Phương pháp mới điều trị ung thư phổi
Có hai loại ung thư phổi: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ, tuỳ thuộc vào hình dạng tế bào dưới kính hiển vi. Mỗi loại ung thư phát triển và lan theo những cách khác nhau và được điều trị khác nhau.
Ung thư phổi tế bào nhỏ có thể lây lan nhanh chóng đến các bộ phận khác của cơ thể ngay từ khi mới mắc bệnh. Trong khi đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ phát triển chậm hơn và phổ biến hơn, chiếm gần 90% của tất cả các bệnh ung thư phổi. Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư phổi là điều mà các bác sĩ và người dân quan tâm nhất. Vấn đề này đã được nêu tại hội thảo khoa học: “Bước đột phá trong điều trị bước 1 ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) có đột biến hoạt hóa EGFR” tại Hà Nội. Hội thảo do PGS.TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai - Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai làm chủ tọa cùng với các chuyên gia hàng đầu về ung thư phổi thế giới.
Theo Giáo sư - Bác sĩ Fillippo De Marinis, Giám đốc đơn vị Ung thư - Hô hấp thuộc Bệnh viện San Camillo & Forlanini (Italia): “UTPKTBN có đột biến hoạt hóa EGFR sẽ làm cho bệnh trở nên trầm trọng thêm với mức độ ác tính mạnh hơn và thời gian sống của bệnh nhân ngắn hơn cũng như đáp ứng với hóa trị liệu thông thường kém hơn, mặt khác các nghiên cứu về sinh học phân tử cũng chỉ ra rằng đột biến hoạt hóa EGFR cũng sẽ làm cho đáp ứng điều trị với các thuốc ức chế tyrosine kinase của EGFR hay còn gọi là các TKI sẽ tốt hơn. Do vậy cần phải tiến hành làm xét nghiệm tìm đột biến hoạt hóa EGFR trên các tế bào ung thư của bệnh nhân UTPKTBN, và nếu kết quả xét nghiệm dương tính nghĩa là có các đột biến hoạt hóa EGFR trên các tế bào ung thư của bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ có đủ điều kiện sử dụng thuốc erlotinib để điều trị bước 1 UTPKTBN giai đoạn tiến xa hoặc di căn”.
Việc điều trị UTPKTBN ở giai đoạn tiến xa trước đây vẫn thường được biết đến với phương pháp hóa trị hoặc xạ trị. Tuy nhiên các phương pháp này có một số hạn chế như thời gian sống của bệnh nhân thường ngắn, thông thường dưới 1 năm và chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề vì người bệnh phải gánh chịu nhiều tác dụng phụ của các thuốc gây độc tế bào đặc biệt là các tác dụng phụ trên tủy xương, gây ra tình trạng thiếu máu, chảy máu và giảm sức đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến các bội nhiễm như nhiễm khuẩn huyết làm cho bệnh nhân sớm tử vong....
PGS-TS Mai Trọng Khoa cũng cho biết: Nếu đã có di căn, hoặc đã thất bại với điều trị hóa chất trước đó... và có xét nghiệm EGFR dương tính thì người bệnh có chỉ định điều trị nhắm trúng đích với các thuốc phân tử nhỏ. Thuốc sẽ được chỉ định điều trị theo từng trường hợp bệnh nhân. Loại thuốc này có khả năng đi qua màng thế bào, ngăn cản quá trình tăng sinh mạch, “bắt” tế bào phải chết theo chương trình được lập sẵn, giảm khả năng di căn của bệnh nhân... Tại BV Bạch Mai, BV K, BV Ung bướu TPHCM, BV Chợ Rẫy, BV T.Ư Huế... đã áp dụng phương pháp điều trị nhắm trúng đích nói trên để điều trị cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ này. Kết quả, nhiều trường hợp đã lui bệnh, kéo dài thời gian sống thêm với chất lượng cuộc sống tốt hơn. Hiện nay, các thuốc này cũng đã có trong danh mục được chi trả bảo hiểm y tế, bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả khoảng 50%.
Theo thống kê, có khoảng 10 - 35% số bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gene EGFR. Tuy nhiên, xét nghiệm để chẩn đoán chính xác thể bệnh này, hiện tại mới chỉ có một số BV tuyến T.Ư ở Hà Nội và TPHCM thực hiện được. Vì thế, theo các bác sĩ, giải pháp tối ưu để phát hiện bệnh sớm là mọi người nên đi sức khỏe khám định kỳ, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh cao như trên 50 tuổi, hút thuốc trên 10 năm, làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất, ô nhiễm; hoặc tiền sử gia đình có người bị ung thư.
Theo ANTĐ