Thông tư 02: Thống đốc chưa thể nói điều “khó nói”?
Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp vui vì sau gần một năm chờ đợi, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước “đánh tiếng” thành lập, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ra đời.
Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu áp dụng Thông tư 02 và dừng Quyết định 780 thì nợ xấu của hệ thống có thể tăng mạnh lên tới 15 - 16%/tổng dư nợ của hệ thống. |
Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp vui vì sau gần một năm chờ đợi, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước “đánh tiếng” thành lập, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ra đời.
Nhưng một nỗi lo khác theo sau, là nếu không trì hoãn Thông tư 02 thì sẽ có thêm một núi nợ xấu để VAMC xử lý, khi mà thời gian đếm ngược chỉ còn vài ngày là đến thời điểm 1/6/2013, khi Thông tư 02 có hiệu lực.
Dùng “kháng sinh” với người suy nhược
So với những quy định hiện hành về trích lập dự phòng, xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Quyết định 493 và một số văn bản pháp luật sửa đổi Quyết định 493 thì Thông tư 02/2013/TT-NHNN bộc lộ những thay đổi lớn và tác động rất mạnh đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
Thứ nhất, đối tượng “tài sản có” được yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro rộng hơn như: tiền mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, thẻ tín dụng, ủy thác cấp tín dụng, tiền gửi liên ngân hàng; tỷ lệ khấu trừ tối đa với tài sản bảo đảm quá thận trọng (khoản 6, điều 12) khi tỷ lệ khấu trừ của tài sản bảo đảm là bất động sản lên tới 50%, làm cho giá trị thế chấp cùng với dự phòng khoản vay tăng thêm.
Thứ hai, để đề phòng sai lệch số liệu phân loại nhóm nợ giữa các tổ chức tín dụng đối với cùng một khách hàng, có thể dẫn đến sai lệch số liệu phân loại nợ giữa các tổ chức tín dụng đối với Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC); giữa tổ chức tín dụng với nhau khi phân loại nợ cùng một khách hàng, Thông tư 02 yêu cầu kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng do tổ chức tín dụng phân loại phải được điều chỉnh theo kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng có mức độ rủi ro cao hơn tại các tổ chức tín dụng khác. Đồng thời, mỗi quý một lần, tổ chức tín dụng phải gửi kết quả phân loại nợ và cam kết ngoại bảng cho CIC.
Thứ ba, những đơn vị nào áp dụng phương pháp phân loại định tính thì phải kết hợp thêm phương pháp định lượng, phương pháp nào mang lại số liệu có độ rủi ro cao hơn thì chọn phương pháp đó.
Nhận xét về Thông tư 02, một cán bộ quản trị rủi ro của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, thông tư này đã có nhiều tiến bộ, ưu việt rõ ràng hơn so với Quyết định 493. Điều này thể hiện quyết tâm lớn của Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa ra những chuẩn mực trong quản lý điều hành, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, giúp hệ thống an toàn, minh bạch hơn.
“Không ai phủ nhận mặt tích cực của chúng. Nhưng hiện nay, mảng hoạt động tín dụng vẫn chiếm tới 60% trở lên trong cơ cấu hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong khi tình hình thị trường đang khó khăn mà lại áp dụng ngay, thì không khác gì cho người suy nhược cơ thể uống kháng sinh”, ông này nói.
Tại hội nghị “đẩy mạnh tín dụng cho vay tái canh cà phê” do Agribank và tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 17/5/2013, ông Nguyễn Văn Chiểu, Giám đốc Agribank chi nhánh Lâm Đồng kiến nghị: “Trong giai đoạn trước mắt, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước nên cho tiếp tục thực hiện Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ”.
Điều này được hiểu là Ngân hàng Nhà nước không nên áp dụng ngay Thông tư 02 vào 1/6/2013, vì chính nó sẽ xóa bỏ thành quả mà Quyết định 780 về cơ cấu nợ đã tạo ra.
Chần chừ giữa “bảy tám mươi” và “không hai”
Đánh giá tác động của Thông tư 02 đối với Quyết định 780, vị cán bộ nói trên của BIDV phân tích: nếu không có Quyết định 780 và Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 9/11/2012, thì hệ thống ngân hàng đã không thể cơ cấu lại các khoản nợ cho khách hàng với tổng giá trị lên tới 272 nghìn tỷ đồng, nhờ đó mà 10% tổng dư nợ của hệ thống đã chưa thành nợ xấu.
“Quyết định 780 vừa giúp doanh nghiệp được giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục có cơ hội vay vốn, duy trì sản xuất kinh doanh. Đồng thời, toàn hệ thống ngân hàng cũng giảm gánh nặng trích dự phòng rủi ro. Nhưng ngày 1/6 tới, nếu Ngân hàng Nhà nước áp dụng Thông tư 02 thì đồng nghĩa chấm dứt hiệu lực của Quyết định 780, cũng như làm mất đi những kết quả có được từ việc gia hạn, cơ cấu nợ thời gian qua”, ông này nói.
Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu áp dụng Thông tư 02 và dừng Quyết định 780 thì nợ xấu của hệ thống có thể tăng mạnh lên tới 15 - 16%/tổng dư nợ của hệ thống.
Cùng đó, việc thực hiện phân loại lại nhóm nợ theo Thông tư 02, đặc biệt việc thống nhất phân loại nợ giữa các tổ chức tín dụng sẽ bộc lộ xu hướng khách hàng bị đẩy tới nhóm nợ xấu hơn và tụt hạng theo thang điểm xếp hạn tín dụng nội bộ.
Từ đó, khách hàng sẽ khó tiếp cận vốn, thậm chí bị từ chối khi bị xếp hạng kém, làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu cản trở cấp vốn cho nền kinh tế, đi ngược lại mong muốn của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng trưởng tín dụng.
Đặc biệt, ngày 18/5 vừa qua, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập VAMC, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng thương mại vui mừng vì cơ hội trút đi gánh nặng nợ xấu nhờ quá trình xử lý của VAMC sau này. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước áp dụng Thông tư 02 vào 1/6 tới, định chế này lại thêm một núi nợ để xử lý, mà con số dễ nhìn thấy là ước tính 272 nghìn tỷ đồng do việc chấm dứt hiệu lực của Quyết định 780 như nói trên.
Và, một bất cập khác cũng liên quan đến Thông tư 02 đã xuất hiện ngay tại buổi họp báo công bố triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở thương mại theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 07/2013/TT-BXD do BIDV tổ chức ngày 23/5/2013.
Theo ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng phân bổ cho BIDV 10 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình trên, đồng nghĩa, tài sản có của BIDV được bổ sung 10 nghìn tỷ đồng. Nếu thực hiện theo Thông tư 02 thì 10 nghìn tỷ này bị xếp vào nhóm cho vay bất động sản có hệ số rủi ro lên tới 250%, từ đó ảnh hưởng xấu đến hệ số CAR (hệ số đảm bảo an toàn vốn) của ngân hàng.
“Giả sử Ngân hàng Nhà nước áp dụng Thông tư 02 thì nên bóc tách và coi khoản này như tín dụng thông thường. Nếu không, 10 nghìn tỷ kia sẽ biến thành 25 nghìn tỷ đồng trong “tài sản có”, dẫn đến hệ số an toàn của ngân hàng bị giảm xuống”, ông Tú nói.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, phần lớn trong các chuyến tiếp xúc giữa đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn tín dụng cho các doanh nghiệp ở gần 40 tỉnh thành khắp cả nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã được nghe phản ánh nhiều bất cập xung quanh Thông tư 02 từ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Vậy nên, ngày 18/4, tại Long An, ông Bình nói: “Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng áp dụng ngay Thông tư 02 để nhận diện đúng hơn về con số thực, bản chất nợ xấu; còn việc áp dụng đối với doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước không hối thúc thực hiện ngay mà sẽ có lộ trình phù hợp”.
Tiếp đó, đến hội nghị tái canh cà phê ngày 17/5 nói trên, trả lời kiến nghị tiếp tục duy trì Quyết định 780 của Agribank Lâm Đồng, Thống đốc nói: “Ngân hàng Nhà nước cho phép tiếp tục áp dụng Quyết định 780 trong thời gian tới, để Agribank và các ngân hàng thương mại có điều kiện tái cơ cấu lại nợ cho bà con và doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay”.
Trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa, Thông tư 02 sẽ có hiệu lực, dường như đã có ít nhất hai lần người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu tiếp tục thực hiện Quyết định 780 và lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02.
Đó là chưa kể, ngày 8/5/2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp, lắng nghe nguyện vọng của một số tổ chức tín dụng lớn và ý kiến phản biện của chuyên gia xung quanh bất cập của Thông tư 02. Tại đây, đa số ý kiến đều bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 thêm một năm.
(Theo Vneconomy)