Thăm khám cho trẻ hàng ngày, tôi thường được các ông bố bà mẹ hỏi nhiều câu kiểu như: “Bác sĩ ơi, uống loại sữa nào thì con tôi mau cao?”, “Em nghe tivi quảng cáo uống sữa đó thì trẻ sẽ cao như người mẫu, đúng không?”... Có bà mẹ tâm sự: “Em và bố cháu đều thấp, nên cho con uống cả chục ký sữa, toàn loại đắt tiền, thế mà chẳng thấy cháu cao thêm gì cả”. Vậy cao thấp tuỳ thuộc sữa, di truyền hay yếu tố nào khác?
Dinh dưỡng quan trọng với chiều cao, nhưng không là tất cả. Ảnh: Hồng Thái |
Có tăng cân mới tăng cao
Chiều cao phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, tình trạng bệnh tật và hoạt động thể dục thể thao. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng với sự phát triển chiều cao của trẻ. Một điều chúng ta dễ nhận thấy là ở nước ta hiện nay, trẻ em thành phố cao hơn trẻ nông thôn – đó là do trẻ thành phố được chăm sóc tốt hơn, có chế độ ăn uống đầy đủ hơn.
Để có sự tăng trưởng chiều cao liên tục, cơ thể trẻ cần được nhận đầy đủ năng lượng cần thiết hàng ngày, trẻ có tăng cân tốt thì mới tăng chiều cao được. Ngoài vấn đề năng lượng thì nhiều vi chất dinh dưỡng đã được các nhà khoa học chứng minh có liên quan đến tăng trưởng chiều cao, đó là vitamin A, D, lysin, canxi, sắt, kẽm, iốt…
Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong chuyển hoá canxi và phốtpho – hai khoáng chất quan trọng để phát triển xương. Nếu thiếu vitamin D, ruột không thể hấp thu được canxi và phốtpho dẫn đến trẻ bị còi xương. Vitamin D có rất ít trong thức ăn, nguồn vitamin D chủ yếu là da tự tổng hợp khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Vậy nên dù trẻ có uống nhiều sữa nhưng suốt ngày bị nhốt trong nhà, không được tắm nắng để tổng hợp vitamin D thì cũng không thể hấp thu canxi được, mà canxi là yếu tố quan trọng để phát triển chiều cao. Vitamin A cũng giúp cho sự tăng trưởng của xương, giúp tăng cường miễn dịch. Trẻ ít bị ốm đau sẽ có cơ hội cao lớn hơn.
Một khoáng chất rất quan trọng để phát triển chiều cao của trẻ là kẽm. Kẽm tham gia vào thành phần nhiều enzyme trong cơ thể giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, còi cọc và chậm lớn... Còn iốt là thành phần của nội tiết tố tuyến giáp, có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ thể; khi thiếu iốt trẻ sẽ bị thiểu năng tuyến giáp, có thể bị lùn do suy giáp trạng.
Vậy muốn trẻ phát triển chiều cao tốt, các bậc cha mẹ cần phải giúp trẻ có một chế độ dinh dưỡng hợp lý: ăn đủ năng lượng, cân đối thành phần dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất. Ăn đủ bữa theo lứa tuổi, bú mẹ hoặc ăn sữa bột công thức theo đúng tháng tuổi, khi cai sữa mẹ vẫn duy trì uống 500 – 600ml sữa/ngày. Sử dụng muối iốt khi nấu ăn cho trẻ, ăn đa dạng các loại thực phẩm để nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng có liên quan đến tăng trưởng. Cho trẻ tắm nắng hàng ngày.
Ngủ đủ giấc, vận động hợp lý
Ngoài dinh dưỡng đầy đủ, trẻ muốn cao lớn còn phải được ngủ đủ giấc, nhất là giấc ngủ đêm. Hormone tăng trưởng do tuyến yên tiết ra cao nhất là vào khoảng 11 – 12 giờ đêm khi trẻ đã ngủ say, không nên cho trẻ em ngủ quá muộn, ngủ nhiều ban ngày thì lượng hormone tiết ra rất ít khiến trẻ chậm lớn, chậm phát triển chiều cao. Vì vậy, trẻ cần được ngủ đủ giấc vào ban đêm, không để trẻ ngủ muộn sau 10 giờ đêm.
Một số yếu tố khác cũng liên quan đến phát triển chiều cao là môi trường sống, bệnh tật và đặc biệt là vấn đề vận động thể lực. Một đứa trẻ không thể cao lớn được trong môi trường sống ô nhiễm (khói thuốc lá, khói than tổ ong, khói xe, bụi...), thường xuyên bị bệnh tật ốm đau, và suốt ngày bị nhốt trong nhà.
Mặt khác, trong tiến trình tăng trưởng chiều cao của trẻ, có ba giai đoạn quan trọng: giai đoạn trong bào thai, giai đoạn dưới hai tuổi và giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì (trẻ trai: 13 – 16 tuổi, trẻ gái 10 – 13 tuổi). Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, sinh ra nhẹ cân, thiếu chiều cao thì sau này cũng khó mà cao được. Hoặc dưới hai tuổi trẻ bị suy dinh dưỡng, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi thì nguy cơ “thiếu thước tấc” lúc trưởng thành là rất lớn (vì chiều cao của trẻ lúc hai tuổi bằng nửa chiều cao lúc trưởng thành). Và giai đoạn dậy thì cũng rất quan trọng: ở giai đoạn này trẻ có thể tăng 10 – 15cm/năm. Nếu trẻ được chăm sóc dinh dưỡng tốt và tập thể dục thể thao như chạy, bơi lội, tập xà... thì có thể cải thiện tốt chiều cao.
Như vậy, có rất nhiều yếu tố liên quan đến sự phát triển chiều cao của trẻ, và sữa mặc dù là thực phẩm chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển chiều cao, nhưng nếu chỉ quan tâm cho trẻ uống nhiều sữa mà bỏ qua điều kiện môi trường sống, giấc ngủ, vận động thể lực… thì chưa đủ, và còn có thể gây ra những hệ luỵ xấu cho sự tăng trưởng của trẻ.
THS.BS LÊ THỊ HẢIGIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KHÁM –TƯ VẤN DINH DƯỠNG, VIỆN DINH DƯỠNG QUỐC GIA.
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.