Món ăn thuỷ hải sản thường giàu đạm và các dưỡng chất cần thiết khác, giúp trẻ khoẻ mạnh và tăng trưởng cân đối. Tuy nhiên, nếu không biết lựa chọn, bảo quản và chế biến đúng cách, lại ăn không có mức độ thì “lợi bất cập hại”.
Ăn gì, kiêng gì?
Trẻ trên ba tuổi mới nên cho ăn hải sản dạng luộc, hấp nguyên con. Ảnh: Hồng Thái |
Những loại tốt cho trẻ: cá biển là thực phẩm tuyệt vời do chứa đạm, có giá trị sinh học cao với tỷ lệ cân đối, phù hợp với cơ thể người. Cá còn rất giàu chất béo không no omega-3 cần để tạo màng tế bào thần kinh, phát triển thị giác và phòng chống bệnh tim mạch. Gan cá còn rất giàu vitamin A và D. Do đó, ăn cá ít nhất ba lần/tuần rất có lợi cho sức khoẻ. Hàu thì rất giàu kẽm là thành phần của hơn 300 enzyme bên trong cơ thể, là chất cần thiết để trẻ tăng trưởng, cũng rất cần để phát triển hệ sinh dục. Hầu hết các loại hải sản đều giàu canxi (nhất là các loại cá nhỏ ăn được cả xương) nên rất cần cho xương và răng. Cá đồng tuy không chứa nhiều các axít béo chưa no như cá biển nhưng cũng chứa nhiều chất đạm quý dễ hấp thu, lại ít gây dị ứng hơn cá biển.
Những hải sản không nên cho trẻ ăn: đó là cá mập, cá kình, cá lưỡi kiếm (cá cờ), cá thu lớn, cá ngừ lớn… và những loại cá có thể chứa hàm lượng thuỷ ngân cao vì sống ở vùng biển ô nhiễm. Không ăn hải sản đã chết vì dễ gây ngộ độc.
Trẻ tuổi nào có thể ăn thuỷ sản?
Do đạm trong hải sản thường hay gây dị ứng cho trẻ, nên tốt nhất là cho bé ăn từ tháng thứ bảy trở đi, cho ăn từng ít một để bé thích nghi dần, ở dạng bột sệt hoặc nghiền nhuyễn. Với những trẻ có cơ địa dị ứng thì các bà mẹ cần thận trọng hơn.
Khi trẻ bắt đầu ăn cá, các bà mẹ nên cho ăn cá đồng trước, chọn cá nạc ít xương như cá lóc, cá trắm, cá trê... Với cá biển, nên ăn cá hồi, cá thu, cá ngừ (nhỏ)... vốn chứa nhiều omega-3. Tôm cũng giàu đạm và canxi, từ tháng thứ bảy trở đi các bà mẹ có thể cho con ăn tôm đồng, tôm biển. Cua đồng chứa hàm lượng canxi cao, nên cho trẻ ăn thường xuyên. Các loại hải sản có vỏ như hàu, ngao, hến, trai… chứa nhiều kẽm, một vi chất quan trọng với trẻ, nên cho trẻ ăn khi đã một tuổi, dùng nước nấu cháo, còn thịt xay băm nhỏ.
Ăn bao nhiêu là đủ?
Ngày nào cũng có thể cho bé ăn 1 – 2 bữa từ thuỷ hải sản, nhưng phải tập cho ăn ít một, chọn loại tươi ngon, nấu chín kỹ để tránh ngộ độc. Tuỳ theo tháng tuổi mà lượng ăn mỗi bữa khác nhau:
Trẻ 7 – 12 tháng: mỗi bữa có thể ăn 20 – 30g thịt cá, tôm (đã bỏ xương, vỏ) nấu với bột, cháo, mỗi ngày có thể ăn một bữa, 3 – 4 bữa/tuần.
Trẻ 1 – 3 tuổi: mỗi ngày ăn một bữa hải sản nấu với cháo hoặc ăn mì, bún, súp… mỗi bữa ăn 30 – 40g thịt của hải sản.
Trẻ 4 tuổi trở lên: có thể ăn 1 – 2 bữa hải sản/ngày, mỗi bữa có thể ăn 50 – 60g thịt hải sản, nếu ăn ghẹ có thể ăn nửa con/bữa, tôm to có thể ăn 1 – 2 con/bữa (100g cả vỏ).
Lưu ý cả cách chế biến
Hải sản chế biến chưa chín hẳn (gỏi cá, hàu sống, sò, mực nướng…) có thể ẩn chứa vi trùng và ký sinh trùng đường ruột. Ngày nay, khi môi trường ngày một ô nhiễm thì còn phải kể đến nguy cơ nhiễm kim loại nặng như thuỷ ngân. Để hạn chế các nguy cơ này, cần lưu ý khi chế biến.
Trẻ còn trong giai đoạn ăn bột và cháo: xay, nghiền nhỏ cá, tôm để nấu bột hoặc cháo. Nếu là cá đồng nhiều xương, nên luộc chín cá rồi gỡ xương. Cá biển nạc có thể xay sống như xay thịt rồi cho vào nấu bột, nấu cháo. Với cua đồng thì giã lọc lấy nước để nấu bột, cháo. Tôm to bóc vỏ, sau đó xay hoặc băm nhỏ, với tôm quá nhỏ có thể giã lọc lấy nước như nấu bột cua. Với các loại hải sản có vỏ, luộc chín lấy nước nấu cháo, bột, thịt xay hoặc băm nhỏ cho vào cháo, bột.
Trẻ ba tuổi trở lên, ngoài ăn các loại cháo, mì, miến… nấu với hải sản, có thể cho bé ăn tôm, cua, ghẹ, ngao nguyên con dạng luộc, hấp. Điều quan trọng nhất là phải nấu chín kỹ.
ThS.BS Lê Thị Hải
Giám đốc trung tâm khám - tư vấn dinh dưỡng, viện Dinh dưỡng quốc gia.
(Theo SGTT Online)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.