Đối với những ai đã trót yêu bát nước chè xanh, hay một ấm trà mạn nóng trong những buổi sáng gió mùa đông bắc tràn về và thấm thía những đạo lý bên trong cái thói quen uống trà, mời trà của dân tộc thì “Khoa học văn hóa trà thế giới và Việt Nam” sẽ là cuốn sách đáng để đọc.
Nói đến thói quen uống trà của người Việt, theo các tác giả của cuốn sách thì đầu tiên phải nói đến nước chè xanh. Chắc hẳn nhiều người hiện mới ở tuổi ngoại tam tuần thôi cũng vẫn nhớ những ấm chè xanh mà các bà, các cô vẫn bán hàng sáng, hàng trưa cho những công chức nghèo, những người phu khuân vác, những bà buôn thúng, bán mẹt đang trong cơn khát, hay cả những ai đang rảnh rỗi, ngồi chờ những chuyến tàu, xe...
Ở nông thôn, mỗi sáng mở mắt, anh nông dân lại uống một bát chè xanh đặc đến sủi tăm do vợ hãm từ sớm và “ăn” một điếu thuốc lào để có sức khỏe ra đồng cho đến tận bữa trưa. Chè xanh cách uống rất bình dân như vậy, nên cách nấu chè cũng rất bình dân. Lá chè, thậm chí là cả cành được hái xuống rửa sạch, vò nát cho vào nồi đất, lấy nước sôi trần qua, rồi đổ nước sôi già vào hãm hoặc đun sôi thêm một lúc cho đặc sánh. Uống vào một lúc thấy ngọt lịm trong cuống họng cứ như ngâm đường phèn, mát gan, mát phổi.
Bẵng đi một thời gian đến gần hai chục năm, chè xanh vắng bóng tại các thành phố, thay vào đó là trà mạn, hay còn gọi là cách uống trà theo kiểu Tàu. Mãi đến gần đây, khi những tác dụng phòng bệnh của chè xanh được nghiên cứu và công bố nhiều hơn, thì bát chè xanh mới trở lại trong thói quen uống trà buổi sớm của nhiều gia đình.
Vậy, cách uống trà theo kiểu Tàu đã xuất hiện tại Việt Nam từ bao giờ? Vì sao cách uống trà mà Nguyễn Tuân đã miêu tả trong những thiên truyện nổi tiếng: “Chiếc ấm đất”, “Chén trà sương” trong tập truyện “Vang bóng một thời” của mình lại phổ dụng và chiếm ưu thế trong phong tục uống trà của người Việt. Loại chè Ô Long nổi tiếng nên được pha chế và thưởng thức trong một không gian ra sao? Những thông tin này được các tác giả chuyển tải đến người đọc khá chi tiết trong cuốn sách.