Theo Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam (giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020) thì đến năm 2010 chỉ tiêu về nhân lực y tế trong 10.000 dân phải đạt trên 7 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học. Thế nhưng, hiện nay ở ĐBSCL, tỷ lệ này còn rất thấp, bình quân 10.000 dân chỉ có 4,7 bác sĩ và 0,3 dược sĩ đại học. Trong khi đó, mạng lưới y tế cơ sở công lập và ngoài công lập ngày càng phát triển; nhu cầu được chăm sóc, khám chữa bệnh của người dân cũng ngày càng cao. Vì vậy, vấn đề đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành y đang là bài toán nhiều “ẩn số” đối với các nhà quản lý...
* Vùng “trũng” về nhân lực
Theo báo cáo tổng hợp về tình hình nhân lực y tế ở các tỉnh, thành ĐBSCL của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (ĐHYD CT) thì đến cuối năm 2009, toàn vùng có 8.470 bác sĩ, gần 6.000 dược sĩ. Trong đó, số bác sĩ có trình độ sau ĐH chiếm gần 3%, còn dược sĩ chiếm 1,82%. Theo nhận xét của bà Lê Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, so với cả nước thì ĐBSCL có 3 “trũng” lớn: y tế, giáo dục và khoa học công nghệ, trong đó nhất là về lĩnh vực y tế. Bởi lẽ, mạng lưới y tế cơ sở công lập và ngoài công lập của vùng đã phát triển khá rộng, nhưng nguồn nhân lực chuyên môn vẫn còn thiếu cả về chất lẫn lượng. ĐBSCL chỉ có 4 địa phương có tỷ lệ từ 5,3 bác sĩ/ 10.000 dân trở lên, tỉnh Vĩnh Long chỉ có 4,6 bác sĩ/ 10.000 dân.
Sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ trong giờ học thực hành. |
Sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ trong giờ học thực hành.Trên thực tế, tại TP Cần Thơ- trung tâm của vùng, được xem là có tỷ lệ bác sĩ/ 10.000 dân cao nhất vùng, nhưng cũng chỉ đạt 6,4 bác sĩ. Tỷ lệ giữa bác sĩ và điều dưỡng cũng chưa hợp lý; còn thiếu cử nhân điều dưỡng, dược sĩ ĐH và kỹ thuật viên, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở. Theo thống kê của Trường ĐHYD CT, cán bộ điều dưỡng có trình độ ĐH chỉ chiếm 2,34%. Còn nếu so với tỷ lệ cán bộ điều dưỡng trong 10.000 dân chỉ đạt mức 3,2 người. Ông Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, lực lượng cán bộ điều dưỡng phục vụ tại các cơ sở y tế thiếu trầm trọng, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị bệnh cho người dân. Ví dụ như, khi thành lập Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, trên cơ sở nâng cấp Bệnh viện 30-4, không có một cử nhân điều dưỡng. Chúng tôi phải điều một cán bộ ở Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ về làm điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Hằng năm, tỷ lệ cán bộ y tế về hưu còn nhiều hơn tỷ lệ sinh viên ra trường. Như vậy, các trường Y đào tạo theo lộ trình như bây giờ thì không thể đáp ứng yêu cầu”.
Tại Hội nghị đào tạo nhân lực y tế năm 2010, do Trường ĐHYD CT tổ chức vào đầu tháng 6-2010, nhiều đại biểu đại diện UBND, Sở y tế các tỉnh, thành ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ cũng thừa nhận thực trạng thiếu nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực y tế. Theo PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐHYD CT, ĐBSCL là một vùng đang có nhiều tiềm lực phát triển. Vì thế, nhu cầu về nguồn nhân lực y tế để đảm bảo chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân là hết sức bức thiết”.
* Để tháo gỡ khó khăn
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ y tế là công tác đào tạo, cơ chế quản lý đang gặp nhiều khó khăn. ĐBSCL có duy nhất Trường ĐHYD CT để đào tạo cán bộ y tế cho toàn vùng. Năm 2009, trường có gần 400 bác sĩ đa khoa ra trường. Như vậy, bình quân mỗi tỉnh, thành chỉ có hơn 30 bác sĩ về phục vụ. Năm nay, Trường ĐHYD CT dự kiến tuyển 908 sinh viên, tăng khoảng 10% so với năm 2009, nhưng Bộ GD&ĐT chỉ cho phép tuyển 800 sinh viên. PGS.TS Phạm Văn Lình phân tích: “Lãnh đạo Trung ương, địa phương đều thấy rõ ĐBSCL đang thiếu trầm trọng nguồn cán bộ y tế, nên việc tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh cho trường là hợp lý. Mặt khác, nguồn nhân lực, vật lực hiện nay của trường đủ đáp ứng yêu cầu tăng chỉ tiêu đào tạo”. Trường ĐHYD CT hiện đang tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập. Sắp tới, các khoa y, khoa học, cơ bản,... sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đủ đáp ứng yêu cầu phục vụ cho nâng cao qui mô đào tạo.
Lãnh đạo UBND, Sở Y tế nhiều tỉnh, thành ĐBSCL cho rằng: Bộ Y tế than là thiếu trầm trọng nguồn nhân lực y tế cần phải tăng chỉ tiêu, mở rộng ngành nghề đào tạo cho các trường Y, nhưng khi phê duyệt chỉ tiêu thì do Bộ GD&ĐT quyết định, rồi cắt giảm bớt lại. Đây là một nghịch lý “một bên đạp ga, một bên đạp thắng”. Bà Lê Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT nên giao chỉ tiêu hằng năm cho các trường Y quyết định, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Nếu nguồn lực của trường Y không đủ đáp ứng thì có thể huy động từ nguồn xã hội hóa. UBND các tỉnh có vai trò quan trọng trong việc kiến nghị hai Bộ về vấn đề này”. Còn theo ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, khả năng đào tạo của các trường Y trên cả nước rất nhiều nhưng chưa tận dụng hết, nên chăng phải tăng chỉ tiêu hằng năm. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi giảng viên, sinh viên ngành Y để thu hút mạnh mẽ người học, lẫn người dạy.
Ông Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho rằng: “TP Cần Thơ là 1 trong 5 vùng trọng điểm của cả nước, nên việc tăng 10% chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm cho Trường ĐHYD CT là hợp lý. Song, việc tăng chỉ tiêu không ồ ạt nhằm đảm bảo chất lượng. Tăng chỉ tiêu đào tạo phải cùng lúc tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập cho các trường. Đơn cử như cơ sở vật chất của Trường ĐHYD CT, nếu như đầu tư “nhỏ giọt” như những năm trước đây thì không biết bao giờ mới có được cơ sở vật chất hoàn chỉnh”. Còn theo ông Huỳnh Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, đào tạo sinh viên ở các trường Y còn nặng đào tạo “thầy” hơn “thợ” và chưa tính đến việc 1 bác sĩ phải cần có bao nhiêu người (điều dưỡng, kỹ thuật viên) trong ê-kíp phục vụ khám, điều trị bệnh cho người dân. Do vậy, các trường phải tính đến việc cơ cấu trong đào tạo các ngành nghề cho đồng bộ, nhất là đào tạo bác sĩ phục vụ cho các bệnh viện chuyên khoa khó tuyển như: lao, tâm thần, pháp y,... Và chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành nhiều cho sinh viên.
Theo ông Võ Văn Tám, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, đối với ĐBSCL, phương án đào tạo của trường Y không nên nhắm vào hệ chính qui mà cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo để tạo thuận lợi cho các tỉnh từ bây giờ và những năm tiếp theo. Tỉnh Tiền Giang, bác sĩ chính qui có không ít nhưng sức hút về các thành phố lớn như Cần Thơ, Hồ Chí Minh rất mạnh. Điều này dẫn đến tình trạng các tỉnh khó khăn về nguồn nhân lực lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt là nhân lực phục vụ cho khám điều trị lao, tâm thần... “Từ khi thành lập bệnh viện Lao, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đến nay, không có bác sĩ chính qui về công tác, vì không thể thu hút được, chủ yếu là bác sĩ chuyên tu nên không có hệ liên thông thì khó thu hút nguồn nhân lực”- Ông Tám phân tích.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y là điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Gần 3% bác sĩ có trình độ sau đại học; 1,82% dược sĩ có trình độ sau đại học;... và trong 10.000 dân thì chỉ có trên 7 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học - là những con số đầy bức xúc về thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐHYD CT, cho rằng: “Trường sẽ tiếp tục đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế tăng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm từ 10%-15%. Đồng thời, trường sẽ đa dạng hóa loại hình đào tạo; mở thêm một số chuyên ngành mới... để góp phần đáp ứng nguồn nhân lực y tế hiện nay. Tuy nhiên để làm được điều này rất cần sự góp sức của lãnh đạo UBND, Sở Y tế các tỉnh”.
(Bài, ảnh: BÍCH KIÊN // Cantho Online)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.