DN thêm gánh nặng phí
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có Văn bản số 6473/ UBND – TM4 nhằm thu phí sử dụng mặt nước đối với tàu lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long.
Ngay lập tức DĐDN nhận được phản ánh, việc thu phí khiến nhiều DN kinh doanh tàu lưu trú trên vịnh Hạ Long lao đao... |
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có Văn bản số 6473/ UBND – TM4 nhằm thu phí sử dụng mặt nước đối với tàu lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long.
Đối tượng nộp phí sử dụng mặt nước là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tàu lưu trú khách trên Vịnh Hạ Long. Phí thu được sẽ trích lại 10% trên tổng số tiền để phục vụ cho công tác thu phí, 90% còn lại được nộp Ngân sách nhà nước để chi cho công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu vực lưu trú trên vịnh. Mức thu áp dụng 2% doanh thu từ SX- KD của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tàu lưu trú khách.
Thêm... gánh nặng cho DN
Chi hội tàu du lịch Hạ Long đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét việc xóa bỏ loại phí này. Văn bản số 01/ của Chi hội gửi Sở Tài chính nêu rõ: trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc tăng thu một số loại phí như phí trọng tải tăng tới hơn 300%, phí dịch vụ cập và rời cảng tăng 160%, phí thu gom rác thải, phí neo đậu, phí tham quan đối với khách nghỉ đêm trên vịnh... Vì vậy, việc thu phí sử dụng mặt nước đối với tàu lưu trú khách du lịch trên vịnh là gánh nặng đè thêm lên DN.
Hiện tại, khách du lịch đến với vịnh Hạ Long đã phải nộp vé lưu trú là 40.000 đ/ người. Theo các DN thì đó cũng chính là phí sử dụng mặt nước. Ông Nguyễn Đăng Bảy - GĐ Cty TNHH du lịch - thương mại Bình Minh cho biết: “Nếu các tàu phải trả phí sử dụng mặt nước thì du khách sẽ không phải mua vé lưu trú nữa. Vì hai khoản thu này chỉ khác nhau về tên gọi. Còn bản chất và mục đích sử dụng phí hoàn toàn giống nhau. Thu quá nhiều phí sẽ khiến cho khách du lịch không còn lựa chọn Hạ Long làm điểm đến hấp dẫn nữa do giá dịch vụ tăng quá cao”.
Cũng trong Văn bản 01, hầu hết các DN đều nhất trí cho rằng mức phí sử dụng mặt nước tính là 2% trên tổng doanh thu của một tàu là khoản thu lớn, gây tình trạng phí chồng phí. Theo ý kiến thống nhất của Chi hội tàu Hạ Long thì: Đây là khoản thu trước thuế đánh thẳng vào tổng doanh thu với mức 2% nên nó mang tính chất của thuế doanh thu chứ không phải là một loại phí thông thường. Bên cạnh đó, trong cơ cấu chi phí nằm trong doanh thu được công bố giá của Sở Tài chính - bao gồm nhiều khoản thực chất là thu hộ, như chi phí mua vé tham quan và vé lưu trú với mức ít nhất là 140.000 đ/khách, nay toàn bộ chi phí này lại phải tính thêm 2% nữa để nộp phí sử dụng mặt nước thì đó thực sự là phí chồng lên phí.
Bức xúc chưa tháo gỡ
Trước những bức xúc của các DN thuộc Chi hội tàu Hạ Long, Sở Tài chính đã có Văn bản phúc đáp số 1074/ STC – QLG. Tuy nhiên trong văn bản phúc đáp vẫn giữ nguyên ý kiến về thu phí như ban đầu. Theo đó, Sở Tài chính cho rằng: hoạt động lưu trú trên vịnh Hạ Long là một loại hình du lịch mới. Việc đỗ nghỉ đêm trên Vịnh đòi hỏi phải có quy hoạch bến đỗ, quản lý neo đậu các tàu lưu trú, nghỉ đêm trên vịnh - loại hình kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi yêu cầu cao về an ninh, không đặt ra yêu cầu phát triển rộng. Vì vậy, các DN phải đóng phí. Lý giải về ý kiến của DN về mức phí 40.000 đ/người, Sở Tài chính cho rằng đó là phí tham quan vịnh và phí sử dụng mặt nước đối với tàu lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long không trùng tên phí và mục đích thu của các khoản phí hiện nay.
Việc thu thêm bất cứ khoản phí nào là gánh nặng cho DN, nhất là khoản phí đó lại chồng lên phí đã và đang thu. |
Theo ông Nguyễn Đăng Bảy – GĐ Cty TNHH du lịch - thương mại Bình Minh thì: “Năm 2011, tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 716/QĐ - UBND về việc quy định tuổi khai thác của các phương tiện vận chuyển khách du lịch khống chế ở mức 15 năm. Sau đó một thời gian lại có quyết định quy định luồng tuyến cho khách du lịch thăm quan vịnh một cách cứng nhắc... Tất cả những quyết định chưa hợp lý này đã dần được tháo bỏ. Tuy nhiên, DN kinh doanh tàu du lịch chưa kịp mừng thì đầu năm nay lại có thêm: thu phí sử dụng mặt nước – gánh nặng đè lên DN”. Hiện nay, thời điểm thu phí đã bắt đầu được thực hiện, tuy nhiên đang gặp phải nhiều ý kiến không đồng thuận từ phía DN kinh doanh tàu. Chi hội tàu Hạ Long tiếp tục gửi kiến nghị lần 3 tới Sở Tài chính với mong muốn xóa bỏ phí hoặc giãn thời gian thu phí.
Ông Đào Mạnh Lượng - Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết: “Chúng tôi là DN, việc tuân thủ và chấp hành quy định của Nhà nước là việc phải thực hiện. Tuy nhiên trong giai đoạn khó khăn này, sự hỗ trợ của UBND tỉnh đối với DN là điều cần thiết. Việc thu thêm bất cứ khoản phí nào là gánh nặng cho DN, nhất là khoản phí đó lại chồng lên phí đã và đang thu”.