Võ đường là một hành lang rộng chừng 50m2. Gần 30 võ sinh khuyết tật gồm khiếm thính, bại liệt đôi chân, câm điếc, suy dinh dưỡng... người chống nạng, người ngồi trên xe lăn... miệt mài tập võ để áp chế bệnh tật.
Cứ 17h đến 19h vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, gần 30 học viên Trung tâm dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM (ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn); người khiếm thính đẩy các bạn xe lăn, bạn thiểu năng dìu bạn cụt chân cùng nhau ra hành lang tập võ. Các võ sinh đến từ nhiều vùng quê khác nhau, nhưng đều có một đặc điểm chung là cơ thể bị khiếm khuyết, không như người bình thường.
Lớp võ tại hành lang Trung tâm người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM. Ảnh: Tá Lâm. |
Sư huynh Đỗ Thành Vọng, câm bẩm sinh, ra hiệu bằng tay cho nhóm võ sinh nhanh chóng xếp thành 3 hàng riêng biệt. Người khiếm thính đứng trước, kế đến là khuyết tật, phía sau là những em thiểu năng trí tuệ. Người ngồi xe lăn xếp cuối mỗi hàng. Buổi học võ bắt đầu bằng các động tác khởi động...
Vì đặc thù của lớp học, mỗi võ sinh đều có những khuyết tật khác nhau nên thầy giáo cũng phải nghĩ ra những cách dạy phù hợp với từng người. Với những em ngồi xe lăn, thầy có bài dạy riêng, chủ yếu sử dụng thế võ tấn pháp, tự vệ bằng đôi tay là chính. Các em thiểu năng trí tuệ, thầy phải từ từ uốn nắn, chỉ bảo làm đi làm lại một động tác nhiều lần. Còn với trẻ câm điếc, thầy giáo phải sử dụng ngôn ngữ thân thể bằng các động tác tay, chân để truyền đạt.
Từ động tác đứng tấn đến tự vệ, các võ sinh đặc biệt say sưa tập luyện. Khi thầy đang làm mẫu thế võ khóa tay đối phương, phía dưới nhiều em tay, chân chuyển động theo động tác của thầy. Trong hàng ngũ, em học nhanh chỉ dạy cho người hiểu chậm. Cứ thế, chỉ sau hai giờ học, những thế võ mới mà thầy chỉ giáo đã được cả lớp nắm bắt nhịp nhàng.
Đang dạy, một võ sinh liên tục ra hiệu "Úm...ơ...hơ...úm...ơ...ơ...ơ...." vì không nói được. Thầy giáo ngớ người, không biết học trò định nói gì. Phải nhờ một học trò bên cạnh "dịch", thầy mới biết được em muốn chỉ dẫn lại thế võ vừa dạy. Không sử dụng lời nói, thầy giáo lại gần, dùng đôi bàn tay của mình uốn nắn từng động tác cho học trò.
Võ sinh đến với lớp học với suy nghĩ rất giản dị, học võ để luyện tập sức khỏe và áp chế bệnh tật. Các em tâm niệm, khi có sức khỏe thì sẽ hết bệnh tật và bảo vệ được bản thân, bạn bè của mình. Thường ngày, họ vẫn miệt mài với những nghề phù hợp như kế toán, sửa chữa điện thoại, vi tính văn phòng, may, cắm hoa...
Bạn Cao Văn Long (21 tuổi, quê Đăk Nông) chống nạng tập võ. Ảnh: Tá Lâm. |
Bạn gái Nguyễn Thị Ngọc Diệp (27 tuổi, quê Bình Thuận) cho biết, đã tham gia lớp học võ gần một năm nay. Tháng 9/2010, Diệp được đưa vào Trung tâm người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM để học nghề kế toán. Ngày đó, tình cờ đẩy xe lăn qua hành lang thấy bạn bè cùng cảnh ngộ tập võ, Diệp xin thầy cho theo lớp. Dù chỉ học các thế võ từ đôi tay, nhưng Diệp thấy đôi chân cũng "khỏe" ra, đôi tay cứng cáp hẳn lên và có thể tự tin đẩy xe lăn đi ra ngoài mà không sợ người khác bắt nạt.
"Em tập võ là để cho khỏe người hơn. Khi ra ngoài, nếu ai đó tấn công thì mình còn có khả năng đối phó kéo dài thời gian chờ người lớn ứng cứu. Thầy thường dạy em cách đỡ và đánh lại người khác, với giả định tình huống có gã con trai dám chọc ghẹo em", Diệp chia sẻ.
Cùng bị bại liệt đôi chân như Diệp, bạn Lê Thanh Quyền (23 tuổi, quê Quảng Trị) luôn có ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Năm 18 tháng tuổi, mẹ Quyền đau đớn khi đứa con trai đầu bị bại liệt đôi chân sau một cơn sốt kéo dài. Người cha, lúc đó đang đánh bắt cá trên biển, được tin buồn bã trở về nhà. Tưởng như tương lai của đứa bé dần dần vụt tắt, nhưng càng lớn Quyền càng ham sống và luôn nghĩ về tương lai.
Năm 18 tuổi, Quyền bắt đầu xa gia đình, ngồi trên xe lăn theo học nghề Công nghệ thông tin tại Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP HCM. Tốt nghiệp, cậu lại tiếp tục theo học nghề sữa chữa điện thoại tại Trung tâm người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM.
"Em học võ này là để tăng cường sức khỏe. Em nghĩ chắc cũng không ai đánh em đâu, ai lại đi đánh người ngồi trên xe lăn bao giờ. Có nhiều người bị mất cả chân tay họ còn làm được nhiều điều, mình còn đôi tay thì mình còn làm việc được. Em cố gắng học thật tốt ra trường đi làm còn kiếm tiền phụ giúp ba mẹ", Quyền chia sẻ.
Dù chỉ mới theo lớp học võ một thời gian ngắn, nhưng Quyền học rất nhanh. Mỗi khi thầy dạy những thế võ giành cho những người có đôi chân lành lặn, Quyền vẫn cố bò ra khỏi xe lăn, cố gượng đôi chân nhỏ bé tập theo.
Một thế võ tự vệ thầy Long đang hướng dẫn học trò. Ảnh: Tá Lâm. |
"Dạy các em khuyết tật khác với dạy những em bình thường. Ngay buổi học đầu tiên, tôi phải tìm hiểu kỹ từng em bị khiếm khuyết gì và học cách giao tiếp với các em trước, sau đó mới chuyển qua dạy võ", thầy giáo Hoàng Thanh Long cho biết.
Thầy Thanh Long được võ sư Thu Vân (trưởng môn phái Thu Vân võ đạo quốc tế) giới thiệu về dạy võ cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm người khuyết tật và trẻ mổ côi TP HCM. Người tiền nhiệm thầy Long là thầy Philot, vốn đứng lớp từ tháng 7/2007.
Thầy Long cho biết, mục tiêu cơ bản của lớp học là để rèn luyện sức khỏe cho các em khuyết tật. Đối với những em thiểu năng trí tuệ, giáo viên phải hết sức tâm lý, nhẹ nhàng hướng dẫn từng động tác, nhiều khi phải dùng ánh mắt tạo thiện cảm để dạy võ. Trong quá trình học, thầy phải tạo cho học trò sự thoải mái, niềm vui và hứng khởi.
"Có nhiều lúc biết em tập sai nhưng cũng phải khen để động viên. Những động tác sai của các em phải uốn nắn từ từ, có khi phải cả tháng trời mới hoàn chỉnh", thầy Long cho biết thêm về nét đặc thù của lớp võ đặc biệt này.
(Theo Tá Lâm // VnExpress)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.