Thời trước các nhà sản xuất cà phê cho khoảng 10% bắp rang để lấy độ keo, 90% còn lại là cà phê thứ thiệt. Nay tỷ lệ cà phê chỉ còn... 10%, phần còn lại là đậu nành cháy và bột bắp được tẩm với hàng loạt hóa chất, hương liệu độc hại.
->> Hãi hùng mục kích lò sản xuất “cà phê bẩn”
->> Bột bắp + đậu nành cháy + hương liệu = cà phê
->> Đi tìm những hóa chất “biến” bắp, đậu thành... cà phê
Sự thật của ly cà phê!
Thói quen của rất nhiều người dân là sáng sáng hớp một ngụm cà phê, hẹn hò bạn bè cũng cà phê, khi căng thẳng hay buồn ngủ cũng tìm đến cà phê. Rất nhiều người vốn chỉ uống theo thói quen mà không hề biết rằng thứ cà phê đó thực chất chỉ là hỗn hợp gồm bột bắp, đậu nành rang cháy và hương liệu hóa chất độc hại.
Trên thị trường hiện nay, giá bán của cà phê nhân dao động từ 50-55.000 đồng/kg. Với 1 kg nhân cà phê chỉ pha chế được 0,7 kg cà phê bột. Giá cà phê cao như thế nhưng nhiều hãng cà phê chào hàng với giá cũng chỉ 55 - 60.000 đồng/kg cà phê bột. Nếu tính cả chi phí nhân công, nhãn mác, bao bì, tiếp thị, vận chuyển… thì chắc hẳn các hãng cà phê này sẽ lỗ to. Vậy họ kinh doanh kiểu gì?
Bắp, đậu nành được rang cháy đen, dùng làm nguyên liệu chính trong sản xuất “cà phê”
Hiện nay, khó thống kê được có bao nhiêu đơn vị sản xuất cà phê bột, chỉ biết rằng lượng cà phê và lượng người uống mỗi ngày là rất lớn. Thế nhưng, có một lượng không nhỏ cà phê đang được chế biến bằng… bắp và đậu nành. Sẽ là vô hại nếu những thứ đó được chế biến bình thường, nhưng đằng này chúng được sấy cháy đen thành… than rồi mới tẩm ướp, sau đó đóng gói và tung ra thị trường.
Sau rất nhiều lần tìm hiểu, cuối cùng chúng tôi được một người có tiếng trong nghề pha chế cà phê “bật mí” công thức chế cà phê rởm. Càng rùng mình hơn khi tận mắt chứng kiến các lò chế biến cà phê dơ bẩn và truy tìm được nguồn cung ứng của các loại hóa chất độc hại làm hương liệu trong pha chế cà phê.
Rùng mình “công nghệ” pha chế
Đồng Nai được xem là nơi có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến cà phê, cung cấp không chỉ cho khu vực Đông Nam Bộ mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước; thậm chí tràn sang cả thị trường Campuchia. Những cái tên như cà phê X.L, H.K, Đ.N, T.Đ… không thương hiệu nhưng lại len lỏi vào rất nhiều quán lớn, nhỏ.
Qua giới thiệu, chúng tôi được tiếp cận với ông Nguyễn T.C. (ngụ ở phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ông là tay pha chế cà phê có kỹ thuật bậc nhất ở vùng này. Rất nhiều ông chủ ở Đồng Nai, TPHCM mời ông về pha chế. Ban đầu ông nhận lời nhưng sau này phát hiện các ông chủ chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà đánh mất bản sắc cà phê nên ông không hợp tác nữa.
Ông C. cho biết, những năm 80, các nhà rang xay cà phê cho khoảng 10% bắp rang để lấy độ keo cho cà phê, còn lại là cà phê thứ thiệt. Rồi trong quá trình chế biến, không biết ai đã “phát minh” ra đậu nành có thể thay thế cà phê! Càng ngày tỷ lệ thay thế này càng nhiều vì lợi nhuận của các nhà sản xuất và các chủ quán cà phê. Các chủ quán hẳn cũng biết tất cả, nhưng vì lợi nhuận, họ mua cà phê với giá càng rẻ càng tốt, khiến người sản xuất không cách nào khác là phải hạ giá tối đa. Và tất nhiên, đi kèm là phải hạ chất lượng.
Bắp sấy cháy này được xay thành bột trước khi tẩm hóa chất, hương liệu
Đem 2 ly cà phê ra, ông C. cho biết trong 2 ly này, 1 ly cà phê “xịn” và 1 ly đã pha chế tạp chất. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chỉ cần hớp một ngụm ông C. biết ngay ly bên phải là cà phê thứ thiệt, còn ly bên trái là cà phê “dỏm”. Sau đó ông “biểu diễn” cách pha chế ly cà phê “dỏm” với hương vị, màu sắc… y chang như gói cà phê mà mấy nhân viên chào hàng đem đến.
Tiếp tục, ông C. mang ra một ít bột bắp, bột đậu nành cháy cùng đủ các loại hóa chất, hương liệu. Ông C. bảo, tùy theo sở thích của mỗi người mà mình có thể phân chia tỷ lệ cà phê - đậu nành - bắp - hàm lượng hóa chất, phụ gia một cách linh hoạt. Ai muốn đắng thì thêm đậu nành cháy, muốn nhiều bọt thì thêm xút, thơm thì “đôn” hương liệu… Cân đo, đong đếm vài phút, ông C. đã có một hỗn hợp gọi là cà phê không khác gì gói cà phê mà nhân viên chào bán mang đến quán của ông. Theo ông C., người Việt mình có thói quen thích uống một ly cà phê phải đậm, đắng, sánh, bọt, thơm và... rẻ tiền. Vì vậy, các chủ quán mua sản phẩm cà phê theo tiêu chí này.
Ông C. cho biết, có cả hàng chục loại hóa chất, hương liệu để làm cà phê “dỏm”. Theo đó, để có màu đậm thì người sản xuất phải bỏ màu caramel, muối, đậu nành; vị đắng thì phải có đậu nành rang cháy, đường thắng tới cháy, thuốc tây có gốc quinin; sánh thì tinh bột, chất tạo đặc như CMC; bọt thì tất nhiên là chất tạo bọt công nghiệp; mùi thơm thì phải cho rất nhiều hương liệu… tinh sữa, tinh ca cao, tinh cà phê, bơ công nghiệp, đường hoá học, bột vani… Những hóa chất hương liệu này hiển nhiên đều là chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp, nguy cơ gây hại cao.
Hỗn hợp bột bắp, đậu nành và hương liệu tạo thành “cà phê”
Nếu tính cả nhân công sấy, xay, đóng gói, bao bì nhãn mác… thì giá một kg cà phê bột cũng đã lên đến hơn 100.000 đồng. Nhưng trên thị trường hiện nay, đa phần các điểm bỏ sỉ cà phê đều với giá từ 50-60.000 đồng/kg. Ông C khẳng định: “Với giá như vậy thì chỉ có bột bắp và đậu nành chứ cà phê gì mà rẻ đến vậy”. Cơ sở để ông C. nói “chắc như đinh đóng cột” là bởi theo tính toán của ông, hiện giá đậu nành 13.000 đồng/kg và bắp 9.000 đồng/kg. Như vậy, hỗn hợp bột bắp, đậu nành, hương liệu, có thể có thêm chút cà phê nguyên chất mà bán đến 50-60.000 đồng/kg thì các cơ sở sản xuất cà phê kiểu này đã lời gấp 2, 3 lần rồi.
Các cơ sở sản xuất cà phê “dỏm” đã đánh vào tâm lý các quán cà phê là chuộng hàng rẻ để thu lời nhiều. Mặt khác, do người tiêu dùng đã uống rất lâu “cái gọi là cà phê” nên họ không còn nhớ vị cà phê nguyên thủy nữa, nên có một thực tế là những người không tinh miệng sẽ... chê sản phẩm cà phê nguyên chất. Điều này làm đau đầu những nhà sản xuất có lương tâm!
“Vì vậy, để hạn chế tác hại của “cà phê bẩn”, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì ngoài sự ra tay của các cơ quan chức năng còn cần sự góp sức của chính người tiêu dùng. Và cần lắm những nhà sản xuất có đạo đức, lương tâm” - ông C. thở dài kết luận.
(Theo Công Quang - Đức Luật // Dân trí)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.