Đừng xem thường bệnh cúm
Chỉ trong vòng nửa tháng gần đây liên tiếp có bốn trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 chủng năm 2009. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Như Dương - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - cho biết:
Kết quả giám sát gần đây nhất cho thấy cúm B chiếm 10% số mắc hội chứng cúm, cúm A/H3N2 chiếm 40% và cúm A/H1N1 chủng 2009 chiếm 50%. Tính theo tháng, tháng 3-2013 cúm A/H1N1 chiếm 61% số mắc cúm, tháng 4 tăng 65%, tháng 5 là 47,7%. Trong khi đó cúm A/H3N2 tăng từ 7,3% số mắc tháng 3-2013 lên 41,5% số mắc cúm trong tháng 5, chứng tỏ xu hướng khá rõ nét là cúm A/H3N2 đang trội lên, nhưng H1N1 vẫn duy trì ở mức cao.
* Nhưng bốn ca tử vong gần đây đều là cúm H1N1. Điều này có liên quan gì đến thay đổi chủng virút hay virút gia tăng độc lực không, thưa ông?
- Chủng cúm H1N1 đang trội, số mắc cao hơn các chủng cúm khác, đương nhiên tỉ lệ tử vong cũng cao hơn, chứ không phải vì các bất thường liên quan đến thay đổi độc lực. Chủng cúm A/H1N1 năm 2009 hiện đã trở thành cúm mùa, thông thường thế giới có đến 250.000-500.000 trường hợp tử vong do cúm mùa. Ở VN qua những giám sát trọng điểm, năm tháng đầu năm cả nước có trên 500.000 trường hợp mắc hội chứng cúm, tức là có các dấu hiệu ho, sổ mũi, đau đầu nhưng không có xét nghiệm xác định cúm hay không. Chúng tôi giám sát điểm xác định tỉ lệ dương tính với chủng cúm H1N1 năm 2009 là 8,69%, tức tương đương 44.000 người. Trong số này có bảy trường hợp tử vong tại TP.HCM, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Giang..., tính về tỉ lệ tử vong/số mắc do cúm A/H1N1 là 0,016%, trong khi ở giai đoạn đại dịch cúm năm 2009 thì tỉ lệ tử vong do cúm A/H1N1 ở VN là 0,34%, còn Mexico là 0,4%, trên phạm vi toàn thế giới tỉ lệ tử vong là 0,6%. Còn tỉ lệ tử vong do cúm mùa thông thường trên thế giới là 0,05-0,06%, như vậy tỉ lệ tử vong ở VN do H1N1 trong năm tháng đầu năm 2013 ở mức 0,016%, đang nằm trong mức trung bình mà thế giới ghi nhận.
* Tuy nhiên có đến bốn trường hợp tử vong do cúm trong thời gian ngắn thì có gì đó bất thường không, thưa ông?
- Cúm mùa không phải là căn bệnh nặng, tuy nhiên vẫn phải cảnh báo vì cúm mùa không chỉ là những ca sổ mũi, đau đầu thông thường mà có những trường hợp bệnh nặng, tử vong. Những người mắc hội chứng cúm nên đi khám sớm để được bác sĩ phân loại, người nhẹ chỉ cần điều trị tại nhà, người bệnh nặng cần phải điều trị tại bệnh viện. Không nên nghĩ cúm là nhẹ, chỉ ở nhà điều trị rồi bệnh tiến triển nặng dẫn đến viêm phổi. Nên nhớ cúm điều trị hiệu quả nhất là trong 48 giờ đầu. Trong phòng bệnh thì ngoài các biện pháp như rửa tay sạch, thông thoáng nơi ở, tăng cường thể lực, giữ gìn sức khỏe thì những người có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng nếu mắc cúm như người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người đang mắc bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường... nên tiêm ngừa cúm mùa hằng năm, do hiện văcxin đã tích hợp cả chủng virút cúm H1N1 năm 2009 và các chủng cúm mùa thông thường.
* Trước những diễn biến khá đặc biệt của dịch cúm ngay trong mùa hè không phải là mùa cúm, ngành y tế có biện pháp gì mới hiệu quả để phòng dịch?
- Bộ Y tế đã có chỉ đạo các viện Pasteur, vệ sinh dịch tễ theo dõi chặt diễn biến của dịch cúm, không chủ quan với các diễn biến của dịch. Tôi cho rằng trong tháng 6, xu hướng chuyển dịch của dịch cúm sẽ rõ ràng hơn và cúm H3N2 sẽ tiếp tục trội hơn, nhưng cũng không nên chủ quan.
Theo Tuổi Trẻ