Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
Nhiều DN cho rằng, dự thảo Luật Hải quan (HQ) sửa đổi cần cụ thể hơn để sớm đi vào cuộc sống và lấp đầy những kẽ hở đang hiện hữu.
Cần quy định chuẩn mực đạo đức cho cán bộ hải quan |
Nhiều DN cho rằng, dự thảo Luật Hải quan (HQ) sửa đổi cần cụ thể hơn để sớm đi vào cuộc sống và lấp đầy những kẽ hở đang hiện hữu.
Tăng trách nhiệm
Theo luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên Ban chấp hành Hội luật gia Hà Nội, dự thảo luật cần quy định chi tiết hơn, tránh những quy định chung chung sẽ khó khăn trong việc thực hiện và có thể dẫn tới những hiểu lầm. Ví dụ trong khoản 3 điều 26 dự thảo luật quy định: “Trường hợp cần thiết, cơ quan HQ tiến hành điều tra, xác minh xuất xứ hàng hóa…”. Ông Tiền đặt câu hỏi, ở đây, trường hợp cần thiết là những trường hợp nào? Điều này cần được làm rõ trong luật để công chức HQ không thể làm khó DN.
Liên quan đến nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, ông Tiền cho rằng, nên bổ sung thêm nhiệm vụ “phòng, chống gian lận thương mại” (Điều 12, Luật HQ sửa đổi). Bởi trên thực tế, hành vi kê khai sai chủng loại hàng hóa, khai báo giá thấp hơn thực tế để trốn thuế nhập khẩu, khai giá nhập khẩu cao hơn giá thực mua để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài… đang xảy ra phổ biến.
Dự thảo Luật HQ sửa đổi tăng thời hạn kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) lên10 năm (Luật hiện hành là 5 năm). LS Đào Ngọc Chuyền – Văn phòng LS Đào và Cộng sự cho rằng, quy định như vậy là quá dài, hầu hết các loại thuế phải nộp tại cửa khẩu đều là thuế gián thu, khi hàng hóa nhập về, DN đã bán hết. Nếu KTSTQ phát hiện có sai sót, dẫn tới phải truy thu thuế với số tiền lớn thì DN sẽ phải nộp thay cho khách hàng. Quy định này gián tiếp khiến DN thông đồng với công chức HQ, làm giảm số thuế phải nộp. Hơn nữa, thời gian dài nếu những người chịu trách nhiệm đã thuyên chuyển công tác dẫn đến khó truy cứu trách nhiệm. LS Chuyền đề nghị thời gian KTSTQ chỉ là 3 – 5 năm.
Ông Lê Quốc Đạt - GĐ Cty TNHH Luật Trí Tuệ nói, cần quy định chuẩn mực đạo đức cho cán bộ hải quan vì thời gian qua một số cán bộ hải quan nhũng nhiễu, tiêu cực đã gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của ngành. Bên cạnh đó, cũng cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan trong trường hợp đơn vị này gây sai sót, khiến phát sinh các chi phí cho DN. Theo đó, nếu khi xác minh xuất xứ hàng hóa để làm căn cứ quyết định các ưu đãi, chính sách quản lý nhưng nếu có sai sót từ phía cơ quan hải quan dẫn đến phát sinh chi phí thì Chi cục trưởng Chi cục hải quan phải chịu mọi trách nhiệm.
Để lấp đầy kẽ hở
Việc tạo thuận lợi cho DN phát triển XNK sẽ góp phần duy trì và phát triển đà tăng trưởng kinh tế. |
Bà Đặng Thị Bình An - Chủ tịch Cty TNHH tư vấn thuế C&A nhận xét, dự thảo Luật vẫn đang thể hiện quyền của cơ quan quản lý nhà nước, chưa thể hiện được trách nhiệm đối với DN. Thực tế, nhiều cán bộ hải quan tới kiểm tra ở DN thì nói không có vấn đề gì, nhưng về sau lại đưa ra kết luận có lỗi khiến DN không kịp trở tay. Điều này như đánh úp DN.
Quy định về đại lí HQ đang mở ra một phương thức làm việc rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều DN không muốn thuê đại lý HQ bởi họ vẫn phải trực tiếp làm việc với lực lượng HQ thay vì có thể ủy quyền phần lớn các nhiệm vụ cho đại lý. Bà An đề nghị bổ sung các quyền và nghĩa vụ của đại lý HQ trong việc thay mặt chủ hàng làm việc với cơ quan HQ như: quyền được trực tiếp giải trình với cơ quan HQ về một số nội dung; quyền được dự tham vấn giữa HQ và DN… Có như vậy mới nâng cao vai trò của đại lý HQ.
Ông Joakim Parker - Đại diện USAID tại VN cho biết, nếu mỗi lô hàng XNK giảm được 1 ngày thời gian thông quan sẽ tác động tích cực tới hoạt động thương mại của DN, qua đó giúp GDP của VN tăng trưởng thêm 0,5-1% mỗi năm. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi trong những năm gần đây, hoạt động thương mại XNK liên tục khởi sắc. Năm 2010, kim ngạch XNK của nước ta đạt 157 tỉ USD, năm 2012 đã là 228,3 tỉ USD. Việc tạo thuận lợi cho DN phát triển hoạt động XNK thông qua cải cách, hiện đại hóa thủ tục HQ sẽ góp phần duy trì và phát triển đà tăng trưởng kinh tế.
Ông Vũ Chu Hiền - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế VN (VIAC) cho rằng, nếu không triển khai đồng bộ thì rất dễ dẫn đến tình trạng Luật đã được thông qua nhưng vẫn phải chờ thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành.