• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Sau tấm huy chương WTO

    Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vai trò của Nhà nước trở nên mở rộng hơn trong mọi lĩnh vực kinh tế. Thật tiếc, vai trò đó đã không giảm xuống như người ta mong đợi khi Việt Nam vào WTO mà trái lại được ca ngợi như là phản ứng cần có trước cú sốc do chính hội nhập WTO mang lại.

    Mua đường bình ổn giá tại một siêu thị. Ảnh: Tuệ Doanh.

    Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vai trò của Nhà nước trở nên mở rộng hơn trong mọi lĩnh vực kinh tế. Thật tiếc, vai trò đó đã không giảm xuống như người ta mong đợi khi Việt Nam vào WTO mà trái lại được ca ngợi như là phản ứng cần có trước cú sốc do chính hội nhập WTO mang lại.

    Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển vẫn còn nhớ mãi một kỷ niệm khó khăn khi đàm phán vào WTO. Năm 1998, ông Tuyển - lúc đó giữ vị trí trưởng đoàn đàm phán - nhận được một câu hỏi rất đơn giản của phía Mỹ: xin Việt Nam cho biết, cổ phần hóa có phải là tư nhân hóa không? Câu hỏi đó được nêu ra trong phiên đàm phán cấp cao đầu tiên với sự tham gia lần đầu tiên của Bộ trưởng Thương mại. Tuy nhiên, ông

    Tuyển đã không trả lời trực tiếp, cho dù đã tham vấn ý kiến của cả đoàn gồm 25 cán bộ từ thứ trưởng, vụ trưởng, vụ phó của hầu hết các bộ ngành vào buổi tối trước đó. Ông Tuyển chọn cách diễn giải khái niệm cổ phần hóa cho những người Mỹ.

    Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa kết thúc khi các bên không biết chọn từ nào để đưa vào văn kiện. Một đồng sự của ông Tuyển lúc đó là ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Thương mại, nảy ra sáng kiến: viết cả chữ cổ phần hóa - tư nhân hóa vào văn bản. Ông Tự nhớ lại: “Thế là cả hai bên đều chấp nhận. Các đối tác chấp nhận, Thủ tướng cũng đồng ý, bảo các cậu dùng hai chữ ngang nhau là được”.

    Càng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường càng cao.

    (Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI)

    Câu chuyện trên diễn ra cách đây 14 năm nhưng đáng để nhắc lại: ít nhất nội hàm của nó vẫn còn đeo bám nền kinh tế này cho đến tận ngày nay. Tư nhân hóa vẫn là một từ húy kỵ không chỉ trên các văn bản chính thức, trong khi doanh nghiệp nhà nước vẫn được xác định giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

    Ở một lăng kính tương tự, câu chuyện cũ ở trên cũng chẳng khác mấy so với thực tế hiện nay: vai trò của nhà nước trong nền kinh tế đã trở nên mở rộng hơn trong mọi lĩnh vực. Thật tiếc, vai trò đó đã không giảm xuống như người ta mong đợi khi Việt Nam vào WTO mà trái lại được ca ngợi như là phản ứng cần có trước cú sốc mà chính hội nhập WTO mang lại.

    Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), luật sư Trần Hữu Huỳnh, là một trong những người quan tâm đến thực tế này. Ông nhận xét: “Càng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường càng cao”. Nhận xét của ông Huỳnh có vẻ định lượng được.

    Thống kê của Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) kết hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy: từ năm 2005-2008, Việt Nam đã ban hành 17.169 văn bản pháp luật, lớn hơn cả số văn bản pháp luật được ban hành trong 18 năm trước đó (14.641). Chỉ tính riêng cấp trung ương, số văn bản pháp luật tăng đột biến lên 8.520 vào năm 2009. Số lượng văn bản quy phạm tiếp tục tăng lên trong hai năm gần đây. Chuyên gia VNCI Scott Jacobs nhận xét: “Số lượng văn bản ngày càng tăng làm Việt Nam phải gánh chịu nhiều quy định phi thị trường tốn kém”.

    Theo Giáo sư Claudio Dordi, chuyên gia trưởng của dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap III), các chỉ số đo lường năng lực điều hành của Chính phủ đang giảm xuống theo thời gian. Ông trích dẫn số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, theo đó, về thứ hạng hiệu quả khuôn khổ luật pháp thì Việt Nam từ hạng 57 năm 2009 xuống 74 năm 2012. Tính minh bạch của chính phủ giảm từ hạng 58 năm 2007 xuống 91 năm 2012.

    Về tiêu chí gánh nặng các quy định của Chính phủ, Việt Nam giảm từ hạng 105 năm 2007 xuống 113 năm 2012. Ông nói: “Đây là số liệu khách quan”. Còn trên thực tế, ông nhận xét, Nghị định 46 về hạn chế lao động nước ngoài, hay cơ chế giấy phép nhập khẩu tự động nhằm giảm nhập siêu “chẳng có mấy tác dụng” trong khi vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp. “Chúng tôi nói với Thủ tướng rằng những điều khoản như thế chỉ làm bất lợi hơn cho Việt Nam”, ông nói.

    Song, sẽ chẳng công bằng khi chỉ phê phán mà không nhìn từ lịch sử, khi tâm lý xã hội bị chi phối bởi mô hình kinh tế tập trung bao cấp. Tâm lý đó, thật đáng ngạc nhiên, vẫn kéo dài đến tận ngày nay. Một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới và VCCI tiến hành với gần 900 người Việt Nam gần đây cho thấy, có tới 68% trả lời ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, so với 29% muốn giá cả các mặt hàng này được các lực lượng thị trường quyết định.

    Hầu hết những người trả lời (93%) đã tốt nghiệp đại học và sau đại học; và chủ yếu làm ở các cơ quan bộ, ngành thuộc Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Đảng, ủy ban nhân dân và các sở, doanh nghiệp nhà nước, thậm chí ở các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Tỷ lệ ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước cao là một ngạc nhiên. Báo cáo cho rằng, những người làm trong bộ máy chính quyền thiếu nhiệt tình về cải cách so với những người làm ở ngoài và kết luận: “Vì thế quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không thể kết thúc nhanh và ngắn gọn được”.

    Kết luận đó có vẻ chẳng mấy khích lệ với Việt Nam và làm nhiều chuyên gia lo lắng. “Chúng ta cần tiếp tục xác định rõ khái niệm nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, đây là điểm cần làm rõ đầu tiên để xác định đường lối phát triển tiếp theo”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói trong một hội thảo về WTO gần đây. Bà nói tiếp: “Chúng ta không thể vương vấn cơ chế kinh tế cũ trong khi theo đuổi phát triển kinh tế thị trường. Vì thế, cần xác định rõ Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì trong nền kinh tế”.

    Viện phó CIEM Võ Trí Thành bổ sung: “Xã hội và giới đầu tư đòi hỏi tính minh bạch và tiên liệu được từ các chính sách. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách được yêu cầu giao tiếp minh bạch hơn... vì họ vẫn thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện luật pháp”. Còn về phần mình, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển hy vọng cách thức điều hành sẽ tiếp tục được cải thiện cho phù hợp với yêu cầu hội nhập. “Thủ tướng đã tuyên bố sẽ chuyển sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Thông điệp của Thủ tướng là rất rõ. Vấn đề là làm sao hiện thực hóa điều này”, ông nói.

    (Theo Thời báo kinh tế SG)