Trời lạnh, trẻ em sụt sịt hắt hơi, sổ mũi, khò khè ho, viêm họng... lũ lượt đi khám bệnh làm phòng khám và khoa hô hấp tại các bệnh viện "tăng nhiệt".
Bệnh viện chật cứng bệnh nhi
Hô hấp luôn là bệnh dẫn đầu về số lượng khám và điều trị mỗi ngày tại các bệnh viện. Đặc biệt, số lượng bệnh hô hấp đang tăng lên trong những ngày gần đây khi thời tiết trở lạnh.
Ngồi dọc tại phòng khám của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhiều phụ huynh khai bệnh cho con với các triệu chứng: viêm họng, nghẹt/sổ mũi, ho, viêm amidan... Nhiều bệnh nhi hắt hơi liên tục và khò khè ho.
"Nhiều trẻ nhập viện điều trị các bệnh hô hấp do thời tiết lạnh - Ảnh: Nguyên Mi |
Bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, hiện nay trung bình khoa có 160 - 170 trẻ đang được điều trị nội trú. Mỗi ngày, Khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận thêm từ 30 - 40 bệnh nhi mới. Đó là chưa kể số bệnh nhi nằm phòng dịch vụ với khoảng 90 giường bệnh.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, trong tuần đầu tháng 12 khi thời tiết trở lạnh (từ ngày 5 - 11.12) có khoảng 600 trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh về hô hấp. Còn trong ngày 12, 13.12 (hai ngày nhiệt độ khu vực miền Nam xuống lạnh nhất từ đầu năm đến nay), có khoảng 60 - 70 ca nhập viện/ngày.
Số lượng trẻ đến khám với các triệu chứng về hô hấp tại phòng khám của bệnh viện còn cao hơn với gần 7.500 trường hợp chỉ trong từ ngày 1 - 4.12, chiếm gần 55% số trẻ đến khám tại bệnh viện.
"Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2, chật kín bệnh nhi - Ảnh: Nguyên Mi |
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thạc sĩ - bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, đánh giá, khi thời tiết trở lạnh thì số lượng trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng khoảng 10 - 20% so với mức bình thường.
Mặc khác, theo bác sĩ Tuấn, thường có khoảng 5% trẻ mắc các bệnh hô hấp phải nhập viện điều trị, còn lại phần nhiều, trẻ có thể được chăm sóc, điều trị tại nhà.
Bệnh hô hấp “lên ngôi”
“Thời tiết lạnh là lúc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính dễ xâm nhập vào cơ thể. Do đây là điều kiện tốt cho vi rút gây bệnh hô hấp phát triển, đồng thời, sức đề kháng tại chỗ trên đường hô hấp giảm”, bác sĩ Tuấn nói.
Trong đó, nhẹ thì bệnh nhân bị viêm hô hấp trên (sổ/nghẹt mũi, ho, viêm amidan), có thể điều trị ngoại trú. Nặng thì dẫn đến viêm hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản), cần được chăm sóc và theo dõi đặc biệt vì bệnh diễn tiến nặng có thể gây tử vong.
Ngoài ra, mấy ngày qua, không ít trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 do bộc phát, lên cơn hen suyễn.
"Kiểm tra hơi thở cho trẻ - Ảnh: Nguyên Mi |
“Đặc biệt, thời điểm này cũng là lúc bệnh viêm tiểu phế quản do vi rút gây ra lây lan cao (mức độ lây lan của vi rút này chỉ thua vi rút cúm)”, bác sĩ Tuấn cảnh báo thêm. Bệnh có thể mắc ở người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, với trẻ càng nhỏ tuổi thì bệnh càng dễ diễn tiến nặng.
Bác sĩ khuyên phụ huynh: Các bệnh hô hấp có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ dùng thuốc điều trị tại nhà trong một tuần mà không có chiều hướng thuyên giảm, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám.
Đặc biệt, phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy các triệu chứng nặng như: ngủ li bì, bỏ bú hay bú kém (bú ít hơn 1/2 lượng sữa bình thường) với trẻ dưới 2 tháng, không uống được đối với trẻ trên 2 tháng, co giật, thở nghe có tiếng rít, khó thở, sốt cao liên tục trên ba ngày.
Theo bác sĩ Loan, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM): Quan trọng nhất để phòng bệnh trong tiết trời lạnh như bây giờ là giữ ấm và giữ vệ sinh cho trẻ. Đồng thời, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường trái cây bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng thì trẻ sẽ ít nhiễm bệnh. Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông đúc, dễ lây lan bệnh.
(Theo Viên An // Thanhnien Online)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.