Giãn Thông tư 02: Cơ hội dưỡng sức trước đại phẫu
Hôm 27/5, bốn ngày trước khi Thông tư 02 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước chính thức có sửa đổi, giãn lộ trình thực hiện.
Sau một năm nữa, sức khỏe của các ngân hàng và doanh nghiệp có tốt lên được hay không lại là một vấn đề khác, mà Thông tư 02 chỉ là một miếng ghép khó mà tiếp tục trì hoãn. |
Hôm 27/5, bốn ngày trước khi Thông tư 02 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước chính thức có sửa đổi, giãn lộ trình thực hiện.
Đó là việc ban hành Thông tư số 12/2013/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại tài sản có, mức trích và phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tưởng như Thông tư 02 chỉ điều chỉnh và tác động trực tiếp đến các ngân hàng thương mại, song lại có liên hệ sâu sắc với nhiều doanh nghiệp. Và đây chính là nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước xem xét để giãn thời điểm áp dụng thêm một năm, thay vì từ ngày 1/6 tới.
Trong các cuộc trao đổi, thảo luận thời gian qua, cả lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại và nhiều chuyên gia đều chung nhận định: Thông tư 02 là một bước tiến trong quản lý và củng cố an toàn hệ thống. Các quy định của nó đã tiếp cận gần hơn các chuẩn mực quốc tế, tạo hành lang chặt chẽ, sát thực đối với mức độ an toàn, lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cụ thể nhất ở đây là phân loại nợ và xử lý nợ xấu.
Theo đó, Thông tư 02 khi áp dụng sẽ lột tả đầy đủ hơn, chính xác hơn, hợp lý hơn chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng cũng như những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống. Khi có được bức tranh sát thực hơn, việc ứng xử của chính sách, của chính các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ hợp lý hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc áp dụng thông tư này sẽ tạo tác động lớn. Đó là nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ tăng mạnh; một số dự báo trong cuộc cho rằng nợ xấu của một số ngân hàng có thể từ 3-4% vọt lên 10%, thậm chí 20%... Theo đó, điểm nghẽn nợ xấu sẽ nở rộng hơn và cản trở các dòng chảy của nền kinh tế.
Cụ thể, tại thời điểm này, khi yêu cầu giảm lãi suất cho vay tiếp tục được đặt ra quyết liệt, nếu áp Thông tư 02, không những trì hoãn mà lãi suất cho vay có thể còn tăng trở lại do ngân hàng "tạo" nguồn để bù cho nguồn trích lập bị đội cao. Các doanh nghiệp theo đó sẽ phải chịu thêm chi phí khi mà khó khăn trong sản xuất kinh doanh hiện vẫn còn đè nặng; hay nhiều đối tượng bị chuyển nhóm nợ, bị hạ hạng mức tín nhiệm theo yêu cầu Thông tư 02 sẽ càng bị đẩy xa cơ hội vay vốn, hoặc vay được với chi phí cao hơn…
Chính vì vậy, sao nhiều thảo luận và tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02 thêm một năm nữa, tức từ 1/6/2014.
“Việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực thi hành của Thông tư 02 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp cho tổ chức tín dụng có thêm thời gian để chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đẩy đủ Thông tư 02”, Ngân hàng Nhà nước giải thích.
Như vậy, Thông tư 02 được giãn thời điểm áp dụng chứ không ngừng áp dụng, hay không thay đổi các quy định của nó. Với những điểm mà Ngân hàng Nhà nước nêu trong giải thích trên, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có những thuận lợi để củng cố hoạt động, có thời gian để có thể dưỡng sức chuẩn bị cho cuộc đại phẫu sau một năm nữa.
Còn một năm sau, sức khỏe của họ có tốt lên được hay không lại là một vấn đề khác, mà Thông tư 02 chỉ là một miếng ghép khó mà tiếp tục trì hoãn lần nữa.
(Theo Vneconomy)