Phòng, chống dịch bệnh thủy sản: Chưa được coi trọng đúng mức
Phòng chống dịch bệnh thủy sản đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách trong bối cảnh nước ta tiếp tục tăng sản lượng xuất khẩu, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, hệ thống quản lý, giám sát dịch bệnh thú y thủy sản ở các địa phương lại chưa thống nhất và xuyên suốt, thiếu đội ngũ cán bộ, thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách trong thú y thủy sản... Những tồn tại này đang là mối lo lớn và cản trở ngành phát triển.
Hụt hơi trong ngăn chặn dịch bệnh
Chăm sóc tôm sú tại xã Hải Chính, huyện Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: Huy Hùng
Thời gian qua dịch bệnh thủy sản vẫn thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi trồng. Điển hình nhất là con tôm, dù đây là mặt hàng chiến lược với giá trị xuất khẩu lớn nhưng lại là loài nuôi chứa đựng nhiều rủi ro nhất vì dịch bệnh luôn có thể bùng phát. Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, mặc dù năm 2010 diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại do môi trường, dịch bệnh đã giảm đáng kể so với những năm trước nhưng vẫn ở mức cao với 60.000ha. Đặc biệt, trong khoảng tháng 2 và tháng 3-2010, tỉnh Long An có diện tích tôm chết 1.153,23ha, chiếm 49% diện tích thả nuôi, trong đó, tôm chân trắng thiệt hại chiếm 79,6% và tôm sú 61,8%. Tương tự, dịch bệnh cũng xảy ra ở nhiều đối tượng nuôi khác như ngao, cá, tôm càng xanh, tôm hùm... ở các địa phương. Nhiều chuyên gia lĩnh vực thủy sản cho rằng, do người dân mua giống giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm tra chất lượng; thả nuôi không tuân thủ đúng quy định mùa vụ, quy trình kỹ thuật, công tác cải tạo ao nuôi chưa tốt... Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay lại nằm ở công tác phòng chống, kiểm soát, dập tắt dịch bệnh trong thủy sản chưa có sự đầu tư đúng mức hoặc hoạt động không hiệu quả. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, dịch bệnh xảy ra nhưng người nuôi trồng thủy sản vẫn phải âm thầm chịu đựng tổn thất. "Khi có dịch bệnh với vật nuôi trên cạn, cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông vào cuộc để dập tắt, người nuôi được đền bù thiệt hại… Nhưng với lĩnh vực thủy sản thì người nuôi hoàn toàn mất trắng dù thiệt hại rất lớn" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết.
Thực tế ở các địa phương cho thấy, mạng lưới thú y từ trung ương đến cơ sở còn nhiều bất cập, cán bộ chuyên trách công tác thú y thủy sản mỏng, thậm chí có nơi không có. Hiện ngành này vẫn chưa có phác đồ điều trị nhiều dịch bệnh phổ biến trên vật nuôi thủy sản, chưa có phòng thí nghiệm chuẩn và phòng tham chiếu quốc gia… Đại diện Sở NN&PTNT nhiều tỉnh, TP cũng cho rằng, với cơ chế như hiện nay, việc giám sát, phát hiện và quản lý dịch bệnh rất khó khăn. Cơ cấu tổ chức lĩnh vực thú y, thủy sản thiếu quá nhiều cán bộ chuyên ngành. Mặc dù nhiệm vụ rất nặng nề nhưng tại Cục Thú y hiện chỉ có 14 cán bộ thuộc các phòng, ban chuyên môn phụ trách lĩnh vực này, trong khi thống kê ở 52 địa phương cũng mới có 206 cán bộ được giao quản lý thú y thủy sản. Đối với cấp huyện mới có các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Kiên Giang có cán bộ chuyên trách.
Hướng đến chuyên môn, chuyên trách
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, vấn đề chuyên môn hóa cán bộ quản lý dịch bệnh thủy sản là yêu cầu tất yếu, vì đây là lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành. Tại đề án phát triển thú y thủy sản từ nay đến năm 2015, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xây dựng hệ thống phòng xét nghiệm bệnh đủ năng lực từ trung ương tới địa phương, tăng cường năng lực về con người cũng như trang thiết bị phục vụ công tác thú y thủy sản. Theo đó, đề án sẽ nâng cao năng lực và phân cấp chẩn đoán của hệ thống chẩn đoán thú y thủy sản ở Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương, cơ quan thú y vùng, Chi cục Thú y tỉnh, Trạm Thú y huyện nhằm phát hiện nhanh, chính xác dịch bệnh. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, phấn đấu đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ về bệnh động vật thủy sản trở thành lực lượng nòng cốt cho các trung tâm, phòng chẩn đoán xét nghiệm bệnh về thủy sản; thiết lập mạng lưới phòng xét nghiệm chẩn đoán bệnh thủy sản, chú trọng bệnh tôm và các đối tượng nuôi chủ lực khác như cá tra, ngao...
Chỉ đạo vấn đề này tại hội nghị toàn quốc về thú y thủy sản vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội - Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ rõ, việc cần làm ngay lúc này là điều chỉnh lại hệ thống quản lý nhà nước trên cơ sở phù hợp với pháp luật trong nước, thông lệ quốc tế và trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một trong 10 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Vì vậy, cần tăng cường bộ máy nhân sự quản lý thống nhất, tránh chồng chéo, phân công phù hợp với năng lực cán bộ để phát huy hiệu quả cao nhất. Bộ trưởng Cao Đức Phát thống nhất việc kiểm dịch các mặt hàng thủy sản, thuốc thú y ở biên giới giao cho Cục Thú y chịu trách nhiệm; kiểm dịch trong nước và quản lý phòng, chống dịch bệnh, Cục Thú y cùng Tổng cục Thủy sản rà lại các văn bản để làm rõ, có phương án điều chỉnh phù hợp. Trước mắt, để khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ thú y thủy sản chuyên trách, Bộ trưởng đề nghị chọn kỹ sư nuôi trồng thủy sản đào tạo thêm về chuyên ngành thú y thủy sản, về lâu dài tiến tới đào tạo bác sỹ thú y thủy sản tại các hệ thống trường đại học.
(Theo Chí Đạo/HNMO)