Khối đồng tiền chung châu Âu hiện đang đi vào vết xe đổ mà hệ thống tài chính toàn cầu hồi những năm 1982 và 1997 mắc phải. Đó là nhận định của tỷ phú Geogre Soros.
LTS: Tỷ phú George Soros là Chủ tịch của Quỹ quản lý mang tên ông đồng thời là Chủ tịch của Viện Xã hội mở, ông là người đi tiên phong trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và được cho là người đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng tiền tệ tại khu vực châu Á năm 1997. Soros đồng thời là tác giả của một số cuốn sách và bài phân tích về tình hình kinh tế thế giới, VEF trân trọng giới thiệu những phân tích của ông về cuộc khủng hoảng tại châu Âu hiện nay.
Nhớ lại vào năm 1999, khi đồng euro được đưa vào lưu hành, giới lãnh đạo châu Âu đã cho phép các ngân hàng mua không hạn chế số lượng trái phiếu chính phủ. ECB lúc đó đã đưa tất cả trái phiếu chính phủ khu vực đồng tiền chung về cùng một thời hạn với cùng mức lãi suất. Vậy là, lợi dụng sự đồng quy đơn giản này, các ngân hàng thương mại đã đầu tư vào những trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế yếu trong khu vực để ăn chênh lệch và kiếm lợi.
Cũng trong thời gian đó, khi Đức nhanh chân tiến hành những cải cách về cơ cấu và trở nên cạnh tranh hơn, thì các quốc gia khác lại tỏ ra hài lòng với sự bùng nổ của thị trường nhà đất và tiêu dùng nhờ các khoản tín dụng rẻ và vô tình tự làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính lối sống và tư duy đó đã đưa tới sự đổ vỡ trên thị trường tài chính tiền tệ vào năm 2008. Các chính phủ đã buộc phải hỗ trợ ngân hàng của mình mà nhiều trong số đó đã phải gánh chịu những khoản nợ vượt ngoài tầm kiểm soát. Với những cách điều hành nền kinh tế khác nhau và sự chênh lệch về tính hiệu quả của nền kinh tế vĩ mô, châu Âu đã bị chia rẽ thành hai bộ phận: Chủ nợ và những con nợ.
Phải đến khi thị trường tài chính phát hiện ra rằng ngay cả các trái phiếu chính phủ có ít rủi ro nhất cũng có thể bị thua lỗ, giới tài chính liền tung tiền ra cứu trợ. Điều đó làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ của các ngân hàng thương mại với bảng cân đối tài sản vốn đã dày đặc các khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Một nguy cơ khủng hoảng kép xuất hiện: khủng hoảng nợ công và khủng hoảng hệ thống ngân hàng.
Châu Âu đang đi vào vết xe đổ
Khối đồng tiền chung châu Âu hiện đang đi vào vết xe đổ mà hệ thống tài chính toàn cầu hồi những năm 1982 và 1997 mắc phải. Trong cả hai giai đoạn này, quốc tế đã nỗ lực bảo vệ cái gọi là trung tâm của nền kinh tế thế giới và gây khốn đốn cho những nền kinh tế "ngoại vi". Đó cũng là điều mà Đức, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, vô tình hay hữu ý đang cố thực hiện.
Có thể khác nhau về chi tiết hay cách làm nhưng ý tưởng thì giống nhau, đó là: các chủ nợ ấn vào tay con nợ của mình toàn bộ gánh nặng cải tổ trong khi đó "khu vực trung tâm" lại né tránh trách nhiệm đối với những mất cân đối vĩ mô do chính họ gây ra. Điều thú vị là những thuật ngữ "khu vực trung tâm" và "ngoại vi" được mặc nhiên thừa nhận trong ngôi nhà chung châu Âu, nơi ý tưởng tốt đẹp về sự nhất thể hóa vốn được coi là nền tảng cho sự ra đời của tổ chức này.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở châu Âu, trách nhiệm của khối nền kinh tế trung tâm thậm chí còn lớn hơn so với những năm 1982 hay 1997, bởi họ là tác giả tạo ra lỗ hổng trong hệ thống tiền tệ đồng thời lại thất bại trong việc hàn gắn những khiếm khuyết đó. Vào những năm 1980, Mỹ Latin đi sai đường mất một thập kỷ và có vẻ như số mệnh tương tự đang chờ đợi châu Âu.
Tài sản và các khoản nợ của châu Âu hiện đã hòa lẫn vào nhau và tồn tại dưới danh nghĩa một đồng tiền chung, sự tan rã của khối liên minh này chắc chắn sẽ là một cuộc khủng hoảng không thể kiểm soát. Cùng với sự phát triển của cuộc khủng hoảng, hệ thống tài chính ngày càng có xu hướng tái cấu trúc theo chính sách của từng quốc gia, xu hướng này đang có thêm lực đẩy trong những tháng gần đây.
Kế hoạch tái cấp vốn dài hạn của ECB đang tạo điều kiện để các ngân hàng của Tây Ban Nha và Italia mua lại chính trái phiếu chính phủ của các quốc gia này và kiếm lời từ các khoản chênh lệch giá. Đồng thời, các ngân hàng lại thích chuyển tài sản của mình ra khỏi biên giới quốc gia trong khi giới quản lý rủi ro thì ưu tiên đối phó với các khoản nợ trong nước hơn là tập trung giải quyết các vấn đề chung của Eurozone.
Cuộc khủng hoảng đang tiếp tục lan rộng, những căng thẳng trên thị trường tài chính đã đạt ngưỡng mới trong thời gian gần đây. Đáng chú ý nhất là Anh, với quan điểm giữ quyền kiểm soát đối với đồng nội tệ, ngành ngân hàng nước này chỉ đạt được nguồn lợi nhuận thấp nhất trong lịch sử khi chi phí đền bù rủi ro cho trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha đã lên mức cao nhất.
Trong khi nền kinh tế của Eurozone đang lao dốc thì riêng Đức lại tiếp tục tăng trưởng. Điều đó có nghĩa là khoảng cách giữa nhóm trung tâm và ngoại vi ngày càng xa. Những động thái chính trị, xã hội cũng đang hướng tới một sự chia rẽ trong khối. Dư luận chung, phản ánh qua các kết quả bầu cử ở Hy Lạp, Pháp, đang ngày càng phản đối chính sách khắc khổ và xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trừ phi có sự đảo lộn trong đời sống chính trị châu Âu.
Liên minh ngân hàng sẽ là lối thoát cho châu Âu
Theo đánh giá của tôi, giới lãnh đạo châu Âu chỉ có 3 tháng để sửa chữa những sai lầm và đảo ngược xu hướng hiện nay. Để làm được điều này cần có những giải pháp chính trị đặc biệt để đưa tình hình trở lại bình thường. Châu Âu cần tuân thủ những hiệp ước đã có và phải tiến hành cải cách một cách kiên định, liên tục nhằm ngăn chặn sự trở lại của mất cân bằng vĩ mô. Đây là một nhiệm vụ khó khăn nhưng không phải là không thể.
Eurozone cần một liên minh ngân hàng. Liên minh này sẽ đóng vai trò như một mô hình ký quỹ-bảo hiểm nhằm ngăn chặn sự thất thoát của dòng vốn tư bản, là một nguồn cung cấp tài chính cho các ngân hàng trong quá trình tái tư bản hóa và đó cũng là một cơ chế giám sát và điều chỉnh của toàn khu vực. Những quốc gia có mức nợ công lớn cần phải giảm chi phí tài chính và Đức cần đóng vai trò hỗ trợ tích cực trong quá trình này.
Nhưng khó khăn cũng nảy sinh từ đây, giới chức Đức đang cố gắng thỏa mãn những những đề xuất Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu EU sẽ tổ chức vào cuối tháng 6 tới. Tuy nhiên, các dấu hiệu tới nay đều cho thấy không nên đặt nhiều hy vọng vào Hội nghị thượng đỉnh của EU sắp tới, bởi khó có một giải pháp sẽ thỏa mãn được yêu cầu của tất cả các bên.
Một cản trở khác đó là cuộc khủng hoảng Hy Lạp có thể đẩy lên đến cực điểm ngay cả khi chính phủ mới sẵn sàng tuân thủ những thỏa thuận đã có với các chủ nợ. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Đức cũng sẽ bị suy yếu và Thủ tướng Merkel sẽ gặp nhiều khó khăn để thuyết phục người Đức chấp nhận thêm gánh nặng.
Tuy nhiên, trừ phi trong trường hợp có một vụ đổ vỡ lớn tầm cỡ như Lehman Brothers, Đức vẫn có thể giữ khối euro không bị phân rã. Dẫu vậy, EU cũng sẽ trở thành một thực thể khác đi rất nhiều so với hình ảnh về một xã hội mở mà nhiều người tưởng tượng. Sự chia rẽ giữa giới chủ nợ và người đi vay (là các quốc gia) sẽ trở nên rõ rệt hơn, trong đó Đức cầm đầu các quốc gia cho vay và những quốc gia ngoại vi trở thành những nền kinh tế trì trệ.
Điều cần thiết với châu Âu hiện tại đó là giới chức tài chính châu Âu phải sẵn sàng giảm gánh nặng nợ cho các nền kinh tế ngoại vi và thiết lập một liên minh ngân hàng. Cắt giảm nợ có thể được tiến hành bằng nhiều cách khác ngoài hình thức phát hành Eurobond và cần tùy thuộc vào khả năng tuân thủ các thỏa thuận tài chính của quốc gia vay nợ. Việc rút lui từng phần khỏi các gói trợ cấp trong trường hợp chúng không phát huy hiệu quả cũng là một giải pháp bảo vệ an toàn trước rủi ro.
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.