Ấn tượng khó quên đối với đoàn cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam khi được sang Phần Lan trao đổi, học hỏi kinh nghiệm triển khai và thúc đẩy các hoạt động truyền thông về Khoa học và Công nghệ - đó là: "Phần Lan, đất nước có nền giáo dục phát triển đứng ở hàng đầu thế giới".
Trước đây, thế giới hầu như biết rất ít về Phần Lan. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, cả thế giới đều biết và ngưỡng mộ Phần Lan bởi sự nổi tiếng của điện thoại di động Nokia và thành tích nổi bật trong giáo dục, thông qua Chương trình đánh giá học sinh quốc tế ở độ tuổi 15 (gọi là PISA- là chữ viết tắt của The Program for International Student Assessment) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Cooperation and Development), viết tắt là OECD. Tổ chức này hiện có ở 30 quốc gia, do đó mang tính toàn cầu. Mục đích của PISA là đánh giá việc tiếp nhận kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc hòa nhập vào xã hội của học sinh năm cuối cùng của bậc học cơ sở (chứ không phải đánh giá sự thông minh). Cứ ba năm một lần, học sinh Phần Lan lại dẫn đầu với số điểm cao nhất thế giới (trong ba lần đánh giá liên tiếp gần đây - theo PISA). Tại Diễn đàn kinh tế thế giới về giáo dục đại học - cao đẳng, Phần Lan xếp hạng thứ nhất về số lượng tốt nghiệp và chất lượng, xếp thứ hai về toán và giáo dục khoa học.
Trong nhiều năm, giáo dục Phần Lan luôn được xếp vị trí số 1 thế giới, trên cả giáo dục của Mỹ. Bí quyết của Phần Lan chính là việc đầu tư cho giáo dục. Với mức đầu tư 65.000 USD cho mỗi học sinh, nhưng điểm bình quân tại các kỳ đánh giá theo PISA là 563, còn học sinh Mỹ chỉ đạt 489 và Thụy Sĩ chỉ là 512 điểm. Trong khi đó, mức đầu tư của Mỹ là 92.000 USD và của Thụy Sĩ khoảng 95.000 USD cho mỗi học sinh. Phần Lan đặc biệt tự hào là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển. Các số liệu thống kê cho thấy chỉ có 3% học sinh Phần Lan bỏ học trước năm 16 tuổi, với 70% học tiếp trung học phổ thông và 27% theo học các trường chuyên nghiệp; và trong số học sinh tốt nghiệp trung học có từ 60 đến 70% học tiếp bậc đại học. Một chỉ số khác cho thấy, hiệu quả giáo dục rất cao của các trường ở Phần Lan là khoảng cách chênh lệch về học lực giữa học sinh giỏi và học sinh kém ở mức thấp nhất thế giới, tương đương với các số liệu của hệ thống giáo dục Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhờ đó, tỷ lệ biết chữ của người Phần Lan 100%. 83% số dân Phần Lan trong lứa tuổi 25-34 đã có bằng tú tài hoặc cử nhân trở lên. Giáo sư Ai-nô Xa-li-nen (Aino Salinen), Hiệu trưởng Trường đại học tổng hợp danh tiếng và lâu đời nhất Phần Lan - Dy-va-xky-la (Jyvaskyla), cho biết: Tài nguyên đất nước chúng tôi rất nghèo, hầu như chỉ có rừng, nên chúng tôi phải đầu tư vào giáo dục và khoa học.
Phần Lan là một nước ở Bắc Âu, lớn thứ bảy châu Âu, có diện tích 338.145 km2 (rộng hơn nước ta một chút); tài nguyên không nhiều, chủ yếu là rừng, sông hồ chiếm một diện tích khá lớn, hằng năm tuyết phủ hơn sáu tháng mùa đông (tuyết và hồ được chọn làm biểu tượng của lá cờ Tổ quốc Phần Lan với nền mầu trắng và chữ thập mầu xanh). Dân số hiện có hơn 5,2 triệu người. Thủ đô Hen-xin-ky (Helsinki) chỉ hơn 500 nghìn người. Các bạn Phần Lan cho rằng: Ðổi mới sáng tạo thành công của Phần Lan trong những năm gần đây bắt nguồn từ giáo dục. Chính sách khoa học và giáo dục của Phần Lan nhấn mạnh tới chất lượng, hiệu quả, công bằng và quốc tế hóa. Ðiều đó đẩy mạnh tính cạnh tranh mạnh mẽ của đất nước. Giáo dục và khoa học phát triển làm nền tảng cho kinh tế phát triển. Kinh tế phát triển tiếp tục làm cơ sở vững chắc cho văn hóa, xã hội Phần Lan ngày càng thịnh vượng. Con người được giáo dục, có nền tri thức cơ bản khi trưởng thành sẽ đóng góp có ích cho cộng đồng, hạn chế tối đa những hành vi vô thức, tiêu cực đối với xã hội. Xuất phát từ nguyên tắc đó, Phần Lan đầu tư lớn cho giáo dục, đúng với nghĩa "ưu tiên hàng đầu".
Giáo dục Phần Lan tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi học sinh. Mạng lưới nhà trường rộng lớn và các dịch vụ không có bất kỳ một sự phân biệt nào. Giáo dục cơ bản là hoàn chỉnh và miễn phí từ tiểu học đến đại học. Phụ huynh học sinh không đóng học phí nhưng phải đóng thuế bình quân lên đến 30% trong tổng thu nhập để lo cho các phúc lợi xã hội, trong đó có giáo dục. Người đi học không phải trả tiền và trong suốt thời kỳ giáo dục bắt buộc chín năm, bắt đầu từ bảy tuổi, học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại các nhà trường địa phương được hưởng các bữa ăn miễn phí. Ngoài ra, học sinh còn được miễn phí sách, các tư liệu học tập và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những học sinh đi học xa nhà (hơn 5 km) hoặc đường đi nguy hiểm được miễn phí tiền phương tiện... Ở tất cả các cấp học, giáo viên đều có chất lượng cao, nhiệt huyết và tận tâm. Bằng Thạc sĩ và chứng chỉ thực hành sư phạm là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông.
Qua khảo sát thực tế, nhiều yếu tố tổng hợp đã giúp cho Phần Lan có được thành công về mặt giáo dục, trong đó có những yếu tố đặc thù mà các nước khác khó có thể có được. Chẳng hạn như dân số không đông, lại tương đối đồng nhất, và phần lớn dân chúng có mức sống khá sung túc. Một yếu tố đặc biệt quan trọng mà chúng ta có thể học được ở Phần Lan là tinh thần dân chủ trong công tác giáo dục của quốc gia Bắc Âu này. Bộ Giáo dục Phần Lan xác định: Nguyên tắc chỉ đạo của nền giáo dục Phần Lan là sinh hoạt dân chủ, lấy học sinh làm gốc. Các trường không hề thực hiện việc tuyển chọn học sinh trong bất cứ giai đoạn nào. Tất cả học sinh được học chung một lớp và hoàn toàn không có phân biệt trường chuyên, lớp chọn, "học sinh ngồi nhầm lớp" hoặc lưu ban hay học nhảy cóc lớp. Học sinh Phần Lan không phải thi cử nhiều như ở Việt Nam. Dĩ nhiên là các em phải tham gia những cuộc trắc nghiệm trong lớp hoặc những cuộc khảo hạch ở trường, nhưng kỳ thi toàn quốc đầu tiên mà học sinh Phần Lan phải trải qua là kỳ thi tốt nghiệp trung học. Học sinh được tự do lựa chọn những gì các em muốn học và tự quyết định việc nên học tiếp bậc trung học phổ thông hay vào học ở các trường chuyên nghiệp. Sự hướng dẫn của các nhà tư vấn sẽ giúp cho học sinh cấp trung học phổ thông trong việc học tập và lựa chọn bậc học cao hơn. Giáo viên chỉ hướng dẫn các em trong việc lựa chọn cho phù hợp với khả năng, sở trường phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Từ kinh nghiệm của Phần Lan, được biết, Việt Nam bước đầu đầu tư gần 10 tỷ đồng để tham gia Chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh (tức là theo PISA) vào năm 2012. Chương trình này được kỳ vọng sẽ có cơ sở để đánh giá, so sánh, "bắt mạch" nền giáo dục phổ thông quốc tế, từ đó giúp hoạch định chính sách và chiến lược giáo dục của Việt Nam.
Chương trình được triển khai trong ba năm, bắt đầu từ năm 2010 nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng trong ba lĩnh vực: đọc hiểu, toán và khoa học. Ðây là những lĩnh vực được coi là cần thiết cho cuộc sống sau khi kết thúc học trung học cơ sở. Số lượng học sinh tham gia khảo sát theo PISA khoảng từ 4.500 đến 10 nghìn ở mỗi nước.
(Theo VŨ XUÂN BÂN // Nhandan Online)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.