Di sản văn hóa dân tộc: Tinh thần “ngũ quốc” trong hành trang lớp trẻ
Cả nước hiện có gần 4 vạn di tích, trong đó gần 3.000 di tích và danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; hơn 130 bảo tàng, lưu giữ hơn 2 triệu hiện vật… tuy nhiên, các giá trị của những di sản văn hóa này chưa được phát huy, công chúng, đặc biệt là giới trẻ, chưa thật sự quan tâm và được hưởng thụ đầy đủ các lợi ích vật chất và tinh thần do các họat động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa mang lại.
Sự phối hợp liên ngành văn hóa- giáo dục đã được hình thành từ lâu thông qua nhiều văn bản ký giữa hai Bộ Văn hóa (nay là Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Giáo dục và Đào tạo, song việc thực hiện nội dung các văn bản này cho đến nay vẫn chưa thật sự được triển khai hiệu quả ở các cấp cơ sở, như chính đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận.
“Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Đó là tinh thần cuộc tọa đàm sáng 22-11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ các họat động của Ngày di sản văn hóa Việt Nam- Ngày về nguồn (23-11) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đòan TNCS Hồ Chí Minh và Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức.
Vị trí của môn học lịch sử trong nhà trường chưa thật sự được coi trọng, nên dẫn đến hệ quả là chương trình dã ngoại, tham quan các điểm di tích, bảo tàng… được thực hiện tùy theo ý thích và sự sắp xếp của các nhà trường. Các điểm di tích, đã được quy định là phải miễn giảm giá vé tham quan cho đối tượng học sinh, nhưng nơi thực hiện, nơi không…
Ngay cả khi các trường đã nghiêm túc thực hiện chương trình đưa học sinh đi tham quan các bảo tàng, thì theo một cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết, các buổi tham quan hầu hết đều mang tính hình thức, vì cả nghìn em học sinh dồn đến một lúc, ít nhất cũng là khoảng 500-600 em, thì dẫu các cán bộ bảo tàng có cố gắng hết sức, “gân cổ, khản giọng” cũng không thể chuyển tải các thông tin về hiện vật đầy đủ và thuyết phục đến tất cả các em.
Trong khi đó, một so sánh nho nhỏ, các trường quốc tế tại Hà Nội, và một số trường tư, thường đưa học sinh đi tham quan bảo tàng theo từng tốp nhỏ, chỉ khoảng 20-30 em, chắc chắn, hiệu quả sẽ khác. Tất nhiên, theo một cán bộ bảo tàng thừa nhận, các bảo tàng hiện nay, hầu hết đều chưa đưa ra được những chương trình thu hút sự quan tâm theo từng lứa tuổi, và không gian bảo tàng cũng mới chỉ được thiết kế chú ý đến việc phục vụ cho nhu cầu tương đối của tất cả các đối tượng khách thăm.
Việc tiến hành giáo dục kiến thức lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ cũng cần có những hình thức linh họat, sáng tạo để hấp dẫn các em. Cách làm của Tp Hồ Chí Minh, phổ biến kiến thức về các danh nhân văn hóa của đất nước thông qua các tờ phướn treo trên các đường phố cũng là một cách làm sáng tạo, sinh động.
Có thầy giáo đề nghị cần nghiên cứu hạn chế các tiết học trên lớp, mà đưa các giờ học lịch sử ra ngòai sân trường, hay đến các di tích, bảo tàng, vừa có dẫn chứng sinh động, vừa tạo sự hứng thú, mới lạ cho học sinh. Sau các buổi học dã ngoại thì kiểm tra kiến thức học sinh bằng cách viết bài thu hoạch. Cần làm cho học sinh hiểu: con người không chỉ cần ngũ cốc, mà cũng không thể thiếu ngũ quốc (quốc ca, quốc kỳ, quốc huy, quốc văn và quốc sử)….
Từ tháng 5-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, trong đó có nội dung gắn học sinh với việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã lần lượt tiến hành việc tổ chức cho các trường trung học cơ sở và phổ thông trung học đăng ký góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại địa phương mình, nghiên cứu đưa các trò chơi dân gian vào trường học.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết, Sở đã giao trách nhiệm cho trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương chịu trách nhiệm liên kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của di tích đền thờ Chu Văn An. Trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương còn có nhiệm vụ liên kết với các trường cao đẳng sư phạm trên toàn quốc tổ chức lễ dâng hương hằng năm tại di tích này. Tỉnh cũng đã lập danh sách các di tích trên địa bàn và các trò chơi dân gian của Hải Dương để lên kế hoạch phổ biến cho các trường trong tỉnh.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình này đang gặp khó khăn do vấn đề kinh phí, khi mà theo quy định hiện hành, thì kinh phí để các trường tổ chức thực hiện đều do các trường tự bỏ ra, mà nếu thu thêm từ học sinh thì sẽ vấp phải sự phản đối của phụ huynh. Chính vì vậy, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cũng kiến nghị cần phải có cơ chế thích hợp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường.
Phối hợp chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đang vào cuộc, tích cực vận động học sinh, thanh niên tham gia bằng cách phát động các phong trào thi đua, các họat động giáo dục mang tính phổ biến rộng rãi như cắm trại, tham quan dã ngoại về nguồn, hội diễn, liên hoan nghệ thuật, thể thao hay chương trình tập huấn, bồi dưỡng thanh thiếu niên về kiến thức bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Quá khứ là bệ đỡ cho hiện tại và tương lai. Việc giáo dục kiến thức lịch sử cho 24 triệu học sinh, sinh viên Việt Nam đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách, để tạo dựng nền tảng kiến thức toàn diện cho sự phát triển lành mạnh của thế hệ tương lai.
(Theo báo Nhân Dân )