sỏi thận, sỏi niệu quản, bàng quang, niệu đạo, đặt ống thông bàng quang… đều dễ bị viêm bàng quang. Người bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân đái tháo đường, cảm cúm, viêm gan do virut… đều tăng nguy cơ bị viêm bàng quang.
Dấu hiệu của bệnh thế nào?
Khi bạn bị viêm bàng quang, có thể sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như sau: rất mót tiểu hay có người mô tả là mót tiểu dữ dội và dai dẳng, đây là triệu chứng khiến bạn khó chịu và lo lắng nhiều. Bạn có cảm giác nóng rát khi đi tiểu; đi tiểu dắt; có thể tiểu ra máu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi. Luôn luôn có cảm giác căng tức vùng bụng dưới. Nhiều khi có sốt nhẹ. Ở trẻ em có thể bị đái dầm ban đêm khi bị viêm bàng quang. Khi đó nếu bạn đi khám bệnh, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm nước tiểu tìm thấy có vi khuẩn gây bệnh, có máu hay mủ hoặc cả hai trong nước tiểu.
Việc phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp sau đây: uống nhiều nước, chủ yếu là nước đun sôi để nguội, nước bông mã đề, bồ công anh, rễ cỏ tranh, râu ngô..., nói chung là các loại nước có tính lợi tiểu và chống nhiễm khuẩn. Bạn cũng nhớ cần phải đi tiểu thường xuyên và tránh nhịn tiểu trong một thời gian dài. Phụ nữ cần lưu ý rửa hoặc lau sạch từ trước ra sau khi đi ngoài để ngăn ngừa vi khuẩn ở vùng hậu môn lan tới âm đạo và niệu đạo. Nên tắm bằng vòi hoa sen, hạn chế tắm ngâm người trong bồn tắm hoặc dưới nước ao hồ, sông suối.
Viêm bàng quang nếu không được khám và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như nhiễm khuẩn thận, viêm đài bể thận, có thể gây tổn thương thận vĩnh viễn. Đặc biệt ở trẻ nhỏ và người già rất dễ bị tổn thương thận do nhiễm khuẩn bàng quang ít được phát hiện hoặc bị nhầm với bệnh khác.
Điều trị, chăm sóc ra sao?
Khi đã phát hiện một hay nhiều triệu chứng của viêm bàng quang, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng. Việc chữa bệnh chủ yếu là dùng kháng sinh diệt vi khuẩn. Tuy nhiên dùng loại kháng sinh nào, thời gian bao lâu là tùy thuộc kết quả xét nghiệm phát hiện loại vi khuẩn, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Những thuốc hay được dùng nhất để điều trị viêm bàng quang là: amocillin, ciprofloxacin, nitrofurantoin, sulfamethoxazole và trimethoprim. Bình thường, các triệu chứng biến mất trong 1-2 ngày dùng kháng sinh. Tuy nhiên, cần phải sử dụng kháng sinh từ 7 ngày trở lên để đảm bảo rằng vi khuẩn được tiêu diệt hoàn toàn.
Vi khuẩn E.coli cư trú ở trực tràng thường gây viêm bàng quang.
Trường hợp bị viêm bàng quang tái phát, bác sĩ có thể chỉ định điều trị kháng sinh dài ngày hơn có khi tới 15 hay 20 ngày. Bạn cũng cần được khám chuyên khoa tiết niệu để xem có bị bất thường đường tiết niệu hay không. Một số nghiên cứu đã cho thấy, có một vài chủng E.coli mới kháng thuốc, nên việc điều trị tốt nhất là theo kháng sinh đồ để chữa bệnh triệt để và hạn chế vi khuẩn kháng thuốc.
Hiện nay các trường hợp nhiễm khuẩn bàng quang trong bệnh viện đang là một thách thức trong điều trị vì vi khuẩn trong bệnh viện thường kháng lại các loại kháng sinh chính dùng điều trị nhiễm khuẩn bàng quang trong cộng đồng. Cho nên thuốc dùng cho bệnh nhân viêm bàng quang trong bệnh viện có thể khác thuốc dùng cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Người bệnh hãy yên tâm tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ.
Phối hợp với việc điều trị của bác sĩ, bạn có thể tự chăm sóc làm giảm sự khó chịu của mình cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn, bằng cách: dùng khăn hay túi chườm nóng vùng bụng có thể giúp giảm thiểu cảm giác tức hoặc đau bàng quang. Nên uống nhiều nước để tạo sự đào thải nhiều nước tiểu giúp tống vi khuẩn và xác vi khuẩn ra ngoài. Nhưng cần tránh uống cà phê, rượu, nước chè, nước cam, chanh và tránh ăn các thức ăn cay nóng vì những thứ đó có thể kích thích bàng quang và khiến đi tiểu rắt hoặc tiểu gấp, cảm giác khó chịu hơn.
ThS. Trần Tất Thắng